Nghề vang bóng một thời

18/08/2023 12:47

Đã có thời nghề sửa chữa điện tử ti vi, loa đài rất thịnh hành, góp phần tạo nguồn thu nhập cho nhiều người. Nhưng theo thời gian, số người theo nghề dần ít đi.


Ông Bùi Quang Dũng gắn bó với nghề sửa chữa điện tử từ năm 1996 

Thời hoàng kim 

Về thị trấn Gia Lộc, hỏi thăm địa chỉ sửa chữa loa đài, ti vi, ai cũng biết tiệm của ông Bùi Quang Dũng, 55 tuổi. Tiệm sửa chữa nằm trên phố Giỗ, không hề đặt biển tên nhưng lại nổi tiếng vì ông chủ đã gắn bó với nghề gần 30 năm. Trên chiếc bàn nhỏ nơi ông Dũng làm việc có một chiếc đèn bàn và la liệt những con vít, chíp, bảng vi mạch điện tử...

Ông Dũng kể, từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi nghe mọi người kể chuyện đi học nghề điện tử ông đã rất thích. Sau khi xuất ngũ, ông học nghề 1 năm và gắn bó với công việc này từ năm 1996 đến bây giờ. Ngày trước nhà nào có ti vi màu, âm li, máy nghe nhạc thì thuộc diện có điều kiện. Nhà ai có máy bị hỏng thì cố gắng khắc phục. Nhu cầu sửa chữa của người dân cao nên cũng có nhiều người làm nghề sửa chữa điện tử. Hồi ấy, ông Dũng còn làm dịch vụ sửa chữa tại nhà. Nhà ai có ti vi, loa đài hỏng gọi là ông đều đến tận nơi sửa chữa. “Sửa chữa tại nhà phải đi lại nhiều, có khi sửa tại chỗ không được, tôi lại phải mang đồ về nhà để sửa. Sửa xong lại mang đến cho khách”. Công việc dù vất vả nhưng thu nhập khá. Từ nghề này, ông Dũng xây nhà, mua xe, nuôi các con ăn học trưởng thành. 

Ông Nguyễn Ngọc Vĩnh, 61 tuổi ở thị trấn Tứ Kỳ đã gắn bó với nghề sửa chữa điện tử 33 năm. Vừa sửa chữa, ông Vĩnh vừa bán hàng điện tử. Từ lúc ông Vĩnh mới bắt tay vào làm nghề đến bây giờ, những thiết bị đã thay đổi và phát triển hơn nhiều. Từ thời dùng đầu băng cassette chuyển sang đầu quay đĩa, đầu 6 số rồi đầu mạng đòi hỏi người thợ cũng phải thay đổi, tìm hiểu để có thể sửa được. Ông Vĩnh vừa làm, vừa học hỏi. “Những đồ điện tử với những vi mạch, linh kiện nhỏ, ngoài có kiến thức nhất định đòi hỏi người thợ còn phải khéo léo, kiên nhẫn”, ông Vĩnh nói. Khách mang đồ tới, kể về triệu chứng, người thợ sẽ “bắt bệnh” sao cho chuẩn và đi vào sửa từng lỗi một. Tùy theo “bệnh” của món đồ mà thời gian sửa chữa khác nhau, có đồ thì chỉ vài phút, có cái ông Vĩnh mày mò vài ngày mới xong. Ông Vĩnh nói đùa rằng máy móc thì không biết nói, mình phải dò đúng "bệnh" để sửa. Người thợ làm nghề lâu, có nhiều kinh nghiệm là sẽ đoán được "bệnh" để trị cho máy. Ông Vĩnh kể, ngày trước ông làm không hết việc. Nhất là dịp cận Tết. Mọi người có tâm lý chung cứ đến 30 Tết là thích có ti vi, đài trong nhà để được nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước. Ngày xưa không đa dạng đồ như bây giờ, cũng không có màn hình tinh thể lỏng. Có khi ông phải thức xuyên đêm để sửa chữa đồ cho khách kịp xem Tết. 


Theo ông Nguyễn Ngọc Vĩnh, những đồ điện tử với những vi mạch, linh kiện nhỏ, ngoài có kiến thức nhất định, đòi hỏi người thợ còn phải khéo léo, kiên nhẫn 

Đam mê 

Cửa hàng xe điện, xe máy, điện tử, điện lạnh Ngọc Hoát nằm bề thế cạnh quốc lộ 37 ở xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ). Không gian rộng rãi, cửa hàng trưng bày nhiều loại xe điện, tủ lạnh, quạt điện, nhưng ông Hoát chủ của cửa hàng vẫn dành một góc khiêm tốn làm nơi sửa chữa điện tử. Ông vẫn vừa bán hàng, vừa sửa chữa đồ điện tử cho khách. Tính đến nay, ông đã gắn bó với việc sửa chữa các thiết bị điện tử gần 40 năm. Theo thời gian, nhu cầu sửa chữa các thiết bị điện không nhiều như trước, nhưng ông Hoát vẫn kiên trì gắn bó với công việc vì niềm đam mê.  

Ông Bùi Quang Dũng từng có ý định chuyển nghề vì có những thời điểm tiệm của ông rất ít khách. Nhưng vì yêu thích công việc này nên ông gắn bó với nghề đến tận bây giờ. Ông Dũng kể có một vị khách hàng của ông được cơ quan thưởng cho chiếc đồng hồ vạn niên, món đồ giá trị không lớn nhưng là chiếc đồng hồ kỷ niệm mà vị khách rất trân quý. “Khi mà mình chữa được món đồ cho khách, người ta vui, người ta cảm ơn mình, mình cũng vui lắm”, ông Dũng nói. 

Ông Dũng chia sẻ nghề điện tử khó phát triển vì hiện nay số lượng máy móc nhiều, kinh tế cũng khá hơn nhiều nên hỏng thì mọi người thường có tâm lý mua mới. Hơn nữa công việc này mất thời gian, đòi hỏi sự kiên trì của người thợ nên nhiều người trẻ cũng không thích theo nghề. 

Đôi lúc, công việc sửa chữa điện tử khiến ông Nguyễn Ngọc Vĩnh nhức đầu, có lần ông còn bị điện giật nhưng ông yêu cái nghề này bởi nó đã gắn bó với ông từ lúc cơ hàn. Ông Vĩnh có nhiều khách quen, nhiều cụ cao tuổi, sức khỏe yếu chỉ có cái đài làm bạn. Nhiều người từ nơi xa đi đến quán để sửa đồ, nếu không nhận lời sửa thì khách đi lại vất vả nên còn sức khỏe, ông Vĩnh vẫn tiếp tục công việc này. “Tôi cũng dạy nghề cho vài người cháu nhưng học một thời gian lại bỏ giữa chừng đi làm công ty. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mẩn, nhiều người trẻ thích đi học nghề điện nước, điện lạnh hơn là nghề điện tử”, ông Vĩnh chia sẻ.

 HÀ NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề vang bóng một thời