Tình hình dịch tả lợn châu Phi (ASF) ở Trung Quốc đang vượt tầm kiểm soát, các chuyên gia dự báo trước nhiều thay đổi trong ngành chăn nuôi và thị trường thịt lợn châu Á sắp tới.
Xác con lợn nhiễm ASF dạt lên hòn đảo Kim Môn cách Trung Quốc đại lục 6km hồi đầu năm 2018 - Ảnh: Taiwan Coast Guard/ EPA/ ANP
Bệnh tả lợn châu Phi cuối cùng đã lan rộng đến châu Á và sẽ không biến mất trong một sớm một chiều. Chuyên gia Vincent ter Beek - biên tập viên trang Pig Progress - giải thích thêm về hệ quả lâu dài của sự kiện này:
"Chú heo Kim Môn"
Đêm giao thừa năm 2018, người ta phát hiện xác một con lợn trên hòn đảo Kim Môn (do Đài Loan quản lý), cách bờ biển Trung Quốc đại lục khoảng 6km. Nhiều bức hình lan truyền trên mạng ghi lại cảnh con vật nằm trên bãi biển giữa nhiều mảnh gỗ, chai lọ và lưới đánh cá.
"Chú lợn Kim Môn" khoảng chừng 4-5 tháng tuổi, một phần da của nó đã chuyển sang màu đen. Đứng xung quanh nó là vài người đàn ông mặc đồng phục chống nhiễm độc sinh học màu trắng và xanh dương.
Vài ngày sau, kết quả phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm xác định lợn Kim Môn chết vì bệnh tả lợn châu Phi (ASF).
Ngay lập tức, chính quyền Đài Loan kiểm tra tất cả nông trại nuôi lợn xung quanh đảo Kim Môn, nhưng họ không phát hiện được gì.
Kết luận logic nhất là cái xác đã trôi dạt lên bờ biển Kim Môn từ một nơi khác, có thể là Trung Quốc đại lục. Thời điểm đó tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc có đến 3 ổ dịch ASF.
Tháng 2 vừa qua, Đài Loan phát hiện 3 trường hợp khách đi máy bay mang thịt lợn nhiễm ASF vào lãnh thổ của họ - Ảnh: Taiwan Central Emergency Operation Center
Tình hình ở Trung Quốc là nghiêm trọng
Vì nguyên nhân nào đó, có thể do không biết về ASF, những người phát hiện đã xử lý xác lợn Kim Môn bằng cách... quăng nó xuống nước. Việc thiếu kiến thức hoặc không quan tâm đúng đến ASF có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Xung quanh Trung Quốc, hải quan các nước và vùng lãnh thổ đã phát hiện nhiều người mang theo các sản phẩm chế biến từ lợn nhiễm ASF, bao gồm Đài Loan, Thái Lan và Úc. Và từ đầu năm 2019, có thêm 2 nước phát hiện ổ dịch ASF là Mông Cổ và Việt Nam.
Nhiều hình ảnh và video lan truyền trên mạng xã hội gợi ý tình hình dịch ASF ở Trung Quốc khá bi đát. Người ta quăng xác lợn chết bên lề đường, thiêu sống lợn nhiễm bệnh hoặc chôn sống hàng ngàn con cùng lúc.
Tuy không khẳng định được tất cả hình ảnh, video đó là ở Trung Quốc vào thời điểm hiện tại, việc chúng xuất hiện quá nhiều và liên tục khiến người ta lo ngại đó là những gì đang diễn ra.
Nói cách khác, Trung Quốc - nhà sản xuất thịt lợn số 1 thế giới - trở thành ổ dịch ASF chỉ trong vòng vài tháng.
Theo số liệu của Tổ chức Sức khỏe động vật (OIE), Trung Quốc hiện ghi nhận 115 ổ dịch tại 29 tỉnh, khoảng 475.000 con lợn đã bị giết hoặc tiêu hủy trong các trang trại nhiễm ASF.
Còn theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chính quyền Trung Quốc đã xử lý khoảng 950.000 con lợn trên diện rộng nhằm hãm lại đà lây lan của virus ASF.
Đó chỉ là số liệu chính thức, chúng ta không thể đoán được thực tế ra sao. Nhưng trong tình hình ASF lây lan khắp nơi, cả trong lợn rừng tự nhiên, có thể khẳng định ASF sẽ không biến mất sớm khỏi châu Á.
Cơ hội làm ăn cho các "vùng an toàn"?
Theo hãng tin Reuters, gần đây giá cổ phiếu các công ty chế biến thịt lợn niêm yết trên sàn chứng khoán tăng mạnh do các nhà đầu tư đặt cược vào khả năng nguồn cung thịt heo sắp tới sẽ giảm.
Nếu kịch bản đó xảy ra, nó sẽ mang lại những thay đổi căn bản cho ngành chăn nuôi không chỉ ở Trung Quốc mà còn các nước châu Á xung quanh.
Trong những năm tới, ngành chăn nuôi lợn sẽ có những thay đổi lớn. Tại một thị trường có nhu cầu cao như Trung Quốc, người ta cần những người chăn nuôi có kiến thức và biết giữ gìn. Mô hình chăn nuôi hộ gia đình sẽ trở nên lỗi thời và bị đào thải.
Trước mắt, các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Philippines, Đài Loan, Indonesia... còn an toàn trước ASF nhờ vào đại dương chia cắt với lục địa.
Riêng phần còn lại của thế giới, ASF ở châu Á là cơ hội đối với họ. Mỹ, Canada, Brazil, Chile, EU... đang sẵn sàng và hết sức vui mừng "trám" vào khoảng trống mênh mông của thị trường Trung Quốc.
Đó là chưa kể đến công nghệ chăn nuôi, ý tưởng kinh doanh, mô hình an toàn sinh học... sẽ tìm đường đến châu Á để chuyên nghiệp hóa ngành chăn nuôi lợn.
Đối với chú lợn Kim Môn, mọi thứ đã quá trễ. Nhưng theo nghĩa nào đó, cái chết của nó cho chúng ta hiểu được chuyện gì đang xảy ra.
Theo Tuổi trẻ