Gần 2 năm đối mặt với dịch Covid-19 là chừng ấy thời gian các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Chèo tỉnh phải nỗ lực vượt khó.
Các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo tỉnh tập luyện theo nhóm trong bối cảnh phải phòng dịch
Tập một mình
TP Hải Dương vừa nới lỏng giãn cách, các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Chèo tỉnh bắt tay ngay vào tập vở mới "Thủy tướng Trần triều". Vừa tập vở vừa phòng dịch, ai đến phòng tập cũng phải kiểm tra nhiệt độ, khai báo y tế mới được vào. Thay vì được tập cả đoàn thì nay các nghệ sĩ phải chia lịch, phân nhóm, chỉ 3-4 người một nhóm, nhóm này xong, nhóm khác mới đến tập.
Vở “Thủy tướng Trần triều” của tác giả Trần Phương Hạnh, đạo diễn Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), tiến sĩ Lê Tuấn Cường đã được khởi dựng cách đây hơn một tháng, nhưng do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, mọi kế hoạch tập luyện tập trung phải tạm dừng. Trong thời gian giãn cách mỗi diễn viên phải tự tập tại nhà.
Với các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Chèo tỉnh thì trong lịch sử, chưa khi nào việc phải tự tập một mình lại dai dẳng như lần này. "Trong thời dịch, ước mong tưởng chừng nhỏ bé là được tập luyện trên sân khấu cũng trở nên xa xỉ. Hơn một năm qua, dù nhà hát có nhiều vở mới nhưng các nghệ sĩ, diễn viên đều phải tự tập luyện tại nhà, khi dịch tạm lắng mới có thể khớp đoàn nên gặp nhiều khó khăn", nữ diễn viên trẻ Thái Quỳnh cho biết.
Còn NSƯT Vũ Văn Hoàn, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo tỉnh thì ví von: “Gần hai năm qua, nhịp sinh học của nghệ sĩ như bị lỗi”. Theo anh Hoàn thì thông thường, mùa xuân là thời điểm các nghệ sĩ được "chạy sô" với lịch biểu diễn dày đặc khi vừa biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị mừng Đảng, mừng xuân, vừa phục vụ lễ hội tại các địa phương; mùa hè nhà hát sẽ bắt tay vào dựng vở dài hơi về chuyên môn… Thế nhưng, tất cả các lịch hoạt động này đều bị đảo lộn vì dịch.
“Không thể đi diễn, thu nhập của anh chị em nghệ sĩ cũng bị ảnh hưởng, nhưng buồn nhất là nhớ sân khấu. Đối với anh chị em nghệ sĩ, không được phục vụ khán giả thực sự là một khoảng trống”, NSƯT Vũ Văn Hoàn nói.
Nỗ lực
NSƯT Bùi Quang Toàn, Giám đốc Nhà hát Chèo tỉnh cho biết năm 2020 vì dịch mà kế hoạch biểu diễn phục vụ nhân dân đã bị ảnh hưởng thì đến năm nay lại càng khó khăn. Từ đầu năm, dịch dã triền miên khiến mọi kế hoạch biểu diễn đều bị ngừng trệ. Nhưng trong cái khó lại ló cái khôn, nhìn lại thì đây cũng là quãng thời gian đáng nhớ bởi cả nhà hát đã dồn mọi tâm sức cho công tác tuyên truyền phòng chống dịch theo đúng nghĩa “chống dịch như chống giặc”.
Đầu năm 2021, khi Hải Dương là tâm dịch, chỉ trong gần một tháng Nhà hát Chèo tỉnh đã dựng được 7 tác phẩm ở các thể loại kịch truyền thanh, bài hát và hoạt cảnh chèo để phục vụ công tác tuyên truyền. Để đáp ứng tính cấp bách của nhiệm vụ tuyên truyền, anh em văn nghệ sĩ đã làm việc với tinh thần quyết tâm cao nhất để vừa rút ngắn thời gian tập vừa bảo đảm chất lượng nghệ thuật.
Có những vở kịch nếu trong điều kiện bình thường phải dựng trong nửa tháng mới xong thì trong đợt dịch chỉ còn rút lại 5-7 ngày. Như vở "Yêu thương ngày giãn cách", hơn 30 nghệ sĩ miệt mài tập ngày tập đêm, đến cả lúc tổng duyệt xong, lãnh đạo tỉnh có ý kiến chỉnh sửa và bổ sung nội dung, các nghệ sĩ đã làm việc tới 2 giờ sáng để kịp ghi hình và phát sóng theo đúng lịch của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.
Trong 7 tác phẩm dàn dựng về chủ đề phòng chống dịch thì có tới 6 tác phẩm các nghệ sĩ hầu như phải tự tập tại nhà. Các nghệ sĩ đều cố gắng vượt qua, thậm chí để lại kết quả tốt. Đơn cử như vở “Biên giới mùa thu ấy” cũng được dàn dựng trong bối cảnh dịch nhưng khi được Đài Truyền hình Việt Nam ghi hình và phát sóng đã tạo tiếng vang, được giới chuyên môn đánh giá cao và phát lại nhiều lần để tuyên truyền trên sóng VTV.
Năm nay, vở mới “Thủy tướng Trần triều” có quy mô lớn, với cả trăm nhân vật nhưng hiện tại lực lượng nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Chèo chỉ có hơn 30người. Nhà hát sẽ phải huy động đội ngũ nhân sự hành chính như văn thư, kế toán, lái xe… vào vở diễn. Nếu tình hình dịch còn diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của vở. Nhưng theo NSƯT Bùi Quang Toàn thì các nghệ sĩ cũng phải quen và tập sống chung với dịch, nên mọi hoạt động về chuyên môn, đội ngũ lãnh đạo, nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát sẽ khắc phục, kể cả việc tiếp tục phải tự tập tại nhà. “Bằng cách này hay cách khác thì anh chị em nghệ sĩ Nhà hát Chèo cũng sẽ cố gắng để sản phẩm của chúng tôi đến được với nhân dân”, NSƯT Bùi Quang Toàn nói.
HUYỀN ANH