Căng thẳng tại khu vực giữa biên giới Nga và Ukraine tiếp tục căng thẳng ngày 8.4, khi Nga tuyên bố sẽ không rút quân khỏi đây và để ngỏ khả năng sẽ hành động khi cần thiết.
Xe tăng của quân đội Ukraine di chuyển ngày 7.4 tại một khu vực gần Lugansk đang do phe ly khai kiểm soát. Ảnh: AFP
Nhiều ý kiến lo ngại cuộc chiến tranh "lạnh" giữa hai nước từng thuộc Liên Xô có nguy cơ trở thành chiến tranh "nóng" nếu NATO dang tay với Kiev.
Giữa không khí căng thẳng với Nga, ngày 8.4 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky quyết định đến thăm khu vực do quân đội Ukraine kiểm soát tại vùng Donbass để "đánh giá tình hình thực tế".
Chuyến thăm của ông Zelensky diễn ra trong bối cảnh số quân nhân Ukraine thiệt mạng vì pháo kích đã tăng lên 5 người trong vòng 3 ngày qua, theo Hãng tin Reuters.
Nga điều quân về biên giới
Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Kommersant ngày 7.4, thư ký Hội đồng An ninh liên bang Nga Nikolai Patrushev nhấn mạnh Nga không có ý định can thiệp vào cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, Nga đang theo sát tình hình và sẵn sàng đưa ra các biện pháp cụ thể nếu cần thiết.
Điện Kremlin sau đó xác nhận quân đội Nga sẽ tiếp tục đóng tại biên giới Nga - Ukraine, nhấn mạnh việc Nga điều động quân đội trên lãnh thổ của mình là chuyện hợp pháp và không đe dọa nước nào.
Các cuộc khẩu chiến giữa quan chức Nga và Ukraine như đổ thêm dầu vào lửa. Theo ông Patrushev, căng thẳng leo thang hiện tại ở Donbass là "hậu quả của các vấn đề nội bộ nghiêm trọng ở Ukraine". Quan chức này của Nga cáo buộc chính quyền Kiev đang cố gắng đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận trong nước bằng tình hình Donbass.
Ông Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine, lập tức đáp trả bằng một cáo buộc tương tự. Để tạo sức ép với Matxcơva, Kiev công khai kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đẩy nhanh tiến trình kết nạp nước này - một động thái chắc chắn sẽ khiến Nga nổi giận. Bởi nếu Ukraine gia nhập NATO, một loạt hệ thống vũ khí của NATO sẽ được triển khai đến sát sườn nước Nga.
Tuy nhiên, viễn cảnh này khó trở thành hiện thực bởi Donetsk và Luhansk, hai tỉnh thuộc vùng Donbass giáp Nga, đã đơn phương tuyên bố ly khai và thành lập Cộng hòa nhân dân Donetsk và Cộng hòa nhân dân Luhansk.
Theo thống kê mới nhất của nhóm giám sát đặc biệt thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu, tính đến ngày 3.4 đã có 594 vụ vi phạm ngừng bắn ở vùng Donetsk và 427 vụ ở Luhansk.
Thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Kiev và lực lượng ly khai vùng Donbass (có hiệu lực năm 2015) vẫn không ngăn được các vụ đụng độ lẻ tẻ. Muốn giải quyết vấn đề này, các bên sẽ phải ngồi lại bàn biện pháp bổ sung, song không phải cuộc gặp nào cũng mang lại kết quả thực chất.
Theo yêu cầu của Ukraine, một cuộc họp khẩn cấp của nhóm liên lạc ba bên (TCG) về tình hình Donbass đã được tổ chức ngày 7.4 để thảo luận về các vụ vi phạm ngừng bắn tại miền đông Ukraine. Song theo đặc phái viên của Nga tại TCG, ông Boris Gryzlov, cuộc họp đã kết thúc sau 4 tiếng mà không đạt kết quả nào đáng kể.
NATO thận trọng
"Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine tin rằng việc gia nhập NATO là cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh ở Donbass. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine sẽ không dẫn tới điều mà họ mong muốn", nhật báo Kommersant của Nga cảnh báo.
Theo tờ báo này, những gì đang xảy ra với Ukraine và vùng Donbass có thể dẫn tới kết cục tương tự Gruzia vào năm 2008. Quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã tìm kiếm cơ hội gia nhập NATO bất chấp phản đối của Nga.
Sau khi nhận được sự đảm bảo của NATO rằng Gruzia sẽ sớm trở thành thành viên của khối, quân đội Gruzia bắt đầu chiến dịch quân sự tiến vào vùng lãnh thổ Nam Ossetia và Abkhazia. Quân đội Nga can thiệp vào tháng 8.2008, với lý do bảo vệ người Nga. Cuộc chiến kéo dài 5 ngày dẫn tới sự hình thành của hai vùng lãnh thổ độc lập trên thực tế là Nam Ossetia và Abkhazia.
Một trong những vấn đề khiến nhiều người lo lắng hiện nay là Nga sẽ can thiệp đến đâu nếu quân đội Ukraine tiếp tục dấn sâu vào vùng Donbass.
Hồi tháng 4.2019, ngay sau khi ông Zelensky đắc cử Tổng thống Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh đơn giản hóa thủ tục cấp quốc tịch Nga cho cư dân một số quận tại Donetsk và Luhansk với lý do nhân đạo. Không ai biết có bao nhiêu người đã được cấp quốc tịch Nga và hiện bao nhiêu trong số này đang sống tại Donbass.
Theo Reuters, một số nước phương Tây đã kêu gọi kiềm chế trước các động thái chuyển quân của Matxcơva.
Trong khi đó, NATO đang thể hiện sự thận trọng trước yêu cầu của Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói thẳng việc Ukraine gia nhập NATO không phải là vấn đề cấp thiết và nhấn mạnh Kiev trước tiên phải hoàn thành cải cách quốc phòng. Người phát ngôn Chính phủ Đức Ulrike Demmer kế đó xác nhận NATO vẫn chưa có động thái xem xét kết nạp Ukraine bất chấp đề nghị từ Kiev.
Giới quan sát nhận định căng thẳng Nga - Ukraine hiện nay không chỉ là thách thức với NATO mà còn là phép thử của Matxcơva đối với tân chính quyền Mỹ. Một số ý kiến cho rằng việc duy trì nguyên trạng vùng Donbass như 7 năm qua có lợi cho Nga, thay vì tiến hành một cuộc chiến như năm 2008 bởi tình hình quốc tế đang bất lợi cho Matxcơva.
Căng thẳng Nga - Ukraine hiện nay xuất phát từ việc Kiev và các nước phương Tây cáo buộc lực lượng ly khai Donbass được quân đội Nga vũ trang, lãnh đạo, tài trợ và hỗ trợ. Matxcơva luôn phủ nhận cáo buộc này. Chiến sự giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai vùng Donbass bùng nổ vào năm 2014, cùng năm Nga sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc lật đổ chính phủ của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych. |
Theo Tuổi trẻ