Làng Thượng Cốc xưa (nay là 3 thôn Bình Đê, Cao Lý và Gia Bùi) của xã Gia Khánh (Gia Lộc) là một trong số ít nơi còn lưu giữ được những nét đẹp của làng cổ.
Miếu Chợ Cốc được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1991
Đây là điểm đến thú vị cho những người muốn tìm hiểu về nét văn hóa truyền thống đặc trưng xưa của làng quê đồng bằng Bắc Bộ.
Nhiều công trình kiến trúc độc đáo
Chị Hà Thị Thúy Hồng, cán bộ văn hóa - xã hội xã Gia Khánh cho rằng để hiểu hơn những nét văn hóa cổ truyền của Thượng Cốc xưa phải hỏi những bậc cao tuổi của làng như cụ Lê Văn Quyên, năm nay 95 tuổi. Qua lời kể của cụ Quyên, những nét đẹp của Thượng Cốc xưa dần hiện về như những thước phim tua ngược với cây đa, giếng nước, sân đình... Làng nổi tiếng với nhiều công trình kiến trúc độc đáo có một không hai ở xứ Đông như văn chỉ, cầu đá, giếng làng, đình, đền, nhà cổ…
Dù đi xa sinh sống nhưng những người từng một thời gắn bó với làng quê Thượng Cốc đều không quên được những công trình gắn với truyền thống văn hóa quê hương. Ông Nguyễn Văn Mẫn, Việt kiều ở Đức về quê ăn Tết dịp này cho biết hơn chục năm qua mới trở về nhưng vẫn có thể tìm thấy tuổi thơ khi đến thăm giếng Ông hay giếng Bà. “Ngày nay không còn cảnh người dân sáng sớm ra gánh nước như trước, nhưng đến đây tôi vẫn cảm nhận được không khí của những ngày xưa cũ”, ông Mẫn nói.
Hiện ở xã Gia Khánh vẫn còn giữ được những công trình kiến trúc như đình làng, miếu cổ với tường rêu phủ kín, mang dáng dấp nét xưa của làng quê Việt. Theo những người dân ở đây thì ngõ ống cũng là đặc trưng của Thượng Cốc xưa, nay vẫn còn dấu tích. Theo cụ Quyên, xa xưa để chống trộm cướp, các cụ làm ngõ sâu và nhỏ. Mỗi đầu ngõ có cổng chung, kín cổng cao tường bên ngoài nhưng bên trong lại đầm ấm tình làng, nghĩa xóm…
Học sinh Trường Tiểu học Gia Khánh tìm hiểu về truyền thống hiếu học của cha ông tại văn chỉ làng Thượng Cốc
Không chỉ có nhiều công trình văn hóa tiêu biểu, Thượng Cốc còn được nhiều người biết đến là làng văn, vật. Ở Thượng Cốc xưa có nhiều quan văn, quan võ, những bậc danh sĩ, hiền tài. Thời Nho học, Thượng Cốc có đến 5 người đỗ đại khoa (tiến sĩ), 46 người đỗ trung khoa (cử nhân, hương cống), 64 người đỗ tiểu khoa (sinh đồ, tú tài) và 137 người đỗ khóa sinh. Còn về đất võ thì kể từ Đô úy Phụ quốc Đại tướng quân Nguyễn Công Nguyên đến hết triều Lê có tới 11 vị giữ chức đại tướng quân. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Thượng Cốc cũng có đến vài chục người có hàm đại tá, thượng tá trong lực lượng vũ trang nhân dân… Sự học của làng Thượng Cốc được ghi danh tại văn chỉ, một di tích lịch sử văn hóa, nơi tôn vinh truyền thống hiếu học và tinh thần tôn sư trọng đạo của người dân Thượng Cốc xưa được dựng gần miếu Chợ Cốc…
Ông Nguyễn Văn Hiền, người dân thôn Gia Bùi nhớ lại: "Thuở xưa Thượng Cốc yên bình, đẹp đẽ, hiếm nơi nào có được. Trải qua thời gian, dù nhiều công trình không còn giữ được nguyên vẹn nhưng những dấu tích của làng cổ vẫn còn, gợi nhớ cho chúng tôi biết bao kỷ niệm".
Những nét đẹp văn hóa của làng cổ Thượng Cốc xưa, Gia Khánh nay không phải ngẫu nhiên được nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quốc Văn dành gần chục năm để khảo cứu và biên soạn thành cuốn sách “Đất và người làng Thượng Cốc xứ Đông”, công trình vừa đoạt giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn - Hải Dương lần thứ VIII.
Ở xã Gia Khánh ngày nay vẫn còn lưu giữ được các giếng cổ có niên đại hàng trăm năm
Gìn giữ
Cô giáo Nguyễn Thị San, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Gia Khánh cho biết không phải đi đâu xa, ngay ở quê hương cũng có rất nhiều di tích lịch sử, truyền thống văn hóa, nét đẹp của cha ông xưa còn lưu giữ để giới thiệu cho các em học sinh. Nhà trường thường xuyên đưa các em đến thăm văn chỉ - nơi ghi dấu truyền thống hiếu học của địa phương.
Thừa nhận có rất nhiều di tích lịch sử hay những công trình văn hóa độc đáo của Thượng Cốc đã bị mai một, chị Hà Thị Thúy Hồng cho biết trong quá trình xây dựng nông thôn mới xã cũng đã quan tâm bảo tồn di tích, những nét đẹp văn hóa truyền thống như cổng làng, đình, lăng, miếu, giếng cổ và những nét văn hóa dân gian như hát cửa đình, hát tế thần, hát đúm, ca trù. Nhưng do đời sống thay đổi, một số công trình kiến trúc cổ không còn. Một số công trình còn giữ lại đến nay cũng đang trong tình trạng xuống cấp cần được quan tâm tu bổ, cải tạo. “Chẳng hạn như miếu Chợ Cốc là di tích quốc gia nhưng đang bị xuống cấp. Toàn bộ phần cấu kiện gỗ đã biến dạng, mối mọt. Nhiều cột gỗ đã bị nghiêng, người dân phải dùng móc sắt bắt cột nọ vào kèo kia để giữ. Nhiều họa tiết, hoa văn, tường bị bong tróc, mái ngói xô lệch cứ mưa là dột...”, chị Hồng nói.
Người dân ở xã Gia Khánh mong muốn chính quyền địa phương xây dựng một chương trình bảo vệ những di tích lịch sử, những nét đẹp văn hóa còn lưu giữ được tại địa phương. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể nghiên cứu đầu tư để những di tích lịch sử của Thượng Cốc xưa, Gia Khánh nay có thể trở thành điểm đến cho khách tham quan mỗi lần về với Hải Dương. Đây cũng có thể trở thành nơi để các trường học trong tỉnh đưa học sinh đến tìm hiểu truyền thống hiếu học, cũng như tinh thần thượng võ của cha ông.
HẢI MINH