Ngày xuân mà nói chuyện thơ thì còn gì bằng. Nó không những hợp "lý" hợp "cảnh" mà còn hợp "tình".
Sau khi làm vài chén "cuốc lủi" cảm thấy bung biêng, ngà ngà mấy cụ, mấy ông hay chữ lại yêu thơ ngồi quây quần bên ấm trà Thái mà đàm đạo văn chương, thơ phú thì quả là không gì thú vị bằng. Nói về thơ, hay bàn về thơ một chút, thì chắc rằng ai ai cũng phải thấy rõ một điều: Thập kỷ này là thập kỷ của thi ca! Thơ nở rộ như hoa mùa xuân. Có thể nói không ngoa rằng, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ, ngành ngành làm thơ, cả nước… làm thơ!
Chà! Vui thật! Một dân tộc yêu thơ là một dân tộc chuộng hòa bình!
Đó là một điều dễ hiểu, có gì đâu khi mà trình độ dân trí được nâng lên, xã hội có nhiều người biết chữ thì ắt có nhiều người biết viết văn, làm thơ, còn hay hay dở thì lại là chuyện khác! Một nhà thơ nào đó đã nói: "Trong mỗi con người đều chứa chất một nhà thơ".
Có nhiều người phàn nàn rằng, mấy năm gần đây được Nhà nước tài trợ nên 63 hội văn nghệ các tỉnh thành, đua nhau xuất bản thơ. Thôi thì đủ cả thơ "con cóc" thơ “con voi" chả biết đâu mà lần. Riêng cảm nghĩ của tôi… nói chung cũng là tốt cả thôi. Bởi có thơ "con cóc" thì mới biết được thơ "con voi". Cũng như trong xã hội, có người xấu thì mới biết được ai là người đẹp! Dù sao thì nó vẫn lành mạnh vui tươi.
Có lần tôi đã nghe một ai đó nói rằng: "Thời chống Mỹ, ra ngõ gặp anh hùng. Thời bây giờ ra ngõ gặp nhà thơ! Và cứ đi một quãng là gặp… Chí Phèo"! Nghe thật khôi hài! Nhưng ngẫm ra thì có vẻ đúng. Nhà thơ Trần Đăng Khoa có lần nói: "Không có thơ trung ương và thơ địa phương; chỉ có thơ hay và thơ không hay". Đúng thế! Thơ không phụ thuộc vào bất cứ yếu tố nào, giàu hay nghèo, địa vị xã hội cao hay thấp, trình độ văn hóa thấp hay cao, nông dân hay trí thức, lãnh đạo hay "phó thường dân"… Thơ là cảm xúc của con người. Nó còn là năng khiếu và tài năng, từ năng khiếu đến tài năng là một khoảng cách khá xa, nó đòi hỏi một "năng lượng" rất kỳ bí. Bởi có rất nhiều người làm thơ, nhưng có mấy ai đến được cái đích của "tài năng".
Riêng tôi thì nghĩ: Quần chúng bạn đọc và thời gian sẽ là vị quan tòa công minh nhất. Vị quan tòa này sẽ "đãi cát tìm vàng". Cái gì thực sự là vàng sẽ đọng lại, cái gì là cát, là bụi sẽ trôi vào quên lãng.
Tôi không biết làm thơ. Tôi cho rằng, làm thơ là rất khó, phải thực sự có tài, có tâm mới làm được thơ hay.
Có nhiều người làm thơ cả đời, có đến hàng nghìn bài thơ, vài chục đầu sách mà vẫn chẳng có tiếng tăm gì. Có người chỉ cần một câu thơ cũng nổi tiếng. Chỉ có trường hợp, có một bài thơ cũng đã nổi tiếng như: "Núi đôi" của Vũ Cao, "Đồng chí" của Chính Hữu, "Hoa chanh" của Nguyễn Bao, "Quê hương" của Giang Nam, "Con sông quê hương" của Tế Hanh, "Màu tím hoa sim" của Hữu Loan, vân vân và vân… Nhà thơ Xuân Diệu đã từng ước "Ước gì người ta xếp hàng mua thơ của mình như mua thịt lợn!" (Vào thời bao cấp). Chả riêng gì Xuân Diệu, có rất nhiều nhà thơ đều mơ như thế!
Tôi không am hiểu lắm về thơ. Nhưng ngày xuân lại có "tý cay, lâng lâng" nên mạo muội viết liều mấy dòng gọi là "góp vui xuân mới". Có điều gì sai sót rất mong bạn đọc và các nhà thơ lượng thứ cho!
TÚ BA