Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin nhấn mạnh rằng các thông tin cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có kế hoạch chính thức tuyên chiến với Ukraine và huy động toàn bộ lực lượng vào ngày 9.5 là không đúng sự thật.
Các binh sĩ diễu hành trong cuộc diễn tập cho lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng ở Moskva
Đầu tuần này, các quan chức Mỹ và phương Tây giấu tên nói với CNN rằng ông Putin sẽ đưa ra thông báo trên vào ngày 9.5 - khi Nga kỷ niệm Ngày Chiến thắng, sự kiện đánh bại Đức Quốc xã được tổ chức hàng năm.
Ông Vyacheslav Volodin đã bác bỏ thông tin trên lúc trả lời đài phát thanh Komsomolskaya Pravda khi được hỏi về khả năng này.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng đã coi các thông tin này là dối trá và vô nghĩa, nói rằng cần phớt lờ những đề xuất như vậy. Ông nhấn mạnh rằng khả năng thông báo huy động toàn bộ lực lượng ở Nga là không tồn tại.
Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Duma Quốc gia Nga Yury Shvydkin khẳng định rằng không có cơ sở nào để công bố biện pháp như vậy ở Nga hiện tại và sẽ không có biện pháp nào trong tương lai.
Ông nói: “Những tin đồn dựa trên các nguồn tin nước ngoài đang được lan truyền với mục đích gây hoang mang và hoảng sợ trong dân chúng.
Trong khi đó, theo hãng tin TASS, Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine vì điều này không phù hợp với nhiệm vụ của chiến dịch quân sự đặc biệt. Đây là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexei Zaisev trong cuộc họp báo ngày 6.5.
Ông Zaisev nêu rõ trường hợp sử dụng vũ khí hạt nhân được ghi rõ trong học thuyết quân sự của Nga và vũ khí hạt nhân sẽ không được sử dụng trong việc thực hiện nhiệm vụ đặt ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ông Zaisev khẳng định Nga giữ vững nguyên tắc, theo đó trong chiến tranh hạt nhân sẽ không có bên chiến thắng vì vậy không được phép khơi mào chiến tranh hạt nhân.
Tuy nhiên, ông Zaisev nhấn mạnh Nga cần phải sẵn sàng với mọi diễn biến tình hình trong không gian truyền thông cũng như trên thực địa.
Ông nhấn mạnh đại diện Nga nhiều lần đưa ra bình luận đầy đủ về vấn đề vũ khí hạt nhân. Trong đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng nhấn mạnh cần tuân thủ chặt chẽ sự nhất trí đã đạt được giữa các nước về việc không được phép để xảy ra chiến tranh hạt nhân, cũng như xung đột vũ trang giữa các cường quốc hạt nhân để tránh nguy cơ leo thang thành chiến tranh hạt nhân.
Nga đã đưa quân vào Ukraine sau khi nước này không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk được ký kết vào năm 2014. Nga đã công nhận độc lập của các nước cộng hòa tự xưng ở Donbass là Donetsk và Lugansk.
Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố mình là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập NATO. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa bằng vũ lực.
Trong diễn biến liên quan, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 5.5 đã kêu gọi chấm dứt xung đột ở Ukraine. Ông Guterres đưa ra lời kêu gọi này khi phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ về tình hình Ukraine, trong đó ông thông báo ngắn gọn về các hoạt động ngoại giao con thoi của ông hồi tuần trước tại Nga và Ukraine.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng liên tục có các cuộc điện đàm riêng rẽ với lãnh đạo các nước về xung đột tại Ukraine.
Theo báo Tin tức