Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm nay giảm 1,12% so với cuối năm 2023. Theo các chuyên gia, việc công khai lãi suất cho vay giúp minh bạch thị trường là một trong những giải pháp để tăng trưởng tín dụng những tháng tiếp theo.
Trong Công điện số 18 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn.
Về phía người vay rất muốn các ngân hàng công khai cụ thể lãi suất cho vay, không chỉ là lãi suất cơ sở mà nên công khai cả các khoản phí khi vay vốn cũng như phạt trả nợ trước hạn...
Chị Kim Chi (TP Hồ Chí Minh) cho biết chị vay vốn ở một ngân hàng cổ phần, khi lãi suất huy động tăng mạnh giai đoạn cuối 2022 đầu 2023 thì cứ đến kỳ điều chỉnh lãi suất là chị lại đau tim vì lãi suất cho vay tăng rất nhanh.
Tuy nhiên, ngược lại, khi lãi suất huy động lao dốc mạnh, chỉ còn 1/2, thậm chí 1/3 so với cùng kỳ năm trước thì lãi suất cho vay giảm rất chậm, chưa tương xứng. Khi chị chất vấn thì nhân viên tín dụng đưa ra rất nhiều lý do là khoản huy động cũ vẫn còn nên giá vốn còn cao hay lãi suất cho vay là trên cơ sở thỏa thuận giữa ngân hàng và người vay và tùy theo khẩu vị rủi ro...
"Tôi ủng hộ việc công khai cụ thể lãi suất cho vay để người vay có cơ sở so sánh và chọn lựa", chị Kim Chi đề nghị.
Trong khi đó anh Duy Khánh (Gò Vấp) cho rằng nếu chỉ công khai lãi suất cho vay thôi là chưa đủ vì ngoài lãi suất, người vay phải gánh hàng loạt loại phí như phí cấp tín dụng, phí thẩm định, phí giải ngân, phí công chứng..., ở một số thời điểm còn bị ép mua bảo hiểm. Chưa kể nếu vay sản xuất kinh doanh mà tài khoản bên nhận mở tại ngân hàng khác còn bị thu phí giải ngân khác hệ thống vài trăm ngàn đồng.
"Trên thực tế tất cả khoản phí này cấu thành lãi suất thực mà không phải người vay nào cũng biết. Do vậy tôi đề nghị ngân hàng phải công bố công khai cả phí lẫn lãi suất để minh bạch thị trường", anh Duy Khánh nói.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm nay giảm 1,12% so với cuối năm 2023, việc công khai lãi suất cho vay là một trong những giải pháp để doanh nghiệp, người vay yên tâm vay vốn, qua đó cải thiện tăng trưởng tín dụng trong những tháng tiếp theo.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay trên website một số ngân hàng đã công khai "lãi suất cho vay cơ sở". Tuy nhiên mỗi ngân hàng công bố một cách khác nhau.
Tại Sacombank, lãi suất vay cơ sở với VND kỳ hạn 1-3 tháng là 4,2%/năm, kỳ hạn 4-6 tháng là 5,6%/năm, kỳ hạn 10-12 tháng là 7,7%/năm, còn trung dài hạn là 8,5%/năm.
ACB cũng công bố mức lãi suất cho vay cơ sở áp dụng cho toàn hệ thống từ ngày 2-10-2023 là 8,7%/năm. Tuy nhiên ngân hàng này cũng lưu ý rằng lãi suất cơ sở này được áp dụng đối với các khoản vay có lãi suất tại kỳ tái định được tính theo biểu lãi suất cho vay tại ACB. "Quý khách hàng vui lòng liên hệ với chi nhánh/phòng giao dịch gần nhất để được tư vấn cụ thể", ngân hàng này lưu ý.
Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) thay vì niêm yết lãi suất cơ sở chung lại chia thành từng mục đích vay cũng như thời gian giải ngân. Cùng mục đích vay, nếu giải ngân năm 2024 mức lãi suất cơ sở sẽ thấp hơn so với giải ngân những năm trước.
Ví dụ vay mua bất động sản nếu giải ngân năm 2024 lãi suất cơ sở là 9%/năm nhưng nếu giải ngân từ 2023 lãi suất là 10%/năm, giải ngân từ 2019-2022 lãi suất cơ sở là 11%/năm, còn giải ngân trước 2019 lãi suất là 11,5%/năm.
Tương tự như vậy với cho vay mua ô tô, nếu giải ngân năm 2024 lãi suất cơ sở là 10%/năm cũng là mức thấp nhất, còn giải ngân trước 2019 lãi suất là 11,5%/năm. Với vay kinh doanh dưới 12 tháng nếu giải ngân năm 2024 lãi suất cơ sở 8,5%/năm, còn giải ngân từ 2023 lãi suất cơ sở 8,8%/năm.
Tuy nhiên theo ghi nhận, không phải ngân hàng nào cũng công bố lãi suất cơ sở hoặc nếu có công bố thì nội dung này không nằm ở trang chủ mà khách hàng phải tìm kiếm ở những trang trong nên không phải khách hàng nào cũng tiếp cận được.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện mức lãi suất huy động đã giảm xuống thấp chưa từng có. Tại Vietcombank, hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1, 2 tháng chỉ còn 1,7%/năm, kỳ hạn 3 tháng lãi suất rơi về mức 2%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 3%. Mức lãi suất huy động cao nhất tại Vietcombank chỉ còn 4,7%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
VietinBank cũng hạ lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng xuống mức 1,9%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng lần lượt là 2,2%/năm và 3,2%/năm, kỳ hạn 12 tháng lãi suất 4,8%/năm. Mức lãi suất huy động cao nhất tại VietinBank hiện ở mức 5%/năm.
Tại một số ngân hàng cổ phần, do bí đầu ra, lãi suất huy động cũng giảm về ngang ngửa mức lãi suất tại các ngân hàng trong nhóm Big4. Nếu như một năm trước lãi suất huy động thực tế lên đến 10-12%/năm thì nay lãi suất huy động có nơi chỉ còn bằng 1/2, thậm chí 1/3 năm ngoái nhưng tốc độ giảm lãi suất cho vay chưa tương xứng.
Theo khảo sát, các ngân hàng trong nhóm Big4 (Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) đang áp dụng mức lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng, mua nhà ở dao động từ 5,3-8,5%/năm, tùy kỳ hạn.
Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất vay mua nhà dao động từ 5-10,5%/năm. Trong đó mức lãi suất 5-6%/năm chỉ áp dụng trong thời gian ngắn ưu đãi. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi rơi vào khoảng 8-13%/năm.
Đặc biệt, các khoản vay cũ lãi suất giảm rất chậm khiến người vay kiệt sức vì kinh tế khó khăn, thu nhập sụt giảm trong khi lại phải gồng lãi cao.
Để tháo điểm nghẽn cho tín dụng, sắp tới sẽ có một hội nghị do Thủ tướng chủ trì với chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại được tổ chức vào giữa tháng này.
Để chuẩn bị hội nghị, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải báo cáo thông tin, số liệu tín dụng, lãi suất, đánh giá thực trạng, nguyên nhân tín dụng tăng thấp với từng ngành, lĩnh vực.
Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB, cho rằng việc công bố với khách hàng cá nhân là phù hợp nhưng đối với khách hàng là tổ chức thì có nhiều băn khoăn. Bởi mức lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp còn dựa trên tài sản bảo đảm, kế hoạch kinh doanh của mỗi khách hàng.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, cho rằng lãi suất huy động trước giờ đã minh bạch. Với hoạt động cho vay, lãi suất cho vay được quyết định bởi nhiều yếu tố từ quy mô khách hàng, dịch vụ khách hàng, lợi ích khách hàng, tính chất rủi ro, có tài sản bảo đảm hay không. Nếu đưa ra một mức lãi suất chung là không hợp lý.
Do đó, các ngân hàng sẽ công bố lãi suất nhưng theo từng phân khúc, sản phẩm, loại hình rủi ro và theo thời hạn ngắn dài. "Công bố ra bảo đảm công khai minh bạch, còn tùy khách hàng thì có mức lãi suất phù hợp", ông Hưng nhấn mạnh.
Theo ghi nhận, thời gian qua có một số ngân hàng dùng các thủ thuật để neo lãi suất cho vay ở mức cao. Chẳng hạn nâng mức lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng lên cao hơn 2-3%/năm so với mặt bằng chung, nhưng quy định chỉ áp dụng mức lãi suất này với các khoản tiền gửi từ 200-500 tỉ đồng.
Thực tế rất ít người dân gửi số tiền lớn như trên, mục đích các ngân hàng nâng lãi suất kỳ hạn 13 tháng lên cao hẳn so với mặt bằng chung là vì đây là kỳ hạn làm cơ sở để cộng với biên độ, từ đó ấn định lãi suất cho vay khi hết thời hạn ưu đãi. Do vậy nâng lãi suất kỳ hạn này thực chất là để ngân hàng neo lãi suất cho vay.
Chưa kể, đã từng xảy ra nhiều trường hợp vay theo các gói ưu đãi, sau một vài năm thu xếp được vốn trả trước hạn thì bị ngân hàng phạt từ vài chục đến vài trăm triệu với lý do... ngân hàng thu hồi lại khoản ưu đãi mà khách hàng đã nhận. Đây là điều mà nhiều khách hàng không lường trước được.