Kinh tế

Nghề may đo thời trang có còn đất sống?

HẢI ĐĂNG 21/10/2023 09:00

Mấy năm gần đây, sự phát triển của ngành thời trang, nhất là quần áo may sẵn đã khiến những người làm nghề may đo thời trang ở TP Hải Dương lâm vào cảnh khó khăn. Trước tình hình đó, nhiều người nhanh nhạy tìm hướng đi riêng để vẫn sống được với nghề.

W_cuhangmaytranbinhtrong1-1-.jpg
Một số cửa hàng may thời trang trên phố Trần Bình Trọng (phường Trần Phú) rơi vào tình trạng ế ẩm

“Hết thời rồi”

Khi nghe tôi giới thiệu là phóng viên, muốn tìm hiểu về nghề may đo thời trang hiện nay, chị Thanh Thủy, chủ một tiệm may trên đường Trần Bình Trọng (phường Trần Phú) buồn buồn nói: “Nghề này hết thời rồi em ơi”.

Nhìn quanh cửa hàng vắng vẻ, chị Thủy nói thêm: “Tháng sau em qua là không còn thấy cửa hàng chị ở đây nữa rồi. Khách đến đặt may ít, thu nhập không đủ trả tiền thuê cửa hàng và thuê thợ nên chị chỉ cố làm hết tháng này rồi có khi trả cửa hàng, tìm việc khác thôi”.

Được biết, chị Thủy mở cửa hàng may cách đây đã chục năm. Thời điểm đó, khách đến may đồ đông, chị phải thuê thêm 3 thợ nữa mới đủ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng nhưng hiện chị đã phải cho 2 thợ nghỉ việc, còn một thợ khác thì hôm làm hôm nghỉ vì không có khách.

Cửa hàng may Quang Nguyệt bên cạnh cũng tương tự. Chủ nhà may này cho biết, chị đã có hơn 20 năm làm nghề may nhưng khoảng 7-8 năm trở lại đây, lượng khách cứ ít dần. “Trước đây, có những ngày chúng tôi mở cửa hàng từ sáng sớm đến 10 giờ tối chưa được nghỉ vì quá đông khách nhưng hiện nay khách đến cắt may chỉ bằng khoảng 20%. Phần lớn khách là người trung, cao tuổi, những người khó chọn được đồ may sẵn”, chủ tiệm may này cho biết.

Theo lời kể của chị Nguyễn Ngọc Hà, một người dân sống trên đường Trần Bình Trọng hơn 20 năm thì trước đây, con phố này khá tập nập bởi tập trung nhiều cửa hàng vải và hàng may. Ngày thường cũng như ngày nghỉ, khách đến mua vải, cắt may khá đông, trong đó có rất nhiều người ở các huyện lên. Nhưng giờ thì không khí đó không còn nữa. Nhiều cửa hàng đã phải đóng cửa vì không có khách.

Những lý do khiến nghề may đo thời trang gặp khó là do sự phát triển mạnh mẽ của thời trang may sẵn và sự xuất hiện ngày càng nhiều các thương hiệu thời trang.

Chị Trần Mai Hương ở khu 6, phường Tân Bình, một nhân viên văn phòng cho biết: “Mấy năm nay tôi không bước chân vào cửa hàng may quần áo. Thay vì mất thời gian đi lựa chọn vải, tới cửa hàng đo rồi chờ đợi có khi đến cả nửa tháng mới có đồ mới để mặc thì tôi chọn mua đồ may sẵn, vừa nhanh vừa hợp thời trang".

Còn chị Nguyễn Hải Yến ở khu 10, phường Phạm Ngũ Lão lại chọn mua đồ may sẵn vì đa dạng từ kiểu dáng đến chất liệu, từ điệu đà, nữ tính đến trẻ trung, năng động; từ chất liệu cotton, thô, đến bò, voan, ren… với đủ các loại họa tiết, màu sắc mà giá cả lại phù hợp với mọi lứa tuổi. “Đây là một đặc điểm mà các cửa hàng may đo khó có thể cạnh tranh được với hàng may sẵn”, chị Yến nói.

Tìm lối đi riêng

Trong bối cảnh nghề may đo thời trang gặp khó, nhiều cửa hàng phải đóng cửa hoặc cắt giảm thợ thì nhiều người đã tìm cách xoay xở để có thể sống được với nghề.

Chị Trần Thị Dịu ở phố Trần Phú cho biết, ngoài mua đồ may sẵn do tiện lợi thì chị vẫn duy trì thói quen đặt may quần áo. “Tôi thường nghiên cứu các mẫu quần áo đang thịnh hành, sau đó tới nhờ thợ may tư vấn để phối lại cho phù hợp với dáng người mình. Như vậy, tôi vừa có những bộ đồ hợp thời trang mà lại vừa vặn với số đo và sở thích của mình”, chị Dịu nói.

Trước đây, trên phố Hoàng Diệu (phường Cẩm Thượng) có gần chục cửa hàng may nhưng nay chỉ còn cửa hàng may Mỹ Duyên vẫn hoạt động và đông khách. Theo chị Phạm Thị Mỹ Duyên, chủ cửa hàng may này thì để duy trì được lượng khách ổn định như trước đây, chị phải không ngừng nâng cao tay nghề, kỹ thuật cắt may. Chị cũng thường xuyên tìm tòi, cập nhật mẫu mã mới phù hợp với nhu cầu của khách. Khi nghề may thời trang bắt đầu thoái trào, ngoài nhận đơn cắt đồ cho khách, chị Duyên cũng nhận gia công thêm đồng phục cho một số công ty may khác. Nhờ đó, cửa hàng của chị vẫn “sống khỏe”.

W_cuahangcherry-1-.jpg
Nhờ có hướng đi phù hợp, cửa hàng may Cherry Luxury của chị Nguyễn Thị Liên vẫn tạo được chỗ đứng riêng

Gắn bó với nghề may trên 20 năm nay nhưng ngay khi nhận thấy bị "tấn công" bởi làn sóng may sẵn, chị Nguyễn Thị Liên, chủ cửa hàng may Cherry Luxury trên đường Nguyễn Hữu Cầu (phường Ngọc Châu) đã mạnh dạn bỏ tiền nhập số lượng vải lớn để may những mẫu quần áo theo xu hướng thời trang mới. Nhờ đó, khách đến cửa hàng của chị có khá nhiều sự lựa chọn. Nếu không thích phải chờ đợi, khách hàng có thể chọn những mẫu chị đã may sẵn và sẽ được thợ may sửa chữa ngay nếu kích thước không phù hợp. Ngoài ra, chị cũng nhận đơn hàng của khách ở huyện thông qua Zalo, Facebook. Nhờ đó, cửa hàng của chị vẫn tạo việc làm cho gần chục thợ may với thu nhập ổn định.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp thời trang khiến nhiều người làm nghề may đo gặp khó khăn. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, nếu chủ các cơ sở may nhanh nhạy nắm bắt được nhu cầu của thị trường, đáp ứng yêu cầu của khách hàng thì họ vẫn có thể "sống khỏe" với nghề.

HẢI ĐĂNG
(0) Bình luận
Nghề may đo thời trang có còn đất sống?