Các ngân hàng lớn Việt Nam tiếp tục giảm lãi suất huy động, gửi tiền 12 tháng trở lên chỉ được 4,6%/năm, nhiều ngân hàng tư nhân niêm yết thấp hơn cả Big4.
Các ngân hàng trong nhóm Big 4 và một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân vừa giảm thêm lãi suất huy động. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã về mức thấp nhất lịch sử là 4,8%/năm.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa cập nhật bảng lãi suất mới nhất. Theo đó, ngân hàng này tiếp tục giảm thêm 0,2% lãi suất huy động tại hầu hết kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,2%, xuống còn 2,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng cũng giảm từ 2,9%/năm xuống 2,7%/năm. Lãi suất huy động 6 tháng và 9 tháng của Vietcombank giảm 0,2% xuống 3,7%/năm. Đây được cho là mức lãi suất thấp nhất trên thị trường.
Trong khi đó, cũng các kỳ hạn này thì ở 3 ngân hàng trong nhóm Big 4 là Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) tương ứng là 3%-3,3% và 4,3%/năm, giảm từ 0,2%-0,25% so với trước.
Lãi suất tại một số ngân hàng thương mại tư nhân như Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank)… cũng giảm từ 0,1%-0,4%/năm, với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Cụ thể, các kỳ hạn từ 1-2 tháng được các ngân hàng này niêm yết từ 3,15%-3,4%; kỳ hạn 3-5 tháng là 3,15%-3,7%; kỳ hạn 6 tháng là 4,5%-5,3%/năm. Trong số này, Ngân hàng ACB có mức lãi suất thấp nhất chỉ 4,5% ở kỳ hạn 6 tháng.
ACB hiện cũng là ngân hàng có mức lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn 12 tháng trở lên, chỉ 4,6%/năm, trong khi đó Vietcombank đang là 4,8%; Techcombank là 5,2%; VietinBank, BIDV và Agribank là 5,3%; HDBank là 5,5%-6,3%.
Đây là mức lãi suất được cho là thấp nhất từ trước đến nay. Nhưng ngay cả khi lãi suất tiền gửi liên tiếp dò đáy và đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây thì người dân vẫn tranh thủ gửi tiền.
Theo số liệu thống kê mới nhất do Ngân hàng Nhà nước công bố, tăng trưởng huy động vốn tính đến cuối tháng 9/2023 đạt 7,28% so với cuối năm 2022 - tương đương với mức tăng 11% so với cùng kỳ. Trong số đó, tiền gửi của dân cư ghi nhận tăng 14,4% so với cùng kỳ - mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2017.
Ở chiều ngược lại, dù lãi suất xuống thấp nhưng tăng trưởng tín dụng lại vô cùng khó khăn. Ngân hàng Nhà nước cho biết đến ngày 23/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,38% so với cuối tháng 12/2022, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm (14,5%). Mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng khá cao, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Theo đó, dư địa còn lại của toàn hệ thống để các ngân hàng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn khoảng gần 6,2%, tương đương khoảng 735.000 tỷ đồng để cấp tín dụng cho nền kinh tế.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lý giải tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên cầu tín dụng giảm và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu.
Cụ thể, thứ nhất, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn chung (xuất khẩu, nhập khẩu giảm mạnh), cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng. Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý (như việc tiếp cận tín dụng của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi...).
Thứ ba, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...).
Theo Vietnam+