10 ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm, mức điều chỉnh cao nhất lên tới 0,9-1,2% một năm.
Nối dài xu hướng từ cuối năm ngoái đến nay, 10/34 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm trong thời gian qua. Đây là đợt điều chỉnh đồng loạt thứ 2 trong năm mà không ghi nhận nhà băng nào giảm lãi suất, lần trước đó là vào giữa tháng 5.
Biên độ điều chỉnh đợt này có sự phân hóa mạnh. Nhóm kỳ gửi ngắn hạn (1-3 tháng) chỉ được tăng phổ biến 0,1% một năm, không ít đơn vị giữ nguyên lãi suất nhóm này. Các nhà băng ưu ái hơn cho khách hàng gửi tiết kiệm dài hạn khi đa phần đều đưa lãi suất lên thêm từ 0,3% một năm trở lên.
Nhìn chung, lãi suất tiết kiệm 12 tháng toàn thị trường nhích nhẹ lên 6,16% tại quầy và tăng khá mạnh lên 6,34% trên kênh online. Có 21 ngân hàng đang đưa ra lãi suất tiền gửi trên 6% tại quầy. Con số này đối với online là 25 đơn vị. Quán quân lãi suất tiết kiệm vẫn là SCB với mức 7,3% một năm ở cả hai kênh giao dịch.
Đợt này ACB là một trong những ngân hàng điều chỉnh lãi suất mạnh nhất. Tại quầy, nhà băng này tăng 0,9% một năm cho kỳ hạn 1 và 9 tháng, tăng 0,6% một năm cho kỳ 3 và 12 tháng, tăng 0,8% một năm đối với kỳ 6 tháng. Với khách hàng giao dịch online, lãi suất tiết kiệm được nâng 0,3 điểm phần trăm cho kỳ 6 và 12 tháng, tăng thêm 0,5% một năm cho kỳ 9 tháng. Tuy nhiên do mặt bằng lãi suất tiết kiệm vốn thấp (thường nằm vị trí áp cuối thị trường), đợt điều chỉnh trên cũng không giúp ACB cải thiện được thứ hạng của mình trên bảng tổng sắp lãi suất ngân hàng. Hiện nhà băng này có lãi suất thấp thứ 4 thị trường đối với giao dịch tại quầy và thấp thứ 3 cho tiết kiệm online.
Cũng điều chỉnh mạnh, HDBank nâng 0,4% một năm cho khách hàng gửi tiền 1-3 tháng tại quầy, các kỳ hạn 6 và 9 tháng được tăng 0,3% một năm, 12 tháng tăng 0,2%. Với giao dịch online, HDBank điều chỉnh lãi suất ở tất cả kỳ hạn phổ biến, trong đó tăng 0,9% một năm cho kỳ 1 tháng và tăng 1,2% một năm kỳ 6 tháng. Đây cũng là mức tăng mạnh nhất toàn thị trường trong đợt này. Dẫu vậy, HDBank vẫn giữ vị trí 16 trong bảng xếp hạng lãi suất tiết kiệm.
Đợt tăng lãi suất đồng loạt này còn chứng kiến TPBank tham gia sau thời gian dài đứng ngoài cuộc đua. Ngân hàng này tăng 0,2% một năm lãi suất cho tất cả kỳ hạn phổ biến, áp dụng cả giao dịch tại quầy và online.
Nhóm ngân hàng có vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục tăng lãi suất. Thời gian qua, những cái tên như GPBank, DongABank, CBBank, VietCapitalBank... liên tiếp cập nhật lãi tiền gửi tiết kiệm, góp phần nâng mặt bằng lãi suất chung lên cao hơn.
Dưới đây là mức lãi suất sắp xếp từ cao tới thấp được niêm yết chính thức (cho khoản tiền dưới 1 tỷ đồng), không tính thỏa thuận thực tế của ngân hàng với từng khách (khách quen, VIP, gửi tiền nhiều - nhưng dưới một tỷ). Lãi suất gửi online thường cao hơn từ 0,1% đến 0,2%, có nơi trả cao hơn 1% một năm so với khi gửi tại quầy.
Báo cáo gần đây của VnDirect nhận xét, lãi suất tiền gửi đã tăng trở lại kể từ tháng 5/2022. Trong năm nay, lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp và sẽ bắt đầu tăng trở lại do nhu cầu huy động vốn lên cao dựa trên tín dụng tăng trưởng, sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản, chứng khoán... và nhất là áp lực lạm phát.
Đơn vị này dự đoán, lãi suất được nâng thêm 30-50 điểm cơ bản trong năm 2022. Tính riêng kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tại các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên mức 5,9-6,1% một năm vào cuối năm nay, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 6,8% một năm giai đoạn trước dịch bệnh. Ngoài ra, trong trường hợp Thông tư 08/2021 của Ngân hàng Nhà nước không được gia hạn thêm một năm nữa, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay dài hạn sẽ giảm từ mức 37% xuống 34% bắt đầu từ ngày đầu tháng 10. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà băng sẽ phải giảm nguồn vốn ngắn hạn hoặc tăng cho vay trung và dài hạn để đáp ứng yêu cầu nói trên.
Theo VnExpress