Việc này không chỉ mang lại “tiếng thơm” cho ngân hàng mà còn giải bài toán tăng trưởng tín dụng cho không ít ngân hàng hiện nay...
|
Việc nhiều ngân hàng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo thêm cơ hội cho nông dân tiếp cận vốn. Trong ảnh: Từ nguồn vốn vay của Agribank Cẩm Giàng, gia đình anh Bùi Hữu Việt, xã Cẩm Định (Cẩm Giàng) đã đầu tư xây dựng lò gạch liên tục kiểu đứng, doanh thu mỗi năm đạt hơn 1 tỷ đồng |
Khi thị trường tín dụng thành thị đang dần bão hòa, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều ngân hàng cùng tính chuyện đầu tư về khu vực nông nghiệp, nông thôn (NNNT). Điều này không chỉ mang lại “tiếng thơm” cho ngân hàng đó là thực hiện tốt chủ trương của Nhà nước về đầu tư vốn cho lĩnh vực NNNT mà còn giải bài toán tăng trưởng tín dụng cho không ít ngân hàng.
Cuối tháng 8 vừa qua, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Hải Dương đã chính thức thông báo trong năm 2011 đơn vị sẽ dành từ 50 tỷ đồng trở lên đầu tư phát triển NNNT. Ông Nguyễn Văn Khâm, Giám đốc Sacombank Hải Dương cho biết: "Chủ trương cho vay NNNT của ngân hàng đã có từ lâu nhưng hiện nay mới được triển khai. Đặc biệt, nhằm hạn chế tình trạng cán bộ tín dụng “ngại” thẩm định, cho vay các món vay nhỏ, điều kiện đi lại khó khăn thuộc lĩnh vực NNNT, Sacombank Hải Dương đã chỉ đạo Phòng Nguồn vốn kinh doanh, nhất là đội ngũ cán bộ tín dụng phải nghiêm túc thực hiện chủ trương của đơn vị, chủ động tìm kiếm khách hàng, không ngại khó, ngại khổ. Đồng thời, áp dụng mức cho vay ưu đãi, bằng và thấp hơn so với mặt bằng chung cho vay lĩnh vực NNNT của các tổ chức tín dụng khác, tích cực tuyên truyền đến các khách hàng về chủ trương của đơn vị...
Tương tự Sacombank Hải Dương, từ đầu quý III năm 2011, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank) Hải Dương cũng tung ra gói kích cầu vốn cho lĩnh vực NNNT. Nguồn vốn dành cho phát triển NNNT của ngân hàng này trong năm 2011 dự kiến lên tới hơn 100 tỷ đồng. Ông Phạm Ngọc Đĩnh, Giám đốc SeaBank Hải Dương, người từng làm ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, cho biết, NNNT là thị trường rất tiềm năng, hơn nữa cho nông thôn, nông dân vay vốn là cách kinh doanh phân tán rủi ro không chỉ SeaBank Hải Dương mà nhiều ngân hàng khác đang hướng tới. Đến đầu tháng 9, tổng dư nợ cho vay của chi nhánh mới chỉ tăng trưởng hơn 10%, chính vì vậy, đầu tư vào lĩnh vực NNNT sẽ giúp ngân hàng tăng trưởng .
Nhiều ngân hàng khác như VPBank Hải Dương, Techcombank Hải Dương... cũng tham gia vào lĩnh vực NNNT. Lâu nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vẫn là ngân hàng hàng đầu đầu tư phát triển NNNT. Hiện nay, tổng dư nợ cho vay của Agribank Hải Dương đạt hơn 5.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay NNNT chiếm 70,5%. Ngoài ra, đến thời điểm này, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đã có thêm nhiều nguồn vốn từ các ngân hàng khác tập trung cho lĩnh vực này. Đây được coi là cơ hội tốt để NNNT bứt phá. Tính đến hết tháng 8 - 2011, tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế của hệ thống ngân hàng đạt 26.421 tỷ đồng, tăng 8,5% so cuối năm 2010, trong đó dư nợ cho vay phát triển NNNT đạt 11.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 42,6% tổng dư nợ. Nguyên nhân dư nợ cho vay phát triển NNNT tăng cao là do có sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường tín dụng. Mở rộng lĩnh vực đầu tư nhằm phân tán rủi ro trong kinh doanh cũng là chủ trương chung của các tổ chức tín dụng. NNNT là thị trường lớn, đầy tiềm năng. Mặt khác, đầu tư cho lĩnh vực NNNT các ngân hàng cũng được hưởng một số ưu đãi của Ngân hàng Nhà nước như cho vay tái cấp vốn, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc... Điều quan trọng hơn là lĩnh vực NNNT đã thu hút được sự quan tâm của các tổ chức tín dụng.
Việc các ngân hàng "rủ nhau" về nông thôn là cơ hội tốt cho NNNT bứt phá, nhất là trong giai đoạn toàn tỉnh đang cần một nguồn vốn lớn cho đầu tư xây dựng nông thôn mới
HÀ VY