Đất và người xứ Đông

Nếp làng xưa trong lòng thành phố

THANH HOA 31/01/2024 19:32

Bên cạnh dáng vóc hiện đại, trẻ trung của mình, trong lòng TP Hải Dương vẫn còn nhiều nơi lưu giữ nếp làng với những tục lệ xưa, những công trình lịch sử. Nó như những nốt trầm xao xuyến giữa bản nhạc đời sống đô thị sôi nổi.

00:00

671738fcb4951ecb4784.jpg
Đình Ngọc Uyên nơi thờ hai vị tướng giúp vua Đinh dẹp loạn cũng thành nơi sinh hoạt chung của người dân làng Ngọc Uyên xưa

Làng xưa

Phường Thanh Bình ngày nay được hình thành từ làng Thanh Cương, còn gọi là làng Sượt. Theo thần tích của đền Sượt và gia phả của một số dòng họ, làng Thanh Cương được thành lập từ thế kỷ XIV, dưới triều Trần. Cư dân của làng gồm có 12 dòng họ lớn lấy nghề trồng trọt và chăn nuôi làm nguồn sống chính. Thanh Cương khi ấy được biết đến là vùng giàu có, trù mật với thiết chế văn hóa đình – đền – chùa linh thiêng.

Thời Lê, làng Thanh Cương có 3 giáp gồm Giáp Bắc, Giáp Đông và Giáp Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám, xã Thanh Cương sáp nhập với xã Bình Lâu thành xã Thanh Bình gồm 7 thôn Thanh Cương, Đàm Lộc, Kim Chi, Đức Minh, Kênh Tre, Bình Lâu và Tân Kim. Sau hai lần tách nhập về huyện Cẩm Giàng, đến năm 1969 xã Thanh Bình được nhập về thị xã Hải Dương và năm 1997 được nâng cấp lên thành phường. Làng Thanh Cương xưa được chia thành 3 khu dân cư 1, 2 và 3 của phường Thanh Bình nay.

Phường Ngọc Châu nay cũng được hình thành từ làng Ngọc Uyên xưa. Theo sử sách ghi lại, Ngọc Uyên xưa là dải đất được bồi đắp bởi sông Thái Bình, thấy đất đai màu mỡ, cư dân ở khắp nơi về đây khai hoang, đắp bờ, be đập lập nên trại Dũi. Đến khoảng thế kỷ thứ X, trại Dũi có đông đúc dân cư, đất đai phát triển thành trang có tên gọi mới là Thái Bình. Cư dân từ Nam Định, Thái Bình và các vùng Bình Giang, Thanh Miện… cũng di cư về đây sinh sống, xây dựng trang Thái Bình trở thành hương, thôn… Tại thời điểm đó, hương Thái Bình có 8 dòng họ sinh sống. Huyền tích của làng Ngọc Uyên gắn với tên tuổi và chiến công của hai vị thánh Lê Viết Hưng và Lê Viết Quang phò giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân. Sau khi được vua Đinh Tiên Hoàng sắc phong, hai vị thánh được giao nhiệm vụ về quê xây đồn phía đông Thành Phượng. Khi về quê, hai vị thánh cùng nhân dân làm ruộng xây dựng quê hương. Năm 1.000, hai vị tướng mất tại quê, được nhà vua sắc phong thành hoàng làng, cho xây đền thờ và đặt tên vùng đất này là làng Ngọc Uyên.

Nhiều phong tục được lưu truyền

z5100885829086_e2acf967868fc5a5116a9d547444553c(1).jpg
Lễ hội đền - đình - chùa Sượt là ngày hội của cả làng Sượt. Ảnh: Thành Chung

Mặc dù cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay, nhưng nhiều làng xưa ở thành phố vẫn giữ được phong tục truyền thống. Một trong những nét đẹp văn hóa dễ nhận thấy nhất chính là việc lưu giữ lễ hội truyền thống của làng.

Ở làng Sượt, lễ hội truyền thống đền – đình – chùa Sượt cũng chính là ngày lễ trọng của cả làng. Vào những năm tròn, từ ngày 9-11/3 âm lịch, lễ hội được tổ chức trọng thể với nhiều sự lệ, nghi thức được phục dựng theo đúng truyền thống. Từ lễ cáo yết, giã bánh giầy, nấu chè, tế trâu, lễ tắm thần, thả trứng… Một trong những nghi lễ được người dân mong đợi nhất là lễ đuổi bệt (đánh hổ) và lễ rước khắp phường. Tất cả những lễ sự diễn ra trong hội làng đều có tích xưa truyền lại, gắn với thân thế, sự nghiệp của đại vương Vũ Hựu.

Trong hội làng, mỗi họ lớn sẽ chuẩn bị một “ông lợn” sống được trang trí đẹp và rước ra đền làm lễ. “Ở làng Sượt chúng tôi ngày thanh minh chỉ ăn nhỏ trong gia đình, nội tộc còn ngày hội làng 10/3 mới là ngày hội chính. Không chỉ làng có cỗ mà các họ cũng nhân ngày lễ này làm bữa cơm đoàn viên cả họ. Từ người già tới trẻ nhỏ ai cũng mong chờ ngày lễ này để được gặp gỡ, đoàn viên, được tham gia hội làng. Đến ngày nay, tục lệ này vẫn được các dòng họ lưu truyền nên ngày hội làng càng thêm xôm tụ”, ông Hoàng Văn Tứ, Ủy viên Thường trực Ban Quản lý di tích đền-đình-chùa Sượt cho biết.

Làng Ngọc Uyên cũng coi ngày sinh của hai vị tướng là ngày hội làng. Thường hội làng sẽ kéo dài trong 3 ngày từ 15-17 tháng giêng hằng năm. Theo nghi lễ truyền thống, việc tế lễ ở đình sẽ do 5 giáp thực hiện gồm Cựu Đông Hào, Tân Đông Hào, Khang Phụ, Tây Hào và Tây Phú. Các giáp chuẩn bị lễ gồm một “ông lợn”, xôi nén, “ông kê” (gà trống) hoa quả, bánh trái được bày biện đẹp mắt, cho lên giá rước ra đình. Ông Vũ Đình Đương, 86 tuổi, ở khu 15 phường Ngọc Châu đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, tìm tòi về lịch sử vùng đất này. Ông rất mừng vì nhiều nghi lễ truyền thống của hội làng vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay. “Cuộc sống ngày càng phát triển, nhiều nghi lễ trước cũng được sửa đổi cho phù hợp hơn. Như trước ngày lễ phải chuẩn bị cả “ông lợn” nhưng nay chỉ vào những năm tròn mới làm to, còn năm thường các giáp chỉ mang lễ là thủ lợn, mâm xôi là được”, ông Đương nói.

Hội làng cũng là dịp các họ lớn, các xóm cùng nhau tổ chức bữa cơm đoàn viên, gặp gỡ, chia sẻ với nhau những niềm vui trong cuộc sống. “Từ bé tôi đã quen với việc được ăn, được chơi ở hội làng. Đến giờ mỗi khi có hội làng tôi lại cho các con ra đình để các cháu được chứng kiến, được tham gia lễ để thêm hiểu về nguồn cội của mình”, anh Lê Văn Tú, ở khu 7 phường Ngọc Châu nói.

Giữa lòng thành phố, những nếp làng xưa vẫn lưu giữ được nhiều phong tục đẹp làm giàu thêm đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Và điều quan trọng nữa là dù cuộc sống bộn bề, nhịp sống hiện đại, hối hả thì họ vẫn mang theo những phong tục đẹp.

THANH HOA
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nếp làng xưa trong lòng thành phố