Ngành ngân hàng góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội

27/04/2011 14:01

Qua 25 năm đổi mới, nhất là sau khi tái lập tỉnh, ngành ngân hàng đã có những bước phát triển toàn diện về hoạt động quản lý, kinh doanh tiền tệ, tín dụng; đồng vốn tiếp tục là “mạch máu nóng” cho nền kinh tế.


Đến nay, toàn tỉnh đã có 95 đầu mối ngân hàng và tổ chức tín dụng


Ngân hàng Hải Dương được thành lập tháng 6 - 1951, ban đầu chỉ là một Đại lý Ngân hàng với 9 cán bộ, cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh nghiệm hoạt động còn hạn chế. Song, đội ngũ cán bộ ngân hàng đã không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước đưa Đại lý Ngân hàng Hải Dương vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, ngành ngân hàng Hải Dương đã cung cấp nguồn tài chính quan trọng cho kháng chiến. Các thế hệ cán bộ ngân hàng đã giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tiền tệ, cần kiệm liêm chính, kiên trung bất khuất, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, kể cả hy sinh xương máu để bảo đảm cho hoạt động tiền tệ - ngân hàng  được thông suốt ngay cả trong chiến tranh khốc liệt cũng như những năm tháng khó khăn của nền kinh tế.

 Qua  25 năm đổi mới, nhất là sau khi tái lập tỉnh (1997), ngành ngân hàng đã có những bước phát triển toàn diện về hoạt động quản lý, kinh doanh tiền tệ, tín dụng; đồng vốn tiếp tục là “mạch máu nóng” cho nền kinh tế. Đến 31 - 12 - 2010 toàn tỉnh có 95 đầu mối ngân hàng và tổ chức tín dụng (TCTD). Trong đó, có 10 ngân hàng thương mại nhà nước và có vốn nhà nước chi phối, 10 ngân hàng thương mại CP, 1 Ngân hàng Chính sách xã hội, 1 Ngân hàng Phát triển, 1 Quỹ tín dụng Trung ương và 71 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) cơ sở, với gần 500 điểm giao dịch. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước làm chức năng quản lý nhà nước, giữ vai trò đầu mối chỉ đạo điều hành hoạt động tiền tệ, tín dụng; các ngân hàng thương mại, TCTD thực hiện nhiệm vụ kinh doanh tiền tệ; Ngân hàng Chính sách xã hội có nhiệm vụ giúp dân xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các chương trình về chính sách an sinh xã hội…

Về hoạt động tín dụng, ngân hàng Hải Dương không ngừng mở rộng đối tượng phục vụ, là "người bạn đồng hành" của các thành phần kinh tế.  Thực hiện phương châm "đi vay, để cho vay”, các ngân hàng liên tục đổi mới các sản phẩm, dịch vụ hiện đại kết hợp với dịch vụ truyền thống để huy động, đầu tư cho vay phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh. Trên cơ sở nguồn vốn huy động, các TCTD  cho vay các thành phần kinh tế, tập trung ưu tiên vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho vay các dự án phát triển kinh tế theo nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ các thời kỳ, góp phần thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, tạo việc làm cho người lao động. Qua các năm, hoạt động tín dụng của ngân hàng Hải Dương tăng trưởng mạnh. Năm 1990, tổng nguồn vốn huy động toàn ngành  đạt 87 tỷ đồng, tổng dư nợ 66 tỷ đồng, đến cuối năm 2010 đã lên đến 20.146 tỷ đồng, tăng bình quân 34%/năm, tổng dư nợ đạt 24.344 tỷ đồng, tăng bình quân 35,2%/năm (dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 55,3%, trung và dài hạn chiếm 44,7%). Nhiều công trình lớn của tỉnh được đầu tư hàng trăm  tỷ đồng làm thay đổi diện mạo như Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Công ty Xi măng Hoàng Thạch, các khu công nghiệp Đại An, Tân Trường...

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai hiệu quả các chương trình cho vay đối tượng chính sách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Cuối năm 2010, tổng dư nợ đạt 1.633 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho hộ nghèo vay 704 tỷ đồng, dư nợ cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay 650 tỷ đồng, dư nợ cho vay giải quyết việc làm 62 tỷ đồng... Riêng cho hộ nghèo vay, năm 1996  dư nợ 400 triệu đồng, năm 2010 tăng lên 704 tỷ đồng, với hàng trăm ngàn lượt hộ được vay vốn, giúp trên 20 nghìn hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình.


Ngành ngân hàng Hải Dương đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà

Hệ thống QTDND hoạt động hiệu quả, góp phần đáng kể giúp nông dân có thêm cơ hội tiếp cận các nguồn vốn, đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi... Cuối năm 2010, toàn tỉnh có 71 QTDND cơ sở,  thu hút trên 81 nghìn thành viên với tổng vốn huy động 1.383 tỷ đồng, cho thành viên vay đạt dư nợ 1.511 tỷ đồng, lợi nhuận trên 20 tỷ đồng, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ, ngân hàng Hải Dương đã không ngừng ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động. Hiện nay, tất cả các hoạt động nghiệp vụ đều được công nghệ hóa, từng bước hình thành các hình thức thanh toán tiên tiến, hiện đại thay thế các hình thức thanh toán truyền thống, lạc hậu. Các dịch vụ mới đa dạng, phong phú, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng của khách hàng như: dịch vụ chi trả kiều hối (Westurn Union, Money Gram); kinh doanh ngoại tệ, mua bán vàng, đại lý chứng khoán, thẻ thanh toán... Trước đây, khách hàng thực hiện các giao dịch phải đến ngân hàng, thì nay có thể thực hiện giao dịch tại nhà qua dịch vụ Home Banking,  Internet- Banking, SMS Banking, Phone-Banking ...

Ngành ngân hàng Hải Dương luôn coi trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại để nguồn nhân lực đủ mạnh đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của một ngân hàng hiện đại. Cuối năm 2010, ngành ngân hàng Hải Dương có hơn 3.500 cán bộ, nhân viên, trong đó số có trình độ trên đại học, đại học chiếm trên 70%,  riêng đội ngũ cán bộ thuộc Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại có trình độ trên đại học, đại học chiếm  trên 80%.

Ngành ngân hàng Hải Dương thường xuyên phát động, tổ chức các phong trào thi đua như lao động giỏi, lao động sáng tạo; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, khắc phục hậu quả thiên tai, xóa đói giảm nghèo, xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, nhà tình nghĩa, trao học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó...

Với thành tích và những đóng góp quan trọng trong suốt 60 năm qua, hệ thống ngân hàng tỉnh nhà đã vinh dự đón nhận 22 Huân chương Kháng chiến, 30 Huân chương Lao động, 1 Huân chương Chiến công do Nhà nước trao tặng, 2 cờ thi đua của Chính phủ, 18 cờ thi đua của Tỉnh ủy, 26 cờ thi đua  do UBND tỉnh  tặng, 7 cờ thi đua do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tặng, 8 cờ thi đua của công đoàn các cấp tặng và 973 bằng khen... Đảng bộ các ngân hàng luôn giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh.

Tiếp nối truyền thống 60 năm qua, ngành ngân hàng Hải Dương tiếp tục thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, của tỉnh, không ngừng đổi mới tổ chức và hoạt động, thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, phát triển mạng lưới hệ thống các TCTD theo hướng đa năng, hiện đại. Bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiện đại, bền vững và phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh nhà.

VŨ THỊ THẬP-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh  

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành ngân hàng góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội