Hầu hết các doanh nghiệp vận tải không giảm giá cước sau nhiều lần giá xăng dầu giảm khiến người dân bức xúc...
Cước vận tải chưa giảm khiến người dân vẫn phải chịu thiệt thòi từng ngày
Giá cước vận tải đang "vô cảm" trước việc giá xăng dầu giảm sâu khiến người dân chịu thiệt thòi.
Từ ngày 4-7 đến nay, giá xăng dầu trong nước giảm tổng cộng 5 lần. Giá xăng RON 92 giảm 3.380 đồng/lít (giảm 16,3%), còn 17.338 đồng/lít. Dầu diesel giảm 2.760 đồng/lít (giảm 17,21%), còn 13.310 đồng/lít. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, đến ngày 8-9 vẫn chưa có doanh nghiệp vận tải nào trên địa bàn tỉnh giảm cước.
Một lái xe lâu năm của hãng taxi Hoàng Minh cho biết: "Chúng tôi vẫn chưa giảm giá cước. Như loại xe 4 chỗ ngồi tôi đang lái, cứ chạy 100 km thì hết khoảng 7 lít xăng. Do cạnh tranh rất lớn nên bình quân mỗi xe chỉ chạy được khoảng 100 km/ngày, thu cả vốn và lãi khoảng 1 triệu đồng. Với giá xăng giảm 3.380 đồng/lít, chúng tôi tiết kiệm được hơn 23.000 đồng/ngày. Do lái xe chịu tiền xăng nên việc giá xăng giảm, chúng tôi cũng bớt vất vả hơn".
Theo tính toán của chúng tôi thì đây mới chỉ là chênh lệch giá xăng mà các lái xe taxi nghiễm nhiên bỏ túi từ việc giá xăng giảm, còn các doanh nghiệp taxi vẫn thu lãi từ việc không giảm giá cước cho hành khách.
Hiện các hãng taxi đang áp giá cước 9.000 đồng với 0,5km đầu tiên (giá mở cửa); từ km thứ 0,6 đến km 20, giá 11.700 đồng/km; từ km 21 đến km 100 giá 9.500 đồng/km. Do đó, 100 km đầu tiên, giá cước bình quân gần 10.000 đồng/km. Với việc giá xăng chiếm từ 25 - 35% trong cơ cấu giá cước thì giá xăng giảm 16,3% khiến giá cước phải giảm tương ứng từ 4,1 - 5,7% (tương đương từ 410 - 570 đồng/km). Như vậy, mỗi xe taxi chạy 100km/ngày, các lái xe và chủ hãng bỏ túi từ 41.000 - 57.000 đồng/xe. Theo Phòng Quản lý giá - công sản (Sở Tài chính), trên địa bàn tỉnh hiện có 18 hãng taxi với hơn 1.000 đầu xe. Như vậy, mỗi ngày, các hãng taxi đang "móc túi" người tiêu dùng hàng chục triệu đồng.
Giải thích về việc này, ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Hải Dương cho biết: "Thủ tục làm hồ sơ, thay đổi giá cước phải qua nhiều bước và mất thời gian. Ngoài ra, mỗi lần cài lại giá cước, kiểm định và dán tem lên đồng hồ... cũng tốn kém. Hơn nữa, giá xăng dầu tăng giảm liên tục. Chúng tôi phải chờ đợi thời gian tương đối ổn định mới có thể giảm giá cước". Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết các hãng taxi trên địa bàn tỉnh như Rạng Đông, Thành Đông, Trường Sinh...
Các loại xe chạy dầu diesel như xe khách giường nằm đi đường dài, xe khách liên tỉnh, xe vận tải hàng hóa cũng được hưởng lợi lớn từ giá dầu giảm mạnh.
Anh Phan Văn Hùng (Chí Linh) - người thường xuyên phải đi công tác ở miền Nam bất bình với giá cước vận tải không thay đổi như hiện nay: "Tôi thường đi công tác bằng xe của hãng An Sinh. Tuy nhiên, giá cước vẫn không thay đổi mặc cho giá xăng dầu đã nhiều lần giảm". Anh Trần Quốc Tuấn (Nam Sách) là hành khách lâu năm của một hãng xe tư nhân chạy tuyến Nam Sách - Gia Lâm (Hà Nội) bức xúc: "Lúc giá xăng dầu lên thì chủ xe lập tức tăng giá từ 50.000 đồng lên 60.000 đồng/lượt. Nhưng gần đây, giá xăng dầu xuống mà nhà xe vẫn giữ nguyên giá. Khi thắc mắc thì chủ xe nói còn phải bù các loại phí khác...".
Hành khách đi xe đường dài càng thiệt nặng khi giá vé giữ nguyên
Với việc dầu chiếm từ 35 - 45% trong cơ cấu giá cước thì việc giá dầu giảm 2.760 đồng/lít (giảm 17,21%), giá cước sẽ giảm tương ứng từ 6 - 7,8%. Xe chạy Hải Dương - Hà Nội đang áp giá vé 60.000 đồng/lượt (tương đương 1.000 đồng/km) thì giá vé phải giảm tương ứng từ 6.000 - 7.800 đồng/lượt.
Đối với các xe khách giường nằm chạy đường dài, các doanh nghiệp đang hưởng lợi lớn từ việc không giảm giá cước. Theo đại diện lãnh đạo Công ty CP Vận tải An Sinh, một chuyến chạy Hải Dương - TP Hồ Chí Minh hoặc Hải Dương - Bình Phước, mỗi xe tiêu thụ khoảng 1.000 lít dầu. Như vậy, với giá dầu trước ngày 4-7 là hơn 16.000 đồng/lít, mỗi chuyến chi phí hết hơn 16 triệu đồng. Nay giá dầu giảm, mỗi chuyến chỉ hết 13 triệu đồng, doanh nghiệp nghiễm nhiên lãi khoảng 3 triệu đồng. Trong khi đó, bình quân mỗi ngày Công ty CP Vận tải An Sinh chạy 1 chuyến đi miền Nam thì số tiền mà doanh nghiệp này thu lãi mỗi tháng từ việc không giảm giá cước là con số không nhỏ. Tương tự, các hãng xe Ngọc Hùng - Văn Nhân, Xuân Quỳnh, Khang Kiên... chạy tuyến Bắc-Nam cũng đang thu lợi lớn từ việc giá dầu giảm mạnh.
Không nằm ngoài tình trạng chung, giá cước của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa vẫn "nằm im". Ông Phạm Văn Dũng có xe chuyên vận chuyển hàng hóa thuê tại Quảng trường Thống Nhất (TP Hải Dương) viện lý do: "Giá dầu có giảm nhưng còn nhiều loại phí khác. Tôi cũng muốn giảm giá cước để thu hút khách nhưng không thể giảm được".
Còn đối với các hãng xe buýt, đến thời điểm này vẫn giữ nguyên giá cước.
Theo ông Dương Văn Xuyên, Trưởng Phòng Quản lý giá - công sản (Sở Tài chính), toàn tỉnh hiện có 55 doanh nghiệp kinh doanh vận tải các loại. Tuy nhiên, sau 5 lần giảm giá xăng dầu trong hơn 2 tháng qua, sở mới nhận được hồ sơ của 10 doanh nghiệp đề nghị giảm cước. Sở đã trình UBND tỉnh kế hoạch thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra, rà soát giá cước ở các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn. Tuy nhiên, như các lần trước việc kiểm tra sẽ gặp khó khăn khi nhiều doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn tránh cơ quan chức năng. "Có chế tài xử phạt nhưng đoàn kiểm tra không có thẩm quyền mà chỉ được kiến nghị UBND cấp huyện hoặc UBND tỉnh sau khi phát hiện doanh nghiệp có sai phạm. Sau đó, tùy từng mức độ vi phạm mà UBND cấp huyện hoặc UBND tỉnh mới ra văn bản xử phạt. Do đó, tính răn đe đối với các doanh nghiệp vi phạm không cao", ông Xuyên cho biết thêm.
Để chấn chỉnh giá cước vận tải, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các Sở: Tài chính, Giao thông vận tải yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thực hiện nghiêm việc kê khai lại giá cước sao cho phù hợp với biến động của chi phí xăng dầu và các yếu tố đầu vào nhằm bình ổn giá cả thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Xử phạt hành chính, buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền mà những doanh nghiệp thu lợi do việc lợi dụng cơ chế giá thị trường để định giá bất hợp lý. Cơ quan quản lý nhà nước cùng với các cơ quan thông tin đại chúng thông báo những doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định về giá nhằm hỗ trợ người tiêu dùng lựa chọn các doanh nghiệp phục vụ tốt hơn.
LÊ HƯƠNG