Ngành ngân hàng góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội

06/05/2010 06:07

Những năm qua, tập thể cán bộ nhân viên ngành ngân hàng Hải Dương đã phấn đấu không ngừng, đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu về thanh toán và tiền mặt cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


Giao nhận tiền ở phòng tiền tệ, kho quỹ Ngân hàng Nhà nước tỉnh.

Ảnh: Thành Chung.

Cách đây 59 năm, ngày 6-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 15 thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, nay là Ngân hàng Nhà nước (NHNN)  Việt Nam. Đó là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự phát triển của cách mạng Việt Nam, của nền tiền tệ-tín dụng nước nhà. Cùng với những thăng trầm của lịch sử cách mạng Việt Nam, 59 năm qua, ngành ngân hàng Việt Nam nói chung, ngân hàng Hải Dương nói riêng đã tự khẳng định mình trong quá trình xây dựng, trưởng thành, phấn đấu vươn lên lớn mạnh về mọi mặt.

Từ 1 đại lý với 9 cán bộ, đến nay ngân hàng Hải Dương đã có 94 đơn vị, gồm NHNN, Ngân hàng Chính sách xã hội, 20 chi nhánh Ngân hàng Thương mại (NHTM) và 72 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), tổng số cán bộ, nhân viên (CBNV) trên 2.500 người trong đó hơn 70% có trình độ đại học và trên đại học; có cơ sở vật chất khang trang với đầy đủ các phương tiện máy móc hiện đại, các dịch vụ tiên tiến.

Năng động, sáng tạo, tự chủ đi lên và phát triển bền vững trong giai đoạn đổi mới để hội nhập kinh tế quốc tế là mục đích phấn đấu của ngành ngân hàng. Để đạt được mục đích trên, những năm qua, tập thể CBNV ngành ngân hàng Hải Dương đã phấn đấu không ngừng, tăng trưởng cả về khối lượng và chất lượng hoạt động. Hơn 5 năm trở lại đây, nguồn vốn huy động tại chỗ và tổng dư nợ đầu tư cho các thành phần kinh tế trên địa bàn luôn đạt mức tăng trưởng bình quân trên 40%/năm. Chất lượng tín dụng khá tốt, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung toàn quốc. Đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu về thanh toán và tiền mặt cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Các mặt hoạt động khác như kế toán thanh toán, cung ứng dịch vụ mới, tiện ích ngân hàng đều thực hiện tốt...

Đặc biệt, trong giai đoạn từ đầu năm 2008 đến nay, ngành ngân hàng đã trải qua biết bao khó khăn để chèo chống con thuyền đi giữa vòng xoáy của cơn lốc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, sự phá giá của các đồng ngoại tệ mạnh, giá vàng biến động phức tạp, sản xuất, kinh doanh suy giảm, nguồn vốn huy động khi thiếu khi thừa, nợ xấu có lúc gia tăng… Song, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng với những chủ trương, chính sách phù hợp; sự điều hành chủ động, sáng suốt, linh hoạt của Chính phủ và của ngành, ngành ngân hàng Hải Dương đã giữ mọi mặt hoạt động ổn định, phát triển vững chắc, đóng góp tích cực vào quá trình thực hiện nhóm giải pháp kích cầu thông qua cho vay hỗ trợ lãi suất, ngăn chặn suy giảm kinh tế, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết 30 và Nghị quyết 18 của Chính phủ, đóng góp tích cực vào sự  nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.


Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Hải Dương.

Ảnh: Mai anh.

Đến cuối quý I-2010, các đơn vị trong ngành đã huy động nguồn vốn đạt 43 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay các thành phần kinh tế  đạt 31.300 tỷ đồng, tăng trên 10% so với năm 2009; lắp đặt 133 máy ATM, phát hành 250 nghìn thẻ; doanh số mua bán ngoại tệ và chuyển tiền kiều hối tăng 20%... Các NHTM đã cho 56.883 khách hàng vay vốn được hỗ trợ lãi suất với dư nợ 5.738 tỷ đồng, số lãi đã hỗ trợ cho khách hàng là 144 tỷ đồng… Các NHTM và hệ thống QTDND  kinh doanh đạt hiệu quả cao, đời sống của cán bộ được cải thiện, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, được cấp ủy đảng, chính quyền, các doanh nghiệp, nhân dân tin tưởng, gắn bó. Riêng hệ thống QTDND cơ sở hiện có 76 nghìn thành viên, vốn điều lệ 59,5 tỷ đồng; nguồn vốn 1.341 tỷ đồng; dư nợ 1.192 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng những năm qua vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Đó là: Thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội bộ chưa theo kịp yêu cầu quản lý sự phát triển ngày càng phức tạp của thị trường tiền tệ - tài chính. Việc cảnh báo sớm rủi ro đối với hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD) còn hạn chế. Một số TCTD thực hiện chưa nghiêm các quy định và chỉ đạo của NHNN về tỷ lệ bảo đảm an toàn, về thẩm định, kiểm tra điều kiện tín dụng… nên nợ xấu có biểu hiện gia tăng. Trình độ của một số cán bộ còn bất cập, trong xử lý nghiệp vụ còn sai sót, nhầm lẫn, ý thức trách nhiệm cá nhân chưa cao…

Ngày nay, trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, ngành ngân hàng Hải Dương phải tự đổi mới và vươn lên hơn nữa; tích cực, chủ động đến với các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chăm lo phục vụ các nhu cầu vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu lao động, xóa đói giảm nghèo của nhân dân; không ngừng nâng cao trình độ của CBNV về mọi mặt, cải tiến lề lối và tác phong giao dịch, rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, coi sự thành đạt của khách hàng là mục tiêu của chính mình; tăng cường trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện đại hoá công tác ngân hàng, bảo đảm hoạt động tín dụng "An toàn- Hiệu quả- Phát triển và Hội nhập", mở rộng dịch vụ, tiện ích ngân hàng mang lại hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế; góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh".

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam về hoạt động ngân hàng năm 2010, NHNN chi nhánh tỉnh và các TCTD trên địa bàn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến kinh tế - xã hội, thị trường tiền tệ, chủ động thực hiện sự chỉ đạo của NHNN Việt Nam về chính sách điều hành tỷ giá trong mối quan hệ với lãi suất, chỉ số giá tiêu dùng,  linh hoạt tỷ giá… ở mức độ hợp lý, phù hợp với tín hiệu của thị trường, bảo đảm mục tiêu duy trì tăng trưởng  kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương và ngân hàng trung ương trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, biện pháp để quản lý hoạt động của hệ thống ngân hàng an toàn, hiệu quả. Phát hiện và đề xuất kịp thời các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các TCTD trên địa bàn hoạt động an toàn, có hiệu quả và lành mạnh.

Tăng cường công tác thanh tra, giám sát chặt chẽ tính tuân thủ văn bản quy phạm pháp luật của các TCTD  trong việc thực hiện lãi suất, tỷ lệ bảo đảm an toàn, tỷ giá ngoại tệ, vốn đầu tư nước ngoài, lĩnh vực cho vay bất động sản, kinh doanh chứng khoán… Kiểm soát chặt chẽ việc cho vay theo lãi suất thoả thuận đối với các nhu cầu vốn phục vụ đời sống và phát hành thẻ của các NHTM theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 30, Nghị quyết 18 của Chính phủ và Chỉ thị số 02 ngày 7-4-2010 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả.

Duy trì phong trào thi đua, phát huy truyền thống 59 năm xây dựng, trưởng thành và liên tục phát triển, tạo khí thế sôi nổi, tích cực trong cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu vì sự nghiệp của ngành ngân hàng, đáp ứng đầy đủ nhất yêu cầu về vốn, tiền mặt và dịch vụ ngân hàng của các thành phần kinh tế và nhân dân, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

VŨ THỊ THẬP
Tỉnh uỷ viên, Giám đốc NHNN tỉnh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành ngân hàng góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội