"Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy", câu thành ngữ được lưu truyền đã bao đời nay phản ánh phong tục đẹp của dân tộc Việt Nam trong những ngày Tết cổ truyền.
"Tết thầy" không chỉ là dịp hỏi thăm sức khỏe người thầy, cô giáo đã có công dạy dỗ...
Trong văn hóa của người Việt, Tết là dịp lễ quan trọng và thiêng liêng nhất trong năm, là khoảng thời gian để cả gia đình trở về quây quần, sum vầy bên nhau, cùng nhau gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa, mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Và đây cũng là dịp để mỗi người có cơ hội bày tỏ sự hiếu nghĩa với những người đặc biệt quan trọng trong đời.
Do đó, “mùng 1 tết cha” có nghĩa là sáng mùng 1 Tết, vợ chồng con cái, anh em ruột thịt sẽ tập trung bên nội để cúng bái gia tiên và chúc tết ông bà, cha mẹ để tỏ lòng thành kính. Sang đến mùng 2 Tết, vợ chồng con cái sẽ “khởi hành” sang thăm hỏi và chúc tết bên nhà ngoại với các nghi thức cũng trang trọng và thành kính như bên nhà nội.
Sang mùng 3, người Việt thường dành riêng để đi tết thầy giáo. Thầy ở đây cũng không bó hẹp trong phạm vi thầy giáo dạy chữ mà cả những người thầy dạy nghề như nghề mộc, nghề may, nghề bốc thuốc hay thầy dạy các bộ môn nghệ thuật như đàn, hát, vẽ, múa...
Có thể thầy mở lớp dạy học tại nhà, cũng có thể một gia đình khá giả mời thầy tới nhà, nuôi thầy dạy con ăn học, xóm làng xung quanh gửi con đến thụ giáo, không phải nộp học phí, chỉ ngày lễ, Tết, cha mẹ học trò mới tới cảm ơn thầy.
Giàu có thì thúng gạo nếp, con gà, bộ quần áo, nghèo thì cơi trầu, be rượu… Vật chất tuy không nhiều nhưng sự trọng thị, tri ân thì thật là cung kính.
Đặc biệt, vào mùng 3 Tết, các trò dù ở độ tuổi nào, địa vị ra sao, đều cố gắng tụ tập ở nhà trưởng tràng (người đứng đầu một nhóm học trò), cùng các bạn đồng môn tới thăm hỏi và chúc tết thầy cùng gia đình.
Đây vừa là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy đã dạy dỗ, vừa là thời điểm để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chúc nhau gặp nhiều điều may mắn trong những ngày Tết đến, xuân về. Mùng 3 tết thầy trôi qua trong bầu không khí đầm ấm tình thầy trò và trở thành nét đẹp truyền thống không thay đổi trong tâm thức của những học trò năm xưa...
Thời nay, “tết thầy” cũng trở nên “đặc biệt”. “Đặc biệt” là thay vì trực tiếp đến chúc tết thầy, cô giáo, học sinh gửi lời chúc thầy cô qua điện thoại hay qua Facebook. Và cũng qua Facebook, thầy cô trở thành người bạn lớn, thậm chí kiêm nhà tư vấn tâm lý chuyện tình cảm của tuổi học trò. Hơn nữa, thầy, cô giáo sẽ hiểu thêm về tính cách, cuộc sống gia đình, bạn bè của học trò.
Xưa hay nay vẫn vậy, với những người thầy, món quà không tỷ lệ thuận với tấm lòng của học trò đối với thầy, dù theo thời gian, hình thức tết thầy xưa và nay đã ít nhiều thay đổi. Nếu ngày xưa trò đến thăm thầy với gói trà, lạng mứt... thì ngày nay món quà tết thầy đã phong phú và đa dạng hơn, song bản chất tốt đẹp của việc tết thầy vẫn không thay đổi vì luôn thể hiện tấm lòng, tình cảm và sự biết ơn của trò đối với thầy, cô giáo.
Dẫu “tết thầy” thời nay có nhiều thay đổi, nhưng trong tâm thức mỗi người Việt, nhớ về người thầy trong những ngày vui tết là truyền thống không bao giờ mất.
KHÁNH BÙI