Nghệ thuật tạo hình bằng bóng bay không chỉ hấp dẫn chính người làm nghề mà còn đem lại niềm vui, sự háo hức cho những người xung quanh, nhất là các em nhỏ.
Người tạo hình bóng bay đã "biến hóa" những quả bóng đơn giản thành hình thù độc đáo
Không mất quá nhiều thời gian để biến một quả bóng bay đơn giản thành hình những con vật ngộ nghĩnh, đáng yêu hay một nhân vật hoạt hình quen thuộc. Nghệ thuật tạo hình bằng bóng bay không chỉ hấp dẫn chính người làm nghề mà còn đem lại niềm vui, sự háo hức cho những người xung quanh, nhất là các em nhỏ.
Đam mêTrong một lần về quê tại thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang), chị Phạm Thị Nguyệt (trú tại đường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương) bị cuốn hút bởi những hình thù lạ mắt nhiều màu sắc được tạo ra từ những quả bóng bay. “Tôi như bị thôi miên theo những động tác của người làm bóng. Lân la đến chỗ anh, tôi ngỏ ý xin học. Anh nhìn tôi từ đầu đến chân rồi bảo: có phải ai cũng làm được đâu. Nhưng từ lúc đó tôi đã quyết tâm học cho bằng được”.
Lên mạng mày mò để nắm những kỹ năng cơ bản, sau đó chị Nguyệt tập làm những hình đơn giản như bông hoa, con sâu. Sau 6 tháng kiên trì luyện tập và học hỏi kinh nghiệm từ các diễn đàn trên mạng, đến nay chị Nguyệt đã mở một quầy bán bóng nhỏ gần Trung tâm Thương mại TP Hải Dương cũ. “Bây giờ tôi có thể làm bất cứ hình gì mà khách yêu cầu, từ hình siêu nhân đến những hình đòi hỏi kỹ thuật cầu kỳ như búp bê baby. Mỗi sản phẩm tôi chỉ bán với giá từ 5.000-15.000 đồng. Vào giờ tan học, có lúc tôi làm không kịp để bán vì rất đông cháu nhỏ đến mua".
Cũng từ đam mê, chị Nguyễn Thị Linh (27 tuổi, quê gốc Hà Nội) đã đến với nghề tạo hình bóng bay nghệ thuật. Khoảng giữa tháng 5-2000, tình cờ được biết đến Câu lạc bộ Bóng bay nghệ thuật ở Hà Nội, chị tìm đến đăng ký học. “Những ngày đầu tiên tôi đã bị những trái bóng làm cho mê mẩn. Sau 3 ngày học, chỉ mới biết làm 3 mẫu đơn giản, tôi đánh liều tự mở quầy bán bóng. Ngày đầu tiên, tôi kiếm được 300.000 đồng, nhưng niềm vui và hạnh phúc khi được thỏa sức sáng tạo thì lớn hơn gấp nhiều lần. Lúc đó tôi đã quyết định nghỉ làm tại một cơ quan nhà nước ở Hà Nội để gắn bó với nghề tạo hình bóng bay", chị Linh cho biết.
Làm bóng bay bây giờ đã trở thành nghề chính của chị Linh và công việc này đã khiến chị gắn bó với mảnh đất Hải Dương. Mỗi tháng chị thu được gần 20 triệu đồng từ việc tạo hình bóng bay nghệ thuật tại quầy bán cố định ở ngay cửa ra siêu thị Big C Hải Dương và từ việc trang trí tiệc sinh nhật, tiệc cưới bằng bóng bay. Với sự khéo léo của đôi bàn tay, từ một quả bóng dài, chỉ trong nháy mắt, bằng cách vặn, uốn, thắt nút, chị Linh đã tạo ra một chú hề bằng bóng bay khiến những người xem phải trầm trồ thán phục.
Bóng bay mà chị Nguyệt và chị Linh sử dụng chủ yếu được nhập từ Thái Lan, Singapore và Hàn Quốc, lấy ở mối quen và uy tín, màu sắc bóng tươi tắn, bền màu, không độc hại. “Giá thành những loại bóng này khá cao. Mỗi sản phẩm có thể lãi ít đi, nhưng đối với tôi, điều quan trọng nhất là mang lại sự an toàn cho những khách hàng nhỏ tuổi”, chị Nguyệt chia sẻ.
Vất vảVốn là người khéo léo, lại có đam mê nhưng những ngày mới tập làm chị Nguyệt gặp không ít khó khăn. "Lúc đầu do chưa biết điều phối hơi khi bơm bóng sao cho vừa, các kỹ thuật thắt nút, vặn xoắn bóng chưa thành thục, bóng nổ liên tục, rát đỏ tay, nhưng vì yêu thích nên mình không bỏ cuộc", chị Nguyệt kể thêm. Công việc của những người tạo hình bóng bay có niềm vui nhưng cũng có không ít nỗi buồn. Chị Linh chia sẻ: “Những người tạo hình bóng bay chẳng bao giờ có bàn tay đẹp. Ngoài việc không được để móng tay dài, lúc kết bóng phải dùng lực nhiều nên ngón nào cũng bị xước móng". Không chỉ là công việc mưu sinh, đối với những người tạo hình bóng bay, mỗi sản phẩm còn là nơi gửi gắm tình cảm và là cả một quá trình tư duy, sáng tạo không ngừng nghỉ để tạo ra những hình độc, lạ và không “đụng hàng”. Chị Nguyệt bảo, nhiều đêm, trái bóng và những nhân vật cổ tích theo chị vào cả trong những giấc mơ. Những lần như thế chị đều bật dậy, rồi lấy bộ đồ nghề tạo hình nhân vật theo những hình ảnh còn ghi nhớ được.
Là nghề tạo niềm vui cho người khác, nhưng không ít lần những người làm bóng nghệ thuật chứng kiến cảnh những em nhỏ khóc thét khi đòi bố mẹ mua bóng mà không được đáp ứng. “Có lần, một em bé chừng 3 tuổi cứ đứng trước quầy mình, mắt chăm chăm nhìn bóng, nhưng mẹ của bé cứ ra sức lôi con đi bằng được. Thấy thương quá, tôi lấy tặng bé trái bóng hình Doremon. Nhìn đứa bé thích thú, mê mẩn với trái bóng, tôi càng yêu thích hơn công việc mà mình đã chọn".
Cô giáo Nguyễn Thị Bình, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hải Dương) đưa con gái đi chơi siêu thị bảo, mọi lần đi siêu thị con gái cô bị cuốn hút vào khu đồ chơi dành cho trẻ. Nhưng từ ngày có "cô Linh bóng bay" về đây, khi bé nhà cô Bình đến siêu thị không còn đòi vào quầy đồ chơi nữa.
Những hình thù lạ mắt được tạo ra từ những quả bóng màu sắc sặc sỡ đã khiến bóng bay nghệ thuật trở nên thu hút và ngày càng được nhiều người ưa thích.
NGUYỄN LUYẾN