Trong bối cảnh tình hình tại tỉnh Idlib ở Tây Bắc Syria leo thang nghiêm trọng, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí về một lệnh ngừng bắn tại tỉnh này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan
Sau những mâu thuẫn cùng cảnh báo đanh thép liên quan đến vấn đề Syria, động thái này của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể giúp tình hình trên thực địa dịu bớt.
Điểm nóng Idlib
Có thể thấy giải phóng TP Idlib có ý nghĩa chiến lược đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad vì đây được xem là thành trì cuối cùng lực lượng khủng bố và phe đối lập ở Syria.
Trên thực thế, từ năm 2015, được không quân Nga yểm trợ chính quyền Tổng thống Syria Assad đã tiến hành thành công chiến dịch tấn công quân sự nhằm vào lực lượng khủng bố và đối lập trên cả nước, giành lại lãnh thổ và củng cố quyền lực. Tàn quân khủng bố và các nhóm phiến quân chạy đã phải chạy về tỉnh Idlib.
Hiện nay, Idlib do một loạt các nhóm đối lập kiểm soát, song mạnh nhất là tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS), vốn là một phe lớn tách ra từ chi nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda tại Syria năm 2017, cùng Mặt trận giải phóng quốc gia (NLF), một liên minh được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Giành lại Idlib và loại bỏ tất cả các phe nhóm đối lập vũ trang ở tỉnh này sẽ cho phép Tổng thống Assad tuyên bố chiến thắng và chấm dứt cuộc xung đột tại Syria.
Tuy nhiên, tình hình Idlib trở nên bất ổn vào năm 2019 khi Chính phủ Syria phát động chiến dịch tấn công các lực lượng chống đối nhằm giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ.
Căng thẳng leo thang khi Thổ Nhĩ Kỳ phản đối mạnh mẽ chiến dịch, yêu cầu quân đội Syria rút khỏi các vị trí như thỏa thuận Sochi ký kết tháng 9.2018 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về thiết lập khu phi quân sự tại tỉnh Idlib. Còn Nga và Syria cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện nghĩa vụ tách những tay súng khủng bố khỏi lực lượng phiến quân đối lập ở Idlib theo thỏa thuận Sochi và tiếp tục cung cấp vũ khí cho những kẻ này tấn công quân đội Syria.
Tình hình tại Idlib gần đây leo thang nghiêm trọng giữa các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đồng thời dấy lên nguy cơ xảy ra đụng đột toàn diện giữa cả hai bên khi Thổ Nhĩ Kỳ nối lại chiến dịch quân sự chống quân đội chính quyền Syria được Nga ủng hộ tại đây.
Ngày 1.3 vừa qua, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ hai máy bay của các lực lượng Chính phủ Syria tại Idlib và không kích một sân bay quân sự ở bên ngoài khu vực tiền tuyến khiến 19 binh sĩ Syria thiệt mạng. Ankara gia tăng các hoạt động quân sự sau khi hàng chục binh sĩ nước này bị thiệt mạng trong các vụ không kích vào tuần trước mà Ankara quy trách nhiệm cho Damascus.
Giao tranh đẫm máu giữa lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội chính phủ Syria tại Idlib đã khiến gần 1 triệu dân thường phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng gây ra nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo và di cư.
Phép thử quan hệ
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, hoạt động của nước này ở Syria lại nhằm vào các mục tiêu gồm chống các tay súng người Kurd nhằm ngăn chặn việc thành lập một khu tự trị của người ở miền Bắc Syria, hỗ trợ các nhóm Hồi giáo thánh chiến để thông qua lực lượng này buộc Tổng thống Assad phải ra đi và thành lập một "chính phủ Hồi giáo" ở Syria, đồng thời duy trì quyền lực suốt 18 năm qua ở Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh tình hình trong nước không thuận lợi do suy thoái kinh tế, bất ổn an ninh và đấu đá phe phái.
Cuộc chiến ở Syria có thể “đánh lạc hướng” những chỉ trích nhằm vào Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ở trong nước và bảo đảm sự ủng hộ đối với đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền.
Về phía Nga, chiến lược của Moskva ở Syria là ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad cho đến khi giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ. Syria là đồng minh chủ chốt của Nga ở khu vực Trung Đông, Nga có căn cứ quân sự trên lãnh thổ Syria và cũng đã đầu tư các nguồn lực lớn để hỗ trợ Damascus. Việc hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Assad đồng nghĩa với bảo vệ lợi ích của Nga ở Syria và Trung Đông, cũng như giúp Moskva củng cố ảnh hưởng trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, có thể nói điểm nóng Idlib được coi là phép thử đối với quan hệ Nga-Thổ cũng như Nga-Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy đẩy mạnh tấn công trên thực địa song Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết tâm tránh xung đột trực tiếp với Nga, vốn có mối quan hệ chặt chẽ với Ankara về thương mại và quốc phòng.
Dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi chính sách đối ngoại gần gũi với Nga để làm đòn bẩy đối trọng với Mỹ và châu Âu, đồng thời bổ sung lợi ích. Bằng chứng là Thổ Nhĩ Kỳ vừa mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 hiện đại của Nga, bất chấp phản ứng của Mỹ; hai nước cũng vừa khánh thành tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” mà phương Tây phản đối...
Hợp tác Nga-Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria lâu nay mang tính thực dụng cao. Ankara tham gia vòng đàm phán Astana với Nga và Iran năm 2017 để có tiếng nói trong quá trình tìm kiếm giải pháp cuối cùng chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria.
Dù các mối quan hệ mong manh ngay từ đầu, song Syria, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã rất thận trọng trên bàn ngoại giao và thiết lập sự hợp tác đủ mạnh để cân bằng quyền lực với sự can dự của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, tại Syria nói riêng, và khu vực Trung Đông nói chung.
Việc Nga chấp thuận thỏa thuận Sochi năm 2018 để hoãn vô thời hạn chiến dịch tấn công của quân đội Syria ở Idlib có thể xuất phát từ thực tế rằng khi đó Moskva không muốn Thổ Nhĩ Kỳ tách rời định dạng Astana. Đối với Nga, điều quan trọng là duy trì quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ về thương mại-kinh tế, mà còn là sự hợp lực chính trị và quân sự trong các vấn đề khu vực. Song từ thời điểm đó, tình hình đã có nhiều thay đổi khi Nga có tầm ảnh hưởng và vai trò nổi trội trong vấn đề Syria.
Có thể thấy Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang ở giai đoạn “đồng sàng dị mộng” tại Idlib vì thế xung đột lợi ích giữa các nước này ở Syria là điều khó tránh khỏi. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ các nước này có thể chấp nhận nhượng bộ vì những lợi ích lớn hơn hay không.
Nhượng bộ vì lợi ích chung
Trong một động thái nhượng bộ vì lợi ích chung, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Nga Putin đã thực hiện cuộc gặp trực tiếp đầu tiên ở thủ đô Moskva vào ngày 5.3 thảo luận về việc giảm căng thẳng tại tỉnh Idlib của Syria.
Sau 6 tiếng đàm phán tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã nhất trí về một văn kiện chung nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Syria. Theo đó, một lệnh ngừng bắn tại tỉnh Idlib ở Tây Bắc Syria, sẽ được thực thi từ 0 giờ 1 ngày 6.3. Cụ thể, văn kiện vừa đạt được bao gồm 3 nội dung chính: Một là chấm dứt mọi hoạt động giao tranh dọc theo đường phân định hiện có bắt đầu từ rạng sáng ngày 6.3; Hai là, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo ra một hành lang an toàn trải dài 6 km về phía Bắc và phía Nam của đường cao tốc M-4 tại Syria; Ba là, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tuần tra chung dọc theo đường cao tốc M-4 từ ngày 15.3. Ngoài ra, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ còn nhất trí tạo điều kiện cho người tị nạn trở lại miền Bắc Syria và cho rằng không sử dụng giải pháp quân sự cho cuộc xung đột tại Syria.
Tổng thống Putin cho biết các cuộc đàm phán diễn ra “không hề đơn giản” nhưng đã kết thúc một cách tích cực. Trước đó, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh rằng tình hình ở Idlib đang trở nên tồi tệ, buộc ông phải có cuộc gặp và trao đổi trực tiếp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh “những bước đi tiếp theo” sẽ được các bên thống nhất sau khi lệnh ngừng bắn được thực hiện. Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara vẫn bảo lưu quyền đáp trả các hành động của lực lượng Chính phủ Syria, song sẽ tham vấn với Nga. Ngoài ra, sau khi thống nhất với Moskva, Ankara cũng đã điều thêm quân đến các trạm quan sát ở Idlib để giám sát lệnh ngừng bắn.
Sau khi lệnh ngừng bắn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết tình hình “tương đối” yên tĩnh ở khu vực Idlib. Theo SOHR, các cuộc không kích của Nga và Syria đã chấm dứt, song vẫn còn “hoạt động nã pháo… do Chính phủ Syria thực hiện nhằm vào những vị trí của các nhóm phiến quân” ở các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng thánh chiến tại Aleppo và Hama giáp với tỉnh Idlib.
Thỏa thuận ngừng bắn tại tỉnh Idlib của Syria vừa đạt được giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy nỗ lực hóa giải xung đột giữa hai nước vì lợi ích chung. Cộng đồng quốc tế hy vọng thỏa thuận hòa bình này sẽ dẫn tới việc ngừng thù địch ngay lập tức và kéo dài để bảo vệ dân thường ở Tây Bắc Syria vốn đã phải chịu nhiều thương đau.
Theo TTXVN