Ngăn chặn giám đốc "dởm", doanh nghiệp "ma"

07/06/2010 05:05

Số hóa đơn GTGT mà các doanh nghiệp "ma" mua từ cơ quan thuế được bán lại cho một số doanh nghiệp để ghi khống, kê khai khấu trừ thuế nhằm rút tiền bất hợp pháp, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.


Cán bộ Ủy nhiệm thu thuế xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) thu thuế hằng tháng

Một ngày đầu mùa hè, chúng tôi đến xã Thất Hùng (Kinh Môn) gặp anh Cao Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Văn Thanh, có trụ sở ở TP Hải Dương. Khi được hỏi vì sao một người nông dân có trình độ thấp, khắc khổ, lam lũ như anh lại có thể trở thành giám đốc một công ty có số vốn lên tới hàng tỷ đồng, anh Thanh cho biết gặp một người đàn ông tự xưng là Lực tại quán cơm gần ga Phú Thái (Kim Thành). Sau câu chuyện làm quen, ông này "vận động" anh làm... giám đốc. Theo ông Lực, nếu làm giám đốc thuê cho một công ty thì lương của anh sẽ là 3 triệu đồng/tháng. Là nông dân, anh Thanh nằm mơ cũng chẳng bao giờ nghĩ có thể làm "giám đốc" với số lương như thế. Sau đó, anh đã nộp cho ông Lực chứng minh nhân dân và ký tên khống vào bốn tờ giấy trắng khổ A4. Vài ngày sau, ông Lực đưa anh lên TP Hải Dương gặp một người tên là Phùng để làm thủ tục thành lập doanh nghiệp và đi theo một người khác tên Phương đến Chi cục Thuế TP Hải Dương làm thủ tục mua hai quyển hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT). Từ lúc đó, anh Thanh trở thành Giám đốc Công ty TNHH Văn Thanh. Công ty này thực tế không có vốn, không có hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) hoặc giao dịch mua bán hàng hóa. Ông giám đốc được thuê chỉ có nhiệm vụ duy nhất là ký tên vào các thủ tục thành lập công ty, mua hóa đơn GTGT. Đều đặn mỗi tháng “giám đốc” Thanh được trả lương 3 triệu đồng.

Khi những hoạt động khuất tất của Doanh nghiệp tư nhân Viên Long bị phát hiện, ông Vũ Văn Viên ở thôn Chuyển Thừng, xã Kim Đính (Kim Thành) cho biết: Do nhà quá nghèo, mấy miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán nên khi nghe có người "gạ" đứng tên thành lập công ty và được trả lương cao, ông đã nhận lời, còn việc làm ăn của công ty, ông không biết gì. Với chức danh "giám đốc" doanh nghiệp, qua 250 hóa đơn GTGT mà doanh nghiệp này sử dụng, ông Viên đã tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo thuế của Nhà nước hơn 3 tỷ đồng. Hành trình từ nông dân lên làm giám đốc Công ty TNHH Văn Trình là Đỗ Trọng Tình ở thôn Phú Nội, xã Bình Dân (Kim Thành) và Lương Thị Lượt ở thôn Đại Đồng, xã Đồng Gia (Kim Thành), làm giám đốc Công ty TNHH một thành viên Liên Hòa cũng tương tự như anh Thanh và ông Viên. Không vốn, không hiểu biết pháp luật, không có khả năng điều hành công ty, không trụ sở làm việc, sau một số thủ tục đăng ký kinh doanh, họ nghiễm nhiên trở thành giám đốc doanh nghiệp. Đổi lại, họ được trả lương hằng tháng từ 1 đến 3 triệu đồng. Vô tình, những "giám đốc nông dân" này đã tiếp tay cho các hoạt động phi pháp, mua bán hóa đơn khống, trốn thuế hàng tỷ đồng của Nhà nước.

Khác với thuế doanh thu là chỉ quản lý doanh số đầu ra, thuế GTGT còn quản lý cả đầu vào trong SXKD của doanh nghiệp. Vì vậy, hoá đơn, chứng từ là khâu quan trọng thực hiện thuế GTGT. Qua thực hiện đề án “Tăng cường quản lý chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực thuê đất, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản”, hơn 1 năm qua, ngành thuế tỉnh đã phát hiện 42 doanh nghiệp thành lập với mục đích sử dụng hóa đơn GTGT để khai đầu vào rồi xuất hóa đơn bán ra mà không có hoạt động SXKD hoặc có hoạt động SXKD nhưng gian lận thuế, như mua hóa đơn của các doanh nghiệp khác để hợp thức số hàng hóa mua trôi nổi không có hóa đơn chứng từ... Các doanh nghiệp “ma” này được thành lập chủ yếu dưới hình thức công ty TNHH hoặc doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp đăng ký thường là người có hộ khẩu thường trú ở địa phương khác; thường xuyên di chuyển địa điểm; thuê văn phòng giao dịch với thời gian ngắn (2-6 tháng), ở những nơi không thuận tiện cho kinh doanh như ngõ sâu, tài sản đầu tư nhỏ; đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề nhưng chỉ là thương mại dịch vụ tổng hợp, không sản xuất hàng hóa, những ngành nghề không phải đăng ký vốn pháp định bắt buộc và không phải bắt buộc có chứng chỉ hành nghề. Mọi hoạt động kinh doanh thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt; khi có quy định bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng từ 20 triệu đồng trở lên mới được khấu trừ thuế thì các doanh nghiệp "ma" tìm cách đảo nợ giữa các đơn vị với nhau. Thời gian mua hóa đơn lần đầu đến thời gian mua hóa đơn lần 2 thường ngắn, trong 1 tháng có ít nhất 2 lần mua hóa đơn; số thuế GTGT phải nộp thấp, không tương ứng với doanh số kê khai. Các đối tượng phạm tội thường thuê, lừa người kém hiểu biết đứng tên làm giám đốc hoặc chủ doanh nghiệp; các "giám đốc" được thuê hầu hết là thất nghiệp, trình độ học vấn thấp, lao động nghèo, thường là nông dân, cá biệt có người có tiền án, tiền sự, mắc bệnh xã hội (HIV/AIDS). Chỉ đến khi bị cơ quan thuế, lực lượng công an đến điều tra, đối mặt với những tờ khai thuế có rành rành chữ ký của mình thì họ mới ngỡ ngàng, nhận ra mình bị lừa trong suốt thời gian làm "giám đốc". Thông thường, những công ty “ma” ra đời rất nhanh và biến mất cũng chóng vánh. Chỉ cần có sổ hộ khẩu và tấm chứng minh nhân dân là xuất hiện một “giám đốc"...

Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã phối hợp với lực lượng công an và chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động, thuyết phục, đấu tranh với các hành vi vi phạm về hóa đơn GTGT; truy thu và phạt hơn 11,65 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, lập biên bản, xử lý 32 chủ doanh nghiệp được thuê làm giám đốc, không kinh doanh, không có hàng hóa nhưng mua hóa đơn xuất bán với doanh số ghi trên hóa đơn bán ra là 688 tỷ đồng, số thuế GTGT đầu ra hơn 50 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này đã được Cục Thuế tỉnh thông báo trên phạm vi toàn quốc và số hoá đơn do các doanh nghiệp xuất bán không có giá trị sử dụng để các địa phương có biện pháp xử lý. Qua kiểm tra, xử lý 4 doanh nghiệp vừa có hoạt động kinh doanh, vừa xuất bán hóa đơn khống, với doanh số ghi trên hóa đơn đầu ra 92,6 tỷ đồng, số thuế GTGT đầu ra hơn 4 tỷ đồng, tổng số tiền truy thu và phạt gần 6,3 tỷ đồng. Ngành thuế cho biết đã làm thủ tục chuyển sang cơ quan công an xử lý đối với những doanh nghiệp có hành vi gian lận trong sử dụng hóa đơn GTGT với giá trị lớn, có thái độ không hợp tác, gồm Công ty CP Trường Phát (doanh số bán ra ghi trên hóa đơn GTGT hơn 26 tỷ đồng),  Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Châu (hơn 35,6 tỷ đồng). Ngoài ra, một số doanh nghiệp "ma" cũng có doanh số bán ra ghi trên hóa đơn GTGT lớn như: Công ty TNHH một thành viên Cường Hà (hơn 70 tỷ đồng), Doanh nghiệp tư nhân Đức Cảnh (hơn 49 tỷ đồng), doanh nghiệp tư nhân Hoàng Châu (hơn 35,6 tỷ đồng), Công ty CP Trường Phát (hơn 26 tỷ đồng)…

Những nỗ lực trong đấu tranh với các hành vi gian lận, sử dụng hóa đơn GTGT của ngành thuế tỉnh trong thời gian qua đã bước đầu nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhiều doanh nghiệp. Phần lớn các chủ doanh nghiệp "ma" đã tự giác khai báo để khắc phục hậu quả. Chất lượng kê khai thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh của các đối tượng nộp thuế được nâng lên rõ rệt. Tình trạng kinh doanh mua, bán hóa đơn bất hợp pháp và tùy tiện sử dụng hóa đơn GTGT giảm đáng kể, nhất là ở các địa bàn trọng điểm như TP Hải Dương (số thuế kê khai bình quân của quý I năm nay tăng 180% so với quý I, năm 2009)... 5 tháng đầu năm nay, số thu từ thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh bằng 55% dự toán năm, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Để hạn chế rủi ro cho công tác quản lý hoá đơn, ngành thuế tỉnh đang thực hiện một số biện pháp như: yêu cầu trong hồ sơ xin mua hoá đơn lần đầu của các đơn vị phải đi thuê địa điểm kinh doanh, chủ doanh nghiệp phải xuất trình hợp đồng thuê, mượn địa điểm kinh doanh có xác nhận của UNBD xã, phường, hoặc được công chứng. Kiên quyết không cấp, bán hoá đơn cho các đơn vị không có địa điểm kinh doanh rõ ràng. Tổ chức xác minh địa điểm kinh doanh trước khi cấp bán hoá đơn GTGT cho doanh nghiệp. Định kỳ hằng tháng, quý thông qua công tác kiểm soát việc chấp hành chế độ báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn để sàng lọc, phát hiện các đơn vị tạm ngừng, nghỉ, bỏ kinh doanh nhằm hạn chế tối đa các doanh nghiệp vi phạm. Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ để tổ chức, cá nhân sử dụng hoá đơn hiểu rõ các quy định, hành lang pháp lý, chế tài xử phạt trong quản lý sử dụng hoá đơn...

Đại tá Cao Ngọc Lan, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Từ tháng 6-2009 đến nay, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế đã xác minh, làm rõ việc 3 doanh nghiệp “ma”, gồm các công ty TNHH một thành viên Sông Hương, Hồng Xuyến và Nguyễn Chiến ở các xã Đồng Lạc, An Lâm (Nam Sách) mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn GTGT. Qua điều tra, xác định các đối tượng Ngô Văn Thuần, Ngô Văn Hải ở xã An Hòa, huyện An Dương (Hải Phòng) đã thuê nhóm đối tượng gồm Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Việt và Lưu Văn Nhỏ ở các xã Kim Tân, Đại Đức (Kim Thành) làm thủ tục thành lập các doanh nghiệp trên với số tiền từ 20 đến 30 triệu đồng/doanh nghiệp. Nhóm đối tượng trung gian này đã tìm gặp những người không có nghề nghiệp hoặc làm ruộng, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đứng tên thành lập doanh nghiệp, làm “giám đốc” và hứa hẹn trả lương 1-2 triệu đồng/tháng. Sau khi thành lập, có giấy tờ, con dấu và số hóa đơn GTGT mua lại từ cơ quan thuế, các đối tượng này đã bàn giao cho một nhóm khác ở Hải Phòng để mua bán, sử dụng trái phép số hóa đơn GTGT, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp ở Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa và Bắc Ninh sử dụng hóa đơn khống, kê khai khấu trừ thuế, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 4 tỷ đồng. Đến nay, cơ quan công an đã có căn cứ chứng minh hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT khống của các đối tượng: Nguyễn Văn Việt ở xã Đại Đức (Kim Thành), Nguyễn Ngọc Thư và Vũ Hồng Phong (TP Hải Dương). Công an tỉnh đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh xem xét xử lý hành vi nhận tiền để làm thủ tục thành lập 3 doanh nghiệp “ma” của các đối tượng: Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Việt và Lưu Văn Nhỏ…

NGỌC QUẾ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn giám đốc "dởm", doanh nghiệp "ma"