Góc nhìn

Nghị quyết "sạch làng"

DƯƠNG LAN 20/06/2024 05:32

Những nghị quyết "sạch làng" như ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ) hay quyết tâm đi đầu phân loại rác thải tại nguồn như ở huyện Nam Sách sẽ giúp nhiều vùng quê Hải Dương xanh, sạch.

447564652_1540830353364655_612376919801452062_n(1).jpg
Nhờ phân loại rác tại nguồn, phụ nữ Nam Sách có thể biến rác hữu cơ thành phân bón, còn rác tái chế mang bán để gây quỹ giúp chị em nghèo

Một hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Minh Đức (Tứ Kỳ) từng xin tôi đồ họa đã đăng trên Báo Hải Dương về quy trình xử lý, phân loại rác tại nguồn bằng chế phẩm sinh học IMO để in ra phát cho từng chị em. Chị bảo đây là cách làm nhanh và hiệu quả để tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hiện nghị quyết "sạch làng".

Nghe lạ, tôi hỏi chị mới biết từ cuối tháng 2, Đảng ủy xã Minh Đức đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình và hoàn thiện dịch vụ quản lý, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.

Nhiều người dân trong xã gọi là nghị quyết "sạch làng". Để hiện thực hoá nghị quyết này, từ ngày 1/4, xã Minh Đức đã quyết định đóng 6 trong tổng số 7 bãi chôn lấp rác thải. Xã huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giám sát các hộ dân phân loại và xử lý rác thải hữu cơ ngay tại gia đình.

Theo báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi trường Hải Dương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh phát sinh gần 1.300 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày đêm, hơn một nửa là rác thải khu vực nông thôn. Rác thải được xử lý bằng hình thức chôn lấp chiếm tới hơn 61% tổng lượng rác thu gom hằng ngày.

Những bãi chôn lấp rác ngày càng phình to. Nhiều nơi ở nông thôn, rác thải chôn lấp chưa đúng quy trình còn tràn cả xuống đồng ruộng, kênh mương gây ô nhiễm môi trường. Nếu thực hiện được phân loại và xử lý rác tại nhà thì dần dần sẽ không còn phải lo mở rộng bãi chôn lấp. Người thu gom rác cũng bớt vất vả mà người dân có thể tận dụng rác hữu cơ làm phân bón. Một số loại rác vô cơ tái chế được có thể gom bán ra tiền...

Phân loại và xử lý rác tại nguồn ban đầu sẽ gặp không ít khó khăn do người dân lâu nay chưa hình thành thói quen phân loại và ngại đầu tư thêm dụng cụ.

z5552366534981_93132186f6e1a89901fa1155624ba365.jpg
Phân loại rác tại nguồn tốt sẽ giúp Hải Dương giảm bớt các bãi chôn lấp rải thải tập trung

Khó nhưng không phải không làm được. Bằng chứng là tại huyện Nam Sách, từ tháng 5/2022, địa phương này đã đi đầu trong tỉnh triển khai phân loại, xử lý rác tại nguồn. Thời điểm đó, việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 còn mới. Các văn bản hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác chưa được ban hành. Trên cả nước chưa có mô hình thí điểm hoặc địa phương nào triển khai phân loại rác với quy mô lớn.

Vừa học vừa làm, quyết tâm thực hiện, nỗ lực từ chính quyền đến mỗi người dân đã giúp chủ trương này của huyện Nam Sách thành hiện thực. Chi phí xử lý rác thải đã giảm khoảng 50%; giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm cục bộ từ các bãi chôn lấp rác tập trung. Lượng mùn hữu cơ sau khi ủ cơ bản được tái sử dụng để cải tạo đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, cây trồng… Tại xã Minh Đức (Tứ Kỳ), hiện việc phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nguồn đã được hơn 95% số hộ dân thực hiện.

Ngày 1/1/2025 là thời hạn bắt buộc phải phân loại rác thải tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Như vậy, chỉ còn nửa năm nữa, công việc này sẽ triển khai trên phạm vi toàn quốc. Công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện cần nhanh chóng được triển khai sâu rộng tại các địa phương.

Cách làm hay ở Nam Sách cũng như quyết tâm cao như ở xã Minh Đức cần sớm được nhân rộng. Các nơi có thể lấy kết quả quản lý và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá thi đua, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, từ đó giúp Hải Dương có nhiều hơn những nghị quyết "sạch làng".

DƯƠNG LAN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghị quyết "sạch làng"