Trong bất kỳ giai đoạn nào, thời đại nào thì vai trò của người thầy cũng rất quan trọng đối với học trò.
Thầy giỏi sẽ đào tạo nên trò giỏi, thầy nhân từ, đức độ sẽ đào tạo nên những thế hệ học trò hiếu nghĩa, lễ phép, biết cư xử đúng mực với mọi người, với cuộc đời.
Và cứ thế, thế hệ thầy trò này đến thế hệ thầy trò khác kế tục nhau làm đẹp cho tình thầy trò và tạo nên những lớp học trò có ích cho xã hội. Chính vì thế, tình thầy trò dù có lúc thế này, thế khác nhưng nổi trội hơn cả vẫn là gam màu sáng tồn tại mãi với thời gian…
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì vai trò người thầy vẫn rất quan trọng. Ảnh minh họa: Báo Giao thông
Những thầy cô thế hệ ngày trước
Không phải ngẫu nhiên mà người xưa đã chắt lọc nên những câu ca dao, tục ngữ, những câu nói tốt đẹp về tình thầy trò như: “Muốn sang thì bắt cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”; “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; “Không thầy đố mày làm nên”…
Thời phong kiến, có những người thầy mẫu mực được lưu danh như: thầy Chu Văn An, Lê Qúy Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu…đã đào tạo nên nhiều thế hệ học trò tiêu biểu cho đất nước.
Những năm của thế kỷ XX, giáo dục nước nhà có hàng loạt những người thầy tiêu biểu như Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm…cũng tạo dựng nên những thế hệ học trò dám từ bỏ bút nghiên để lên đường đánh giặc…
Bao nhiêu những thầy giáo, bao nhiêu thế hệ sinh viên, học sinh từ bỏ công việc dạy học, học tập của mình để đến với Điện Biên Phủ, đến với Trường Sơn. Tinh thần: “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai…” là hình ảnh đẹp nhất lúc bấy giờ.
Nhiệm vụ của người thầy thuở trước không chỉ là giáo dục cho học trò của mình về kiến thức sách vở mà còn hướng học trò tới một nhiệm vụ cao cả là nhiệm vụ giải phóng quê hương, đất nước, nhiệm vụ của những người thanh niên thời loạn…
Điều đáng cho hậu thế nhớ đến những người thầy không chỉ là những người mà tên tuổi của họ được lưu danh với hậu thế mà chúng ta không thể nào quên được những thầy cô giáo bình dân học vụ trong những ngày nước nhà vừa giành được độc lập.
Với 95% dân số mù chữ nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì mọi người đều được đi học, được biết chữ. Những người thầy vô danh ấy đã tạo nên những tiền đề quan trọng cho nền giáo dục nước nhà sau độc lập.
Thế hệ người thầy ấy mãi mãi là những tấm gương sáng rọi chiếu cho nền giáo dục nước nhà đến muôn sau.
Chính vì thế, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị thế, vai trò của người thầy: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.
Hình ảnh người thầy thời nay
Người thầy ngày nay được đào tạo bài bản hơn, có kiến thức chuyên sâu, có nhiều phương pháp tiếp cận để phù hợp với nền giáo dục tiên tiến.
Người thầy ngày nay có nhiều phương tiện hỗ trợ cho dạy học và đương nhiên là môi trường dạy học cũng thuận lợi hơn bởi đất nước hòa bình chứ không phải khó khăn chất chồng như những năm của thế kỷ XX.
Nhiệm vụ của người thầy thời nay cũng rất quan trọng khi vẫn đảm nhận vai trò đào tạo cho thế hệ trẻ có đủ đức, đủ tài để đảm bảo sứ mệnh của mình trong tình hình mới.
Hàng năm, ngành giáo dục nước nhà vẫn có hàng ngàn thầy cô giáo tình nguyện ra công tác ở các hải đảo xa xôi, lên các vùng biên giới, những vùng sâu, vùng xa ngút ngàn để giảng dạy cho học trò.
Thành tựu của ngành giáo dục thì có rất nhiều. Hàng năm, vẫn luôn có hàng chục học trò giành được huy chương vàng, bạc ở các kỳ thi Olympic thế giới đối với những môn cơ bản.
Nhiều sinh viên, học sinh vẫn miệt mài nghiên cứu, chế tạo ra những sản phẩm thiết thực để ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày, góp phần làm giàu cho đất nước. Có được những thành công này, đương nhiên không thể không kể đến vai trò của những người thầy.
Đa số những thầy cô giáo thời nay luôn hết lòng tận hiến cho giáo dục, vẫn đau đáu vì sự phát triển của ngành giáo dục nước nhà. Và, trong hàng triệu thầy cô giáo đang giảng dạy từ cấp mầm non lên đến đại học vẫn luôn làm tốt vai trò, thiên chức của người thầy.
Những hình ảnh chưa đẹp của một số người thầy hiện nay
Bên cạnh những mặt tích cực của người thầy thì chúng ta cũng không thể không nhắc đến những mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động đến hình ảnh người thầy ngày nay.
Đó là tình trạng một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo khi có những hành động, lời lẽ không phù hợp trong môi trường giáo dục và để lại những dư vị xấu cho ngành. Có những thầy cô không giữ được khoảng cách của tình thầy trò mà làm hoen ố hình ảnh của mình dẫn đến những hậu quả khôn lường khi có những mối quan hệ không trong sáng với học trò.
Tình trạng dạy thêm bất chấp ở một số trường học, một số địa phương làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, làm mất đi niềm tin của nhiều phụ huynh…
Một số thầy cô là cán bộ quản lý giáo dục cũng thể hiện những mưu mô để trục lợi chính sách, lợi dụng chức quyền để chạy chọt, kiếm chác kinh phí nhà nước cấp cho đơn vị, lợi dụng xã hội hóa giáo dục…
Đó là nỗi đau của ngành giáo dục không thể nào biện minh được!
Đừng làm hoen ố hình ảnh người thầy
Ngành giáo dục đang tiến hành rất nhiều chính sách mới nhằm bảo đảm vai trò, sứ mệnh của mình trong tình hình mới - đó là điều cần thiết để phù hợp với giáo dục hiện đại nhưng đôi lúc chưa nhận được sự đồng tình của xã hội, của đội ngũ thầy cô giáo vì nó manh mún, theo tư duy nhiệm kỳ, theo từng dự án…
Một số lãnh đạo nhà trường chưa thực sự là đầu tàu trong mỗi đơn vị giáo dục nên chưa tập thể được sức mạnh của đội ngũ nhà giáo trong toàn trường.
Một số thầy cô giáo xem trọng việc dạy thêm hơn việc dạy chính nên “vừa dạy, vừa dụ” học trò đến học thêm với mình nhằm tăng thêm thu nhập và dẫn đến tình trạng đánh giá kết quả học trò không chính xác, thiếu công tâm.
Mùng 3 Tết - ngày mà nhiều thế hệ học trò hướng về những người thầy đã và đang dạy mình càng cho thấy vai trò, hình ảnh của người thầy cần phải luôn được giữ gìn một cách trọn vẹn nhất.
Mỗi người thầy cần phát huy phẩm chất, tài năng của mình nhằm làm trọn thiên chức của người thầy để nghề “cao quý” phải thực sự cao quý và được mọi người tôn trọng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Theo Giáo dục Việt Nam