Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moskva ủng hộ bắt đầu cuộc đối thoại quốc gia toàn diện với sự tham dự của tất cả các đảng phái chính trị, sắc tộc và các nhóm tôn giáo ở Àghanistan.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (giữa) cùng đại diện Chính phủ Afghanistan và đại diện Taliban trước cuộc đàm phán về hoà bình của quốc gia Tây Nam Á, tại Moskva ngày 9.11.2018
Ngày 17.8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moskva ủng hộ một cuộc đối thoại toàn diện tại Afghanistan trong bối cảnh lực lượng Taliban được cho là đang thành lập một chính phủ mới sau khi giành quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ của quốc gia này, trong đó có thủ đô Kabul.
Kênh truyền hình nhà nước Nga dẫn phát biểu của ông Lavrov cho biết Moskva ủng hộ bắt đầu cuộc đối thoại quốc gia toàn diện với sự tham dự của tất cả các đảng phái chính trị, sắc tộc và các nhóm tôn giáo ở quốc gia này.
Trong khi đó, hãng tin Sputnik đưa tin Ngoại trưởng Sergey Lavrov khẳng định nước này ủng hộ lời kêu gọi của cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai về việc bắt đầu một cuộc đối thoại toàn diện, coi đây là biện pháp duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Phát biểu tại Đại học liên bang Immanuel Kant Baltic, ông Lavrov cho biết Nga ủng hộ bắt đầu cuộc đối thoại với sự tham gia của người Uzbekistan, Hazaras, Tajiks và các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo khác và coi đây là lựa chọn duy nhất.
Nga cũng hoan nghênh dấu hiệu tích cực khi tại Kabul, Taliban đã đưa ra những lời đảm bảo đầu tiên và thể hiện tinh thần sẵn sàng tôn trọng ý kiến của các bên khác.
Ngoại trưởng Lavrov đặc biệt hoan nghênh việc Taliban thể hiện sẵn sàng thảo luận về một chính phủ không chỉ có lực lượng này mà còn có cả sự tham gia của các đại diện khác.
Trước đó, ngày 16.8, Nga thông báo sẽ không vội vàng đưa ra quyết định về việc có công nhận chính phủ do Taliban thành lập hay không.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, quyết định này sẽ được đưa ra dựa trên đánh giá về việc ban điều hành mới sẽ thể hiện trách nhiệm ra sao.
Ông Lavrov cũng khẳng định Nga không liên lạc với các nhóm khủng bố ở Afghanistan, như al-Qaeda, tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng, tuy nhiên lực lượng Taliban có một văn phòng chính trị được công nhận.
Trong những năm gần đây, Nga từng tiếp đón các đại diện của Taliban đến thăm Moskva một vài lần.
Hiện Nga cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại Afghanistan có ảnh hưởng đến các quốc gia Trung Á thuộc Liên bang Xô Viết cũ hay không. Nga vẫn duy trì các căn cứ quân sự tại một số quốc gia Trung Á có biên giới với Afghanistan.
Hiện cộng đồng quốc tế vẫn đang theo dõi sát sao tình hình tại Afghanistan. Phát biểu sau cuộc họp với đại diện văn phòng chính trị Taliban ở Doha, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã kêu gọi Taliban đảm bảo người dân Afghanistan được bảo vệ.
Bộ Ngoại giao Qatar cho biết tại cuộc gặp, 2 bên đã đánh giá các diễn biến an ninh và chính trị mới nhất tại Afghanistan, nhấn mạnh mục tiêu bảo vệ người dân, tăng cường các nỗ lực cần thiết để hòa giải dân tộc, hướng đến một giải pháp ổn định chính trị toàn diện và chuyển giao quyền lực trong hòa bình.
Qatar đóng vai trò trung gian tổ chức các cuộc họp trực tiếp và trực tuyến giữa Taliban và chính quyền Kabul trong nhiều tháng qua nhằm tìm kiếm thỏa thuận hòa bình Afghanistan thông qua đối thoại. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa mang lại kết quả, Taliban đã tiến vào thủ đô Kabul.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide ngày 17.8 khẳng định nước này sẽ phối hợp chặt chẽ với đồng minh quân sự Mỹ trong phản ứng về tình hình tại quốc gia Tây Nam Á.
Phát biểu với các phóng viên tại cuộc họp báo ở Tokyo, ông Suga cũng cho biết Nhật Bản ưu tiên đảm bảo an toàn cho người dân nước này ở Afghanistan.
Theo TTXVN