Nga, phương Tây nỗ lực tìm kiếm lối thoát ngoại giao cho khủng hoảng Ukraine cùng với thông tin tích cực về kinh tế Mỹ là hai chủ đề thế giới nổi bật trong tuần qua.
Thêm hy vọng về giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine
Ngày 28/1, Tổng thống Ukraine Volodymry Zelenskiy nhấn mạnh cần đẩy mạnh các cuộc đàm phán quốc tế nhằm giảm leo thang căng thẳng ở khu vực biên giới giữa Ukraine và Nga. Phát biểu sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Zelenskiy nêu rõ các bên cần gặp gỡ và đàm phán bất cứ khi nào có thể. Ông cho biết thêm đã nhất trí với nhà lãnh đạo Pháp nhằm bắt kịp tiến độ các cuộc đàm phán.
Cùng ngày, ông Macron cũng có cuộc điện đàm với đồng cấp Nga Vladimir Putin. Hai bên nhất trí cần xuống thang căng thẳng trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Một phụ tá của ông Macron cho biết Tổng thống Putin trong trao đổi đã nói rằng Nga không có kế hoạch tấn công nhằm vào Ukraine, không chủ động đối đầu. Cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết Thủ tướng Boris Johnson sẽ tăng cường các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine với việc đến thăm khu vực này trong tuần tới và sẽ điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề này. Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng Anh không công bố thời gian và địa điểm cụ thể của chuyến thăm dự kiến.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 28/1 cho rằng một cuộc xung đột với Nga không phải là điều "không thể tránh khỏi" và khẳng định vẫn còn "không gian và thời gian" cho các nỗ lực ngoại giao. Ông Austin nói rằng đến thời điểm này Mỹ mới chỉ đặt quân đội vào tình trạng báo động cao chứ chưa hề có bất kỳ sự điều chuyển lực lượng cụ thể nào để phản ứng với cuộc khủng hoảng xoay quanh Ukraine.
Tiến trình đàm phán 4 bên về Ukraine cũng đã được nối lại sau thời gian dài gián đoạn. Trong tuyên bố chung sau cuộc đàm phán theo thể thức Normandy tại Paris (Pháp) ngày 26.1, các đại diện chính trị của Nga, Ukraine, Pháp và Đức tái khẳng định cam kết duy trì thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine. Thông cáo chung nhấn mạnh các bên ủng hộ việc tuân thủ vô điều kiện lệnh ngừng bắn, bất chấp những bất đồng trong các vấn đề liên quan đến thực thi thỏa thuận Minsk.
Đại diện của Nga, Phó Chánh Văn phòng Điện Kremlin, ông Dmitry Kozak cho biết cuộc đàm phán theo thể thức Normandy diễn ra khá khó khăn, nhưng thẳng thắn. Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống - ông Andriy Yermak cũng xác nhận vòng đàm phán tiếp theo của các đại diện chính trị theo thể thức Normandy sẽ được tổ chức ở thủ đô Berlin trong 2 tuần nữa, đồng thời bày tỏ tin tưởng tại cuộc họp này các bên sẽ đưa ra những sáng kiến thúc đẩy tiến trình hòa bình.
Cũng trong ngày 26.1, Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan đã đưa ra phản hồi của cả Mỹ và NATO về dự thảo hiệp ước song phương của Nga được công bố hôm 17.12. Moskva đề xuất 8 điểm trong dự thảo và mong đợi câu trả lời chi tiết cho từng điểm. Nổi bật là yêu cầu ngừng mở rộng NATO sang phía đông; cam kết không bao giờ kết nạp Ukraine và Gruzia.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố phản hồi của Mỹ đối với các yêu cầu an ninh của Moskva mang lại hy vọng để bắt đầu các cuộc đối thoại nghiêm túc, song chỉ liên quan đến các vấn đề thứ yếu, không phải vấn đề căn bản. Tổng thống Putin sẽ quyết định các bước đi tiếp theo của Moskva sau khi Mỹ và NATO trao cho Nga văn bản phản hồi về các đề xuất đảm bảo an ninh.
Kinh tế Mỹ năm 2021 tăng trưởng mạnh nhất trong gần 40 năm
Kinh tế Mỹ đã bật tăng trở lại với mức tăng trưởng cao trong năm 2021, đánh dấu sự phục hồi ấn tượng sau một năm 2020 suy giảm. Theo thông báo của Bộ Thương mại Mỹ ngày 27/1, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng 5,7% trong năm 2021 và là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 1984. Điều này đánh dấu sự phục hồi ấn tượng vì chỉ một năm trước đó, kinh tế Mỹ suy giảm 3,4%, mức giảm sâu nhất trong 74 năm.
Đáng chú ý, kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,9% trong quý 4 năm 2021 dù đã bị cản trở do tác động của đợt bùng phát mạnh dịch COVID-19 do biến thể Omicron. Mức tăng này vượt xa dự báo của giới chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó, cho rằng GDP của Mỹ trong quý cuối cùng năm 2021 chỉ tăng khoảng từ 3,4%. GDP Mỹ tăng trưởng 2,3% trong quý 3 năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể xem đây là một thành tích nổi bật của Tổng thống Joe Biden sau một năm nắm quyền tại Nhà Trắng. "Số liệu GDP trong năm đầu nhiệm kỳ của tôi cho thấy chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế Mỹ cho thế kỷ 21, với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất gần 4 thập kỷ và tăng trưởng việc làm tốt nhất lịch sử. Đây cũng là lần đầu tiên trong 20 năm, kinh tế Mỹ đi nhanh hơn Trung Quốc", ông Biden khẳng định. GDP quý 4 năm 2021 của Trung Quốc tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, bức tranh tổng thể của kinh tế Mỹ không phải chỉ toàn màu hồng. Lạm phát đang là nỗi lo thực sự với người tiêu dùng Mỹ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong quý 4 năm 2021 tăng 6,5%, cao nhất trong 40 năm. Tính chung cả năm 2021, kinh tế Mỹ ghi nhận tỉ lệ lạm phát 3,9%.
Kinh tế tăng trưởng mạnh, thị trường lao động khởi sắc, nhưng lạm phát lại vượt xa mục tiêu 2% đề ra trước đó. Đây là những lý do để Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị bắt tay vào chu trình tăng lãi suất trong năm 2022, với chuyển hướng ưu tiên sang kiềm chế lạm phát. Phát biểu ngày 26/1 sau cuộc họp chính sách, Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng nền kinh tế Mỹ hiện không cần hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ ở mức cao nữa và vì vậy có đủ cơ sở để nâng lãi suất.
Dự kiến FED sẽ đưa ra quyết định về vòng tăng lãi suất đầu tiên vào tháng 3 tới. Giới phân tích nhận định FED sẽ tăng lãi suất 4-5 lần năm nay, bắt đầu giảm quy mô bảng cân đối từ mùa hè hoặc đầu thu. Mức tăng mỗi lần có thể là 25 điểm cơ bản hoặc 50 điểm cơ bản và mức lãi suất sẽ không vượt quá 2% vào cuối thời điểm năm 2022.
Theo Báo Tin tức