Đã qua rồi cái thời “hoàng kim” của nghề buôn tre, buôn nứa. Công việc vất vả, thu nhập bấp bênh là một trong những nguyên nhân khiến số người làm nghề này đang giảm dần.
Ngày càng ít người buôn bán tre, nứa vì thị trường thu hẹp
Khi thu thập thông tin để viết bài này, tôi khá ngạc nhiên vì độ vất vả của nghề. Có lẽ ít nghề nào như nghề này, ông chủ cũng chính là người thợ. Mà nếu không phải là thợ lành nghề thì khó bám trụ được trước cảnh buôn bán ngày càng ế ẩm.
Đời chủ, đời thợ Cách đây hơn chục năm, vào thời điểm kinh tế đất nước đang trên đà phát triển, những công trình xây dựng mọc lên như nấm, các làng nghề thủ công mỹ nghệ đan lát, làm hương… đang độ “hồi xuân” thì tại những dãy bán hàng tre, nứa cũng luôn tấp nập kẻ bán, người mua. Chạy xe dọc tuyến phố Thống Nhất hay nhiều tuyến đường ngoại ô quanh TP Hải Dương, những người có nhu cầu đều dễ dàng lựa chọn được những cây tre, cây vầu đẹp, phù hợp với nhu cầu của mình. Khi ấy, nhận thấy nhu cầu từ thị trường, nhiều người đã nhanh nhạy đưa mặt hàng tre, nứa từ những tỉnh trung du, miền núi về phục vụ người dân thành phố.
Ông Nguyễn Văn Nam (54 tuổi) quê ở huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) đã có thâm niên gần 20 năm buôn bán mặt hàng tre, nứa tại TP Hải Dương. Theo lời ông Nam, cuộc sống ở quê nghèo khó, không có việc làm ổn định, gia đình lại nhiều con nên ông quyết tâm “thoát ly” để tìm việc làm, lo cho cuộc sống gia đình. Sau nhiều năm bươn chải, ông đã chọn Hải Dương làm nơi sinh cơ lập nghiệp. “Công việc buôn bán tre, nứa rất vất vả. Ban đầu mới vào nghề, tôi phải đi theo những người buôn bán tre, nứa lên tận các tỉnh miền ngược để học cách chọn hàng. Nhiều khi phải đóng bè thả sông đến nơi tập kết vì giao thông cách trở. Có đợt phải đi 2-3 tháng mới gom đủ hàng cho một chuyến vận chuyển bằng ô tô tải”, ông Nam kể. Hiện nay, ông Nam cùng người con trai cả đang buôn bán tre, nứa gần khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương).
Anh Lương Trung Thi 40 tuổi ở thôn Bình Phiên, xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) đang là chủ của một cửa hàng buôn bán tre, nứa trên tuyến đường quốc lộ 38 chạy qua. Trước đây gia đình anh Thi làm nghề mộc dân dụng. Công việc vất vả, thu nhập cũng chẳng được là bao do làm ăn nhỏ lẻ nên khi thấy nhu cầu mua tre dùng đóng cọc cho các công trình xây dựng ngày càng nhiều, anh lân la hỏi thăm và nhận được nhiều đơn đặt hàng. Vậy là từ đó, cái nghiệp buôn bán tre, nứa gắn bó với anh đến tận ngày hôm nay.
Nhớ lại những ngày đầu vào nghề, anh Thi tươi cười nói: “Vất vả lắm chú à! Cứ nghĩ là đơn giản nhưng khi vào việc thì chủ cũng chả khác gì thợ đều phải xắn tay vào làm. Từ việc chọn tre, chặt che, khuân vác, đến việc lo lắng kinh phí cho mỗi chuyến đi, ngâm tre, tìm mối hàng... tất cả đều phải qua tay mình”. Anh Thi cho biết thêm, mua được tre ở vùng trung du, điều kiện giao thông thuận lợi còn đỡ. Ở những vùng sâu, vùng xa, các anh phải đi thành từng nhóm gần chục người, mang theo gạo nước, mắm muối, lều bạt để ở lại giữa rừng. Nếu nhiều hàng, phải thuê thêm cả người dân địa phương làm giúp mới được việc.
Theo chia sẻ của những người đã làm nghề này lâu năm, yêu cầu đầu tiên đối với một người buôn tre là phải biết chọn và chặt được cây tre như ý. Việc này rất dễ gây tai nạn vì tre, nứa thường có nhiều mấu gai, người chặt phải dùng dao thật sắc, chặt mạnh tay, dứt khoát, gọn gàng… Vì vậy, người buôn bán tre, nứa lâu năm cũng phải là thợ chặt tre lành nghề.
Gian nan Trước đây, đoạn đường quốc lộ 38 chạy qua thôn Bình Phiên có khoảng 4-5 nhà làm nghề buôn bán tre, nứa. Khi ấy, không khí lúc nào cũng tấp nập, bận rộn. Mỗi ngày, có hàng chục chuyến xe ô tô tải chở hàng xuôi ngược. Kinh tế gia đình những hộ buôn tre, nứa nhờ vậy cũng phát triển, cuộc sống ổn định. Cách đây chừng chục năm, khi kinh tế suy thoái, nhu cầu về mặt hàng tre, nứa trên thị trường cũng giảm dần. Nhiều gia đình ở đây đã phải bỏ nghề buôn bán tre, nứa để chuyển sang nghề khác. Chỉ còn gia đình anh Thi vẫn tiếp tục gắn bó với nghề này. Anh Thi bảo: “Nhiều lúc nghĩ cũng nản, muốn bỏ nghề để kiếm việc làm khác nhưng vì đã quen mối hàng, tuổi lại không còn trẻ để xin việc khác nên tôi phải bám trụ với nghề. Bỏ ra hơn 500 triệu đồng tiền vốn, đến nay tôi vẫn cố gắng duy trì dù số tiền lãi chẳng còn bao nhiêu”.
Cùng cảnh “lay lắt” với nghề nhưng ông Nam lại có tính toán khác. “Hiện nay, nhu cầu sử dụng nguyên liệu tre, nứa cho các công trình xây dựng, làng nghề không còn nhiều như trước nhưng nhu cầu gỗ tạp, gỗ ván vẫn nhiều. Vì vậy, tôi bàn với con trai nhập thêm mặt hàng này từ những mối hàng ở miền núi về bán. Mỗi thứ bán một ít nên cũng tạm ổn”.
Hiện nay, tre thân to trên thị trường có giá từ 70.000 - 100.000 đồng/cây. Những cây nhỏ hơn sẽ được bán theo bó với giá thấp hơn nhiều, khoảng 70.000 - 120.000 đồng/bó.
Hiện nay, người buôn tre, nứa chủ yếu lấy công làm lãi. Chính vì vậy, theo thời gian, số người gắn bó với nghiệp buôn bán tre, nứa cũng rơi rụng dần. Ông Nam phân trần: “Ngày trước, do ít học nên phải theo anh em, bạn bè ở quê đi buôn tre, nứa để lo cho cuộc sống gia đình. Bây giờ, cuộc sống phát triển, con cái được ăn học đến nơi đến chốn, cơ hội việc làm nhiều hơn nên chẳng còn mấy ai hứng thú theo nghề này. Tuy vậy, chúng tôi vẫn làm bởi cơ hội vẫn còn, chỉ cần mình linh động, biết cách thích ứng với nhu cầu của khách hàng”.
ÐỨC TÂM