Ngày hội Đại đoàn kết ở những khu dân cư mới sáp nhập

18/11/2020 15:39

Với những khu dân cư (KDC) mới sáp nhập thì Ngày hội Đại đoàn kết (ĐĐK) toàn dân tộc năm nay đặc biệt hơn bởi đánh dấu năm đầu tiên ở thôn, KDC mới.


T
iết mục múa dân vũ trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở thôn Đỗ Trung, xã Cao An (Cẩm Giàng)

Có mặt trong Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc thôn Đỗ Trung, xã Cao An (Cẩm Giàng), chúng tôi cảm nhận được niềm phấn khởi của bà con nơi đây. Để chuẩn bị cho ngày hội này, đội văn nghệ thôn đã tập luyện trước cả tuần, thu hút cả những người cao tuổi tham gia. Cụ Nguyễn Thị Điệt đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn tham gia biểu diễn dân vũ nói: “Năm nay, hai thôn sáp nhập làm một như nhà có thêm người, thêm của, thêm vui nên tôi cũng muốn góp sức mình vào ngày vui chung của dân làng”.

Năm 2019, thực hiện chủ trương sắp xếp thôn, KDC của tỉnh, thôn Đỗ Trung được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai thôn Đỗ Xá và Trung Nghĩa. Thời điểm ấy, dù cũng có những khó khăn như sự khác biệt về tôn giáo, cách biệt về địa lý… nhưng người dân hai thôn đều đồng thuận. Hiện thôn có 528 hộ, 1.600 nhân khẩu. Sau sáp nhập, các hoạt động truyền thống hai thôn đều được duy trì, lễ hội đình làng Đỗ Xá hay lễ phục sinh của làng Trung Nghĩa (cũ)… người  dân đều đoàn kết, tập trung tổ chức.

Đến nay, các cuộc vận động đều được nhân dân hưởng ứng, gần nhất thôn phát động được gần 42 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt; gần 40 triệu đồng ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19… Thôn còn duy trì các Quỹ: Khuyến học, Vì người nghèo, Chăm sóc người cao tuổi… Làm được điều này, theo Trưởng thôn Đỗ Trung Nguyễn Văn Thụ là do sự đồng thuận từ ban lãnh đạo thôn đến các tầng lớp nhân dân. Từ khi sáp nhập, nhân dân trong thôn càng hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào thoát nghèo, giúp nhau làm kinh tế… Thu nhập bình quân của người dân năm 2020 ước đạt 55 triệu đồng, cao hơn 5 triệu đồng so với năm 2019.

Đối với người dân thôn My Đồng, xã Hồng Phong (Thanh Miện), Ngày hội ĐĐK năm nay niềm vui như được nhân đôi. Thôn tổ chức ngày hội có cả phần lễ và phần hội. Ông Đào Nguyên Ngọc, Trưởng thôn My Đồng chia sẻ: "Chúng tôi tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, liên hoan văn nghệ, dân vũ… Bữa cơm ĐĐK với khoảng 50 mâm có đại diện của các gia đình tới dự. Nhân dịp này 12 gia đình tiêu biểu trong thôn được trao tặng danh hiệu “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”, 4 cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020 được tặng giấy khen và thôn cũng khen tặng 4 học sinh nghèo vượt khó.

“Vì là năm đầu tiên tổ chức Ngày hội ĐĐK sau khi hai thôn sáp nhập nên chúng tôi muốn nó phải thật ý nghĩa nhằm tăng cường mối đoàn kết trong cộng đồng KDC”, ông Ngọc nói.

Thôn My Đồng mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai thôn My Động 1 và Đồng Chấm. Trước đây, thôn Đồng Chấm ở cuối huyện Thanh Miện, giáp với Hưng Yên, đường sá đi lại khó khăn. Năm 2020, tuyến đường bê tông liên thôn được tu bổ mở rộng từ 2,5 m lên 5 m, dài khoảng 2,5 km nối My Động 1 với Đồng Chấm và các thôn khác, giúp người dân đi lại dễ dàng, phong trào giúp nhau làm kinh tế hay văn hóa văn nghệ vì thế cũng phát triển. Đây cũng được xem là dấu ấn sau sáp nhập của nhân dân My Đồng.

Trước đó, nhiều thôn, KDC mới sáp nhập cũng đã tổ chức Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc thiết thực, hiệu quả để thực sự trở thành ngày hội của nhân dân như thôn La Tiến, xã Tân Hương và thôn Đông Cao, xã Đông Xuyên (Ninh Giang), thôn Kim Đồng, phường Tân Dân (Kinh Môn)... Tuy nhiên, cũng có những thôn dù đã sáp nhập nhưng Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc vẫn tổ chức riêng.

Năm 1986, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định lấy ngày 18.11.1930 (ngày Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng) làm “Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc”. Từ đó đến nay, ngày 18.11 hằng năm được các địa phương trên cả nước tổ chức trọng thể, góp phần cổ vũ, nâng cao tinh thần thi đua yêu nước trong nhân dân. Với ý nghĩa đó việc tổ chức ngày hội càng quan trọng đối với các KDC mới sáp nhập. Thiết nghĩ, đối với những KDC chưa tổ chức được ngày hội cần sớm có những hoạt động thiết thực nhằm tăng cường mối đoàn kết ở KDC. Còn những địa phương đã tổ chức tốt cần duy trì, phát huy để tạo sức mạnh đoàn kết trong nhân dân, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Ngày hội Đại đoàn kết ở những khu dân cư mới sáp nhập