Giới phân tích cho rằng một cuộc xung đột toàn diện có thể khiến nền kinh tế Liban sụp đổ hoàn toàn, giữa lúc quốc gia Trung Đông này vẫn đang chìm trong khủng hoảng kinh tế-tài chính.
Trong những ngày gần đây, các chính phủ cũng như đại sứ quán các quốc gia Arab và phương Tây kêu gọi công dân rời khỏi Liban ngay lập tức do lo ngại xung đột leo thang nguy hiểm.
Nguy cơ xung đột mở rộng ở Trung Đông cũng khiến nhiều hãng hàng không phải tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Liban, với lý do các hoạt động quân sự gây nguy hiểm cho các chuyến bay.
Nỗi lo sợ gia tăng sau các vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của lực lượng Hamas, ông Ismail Haniyeh, ở Tehran (Iran), và chỉ huy quân sự cấp cao của Hezbollah là Fuad Shukr ở Beirut (Liban) vào cuối tháng 7 vừa qua khiến hàng nghìn kiều dân Liban phải rời khỏi đất nước.
Trong khi đó, nhiều du khách nước ngoài cũng vội vã thu dọn hành lý về nước. Cuộc di tản của du khách nước ngoài đã giáng một đòn tàn khốc vào nền kinh tế Liban.
Là nguồn thu chính của quốc gia Trung Đông này, sự ra đi của khách du lịch quốc tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.
Tổng Thư ký Liên đoàn Các hiệp hội du lịch Liban, ông Jean Bayruti cho biết: "Nếu chúng ta hy sinh ngành du lịch trong năm nay, chúng ta sẽ hy sinh cả Liban."
Nền kinh tế Liban, vốn đã rất mong manh và suy yếu sau nhiều năm bất ổn chính trị, hiện đang phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Liban đã tăng trưởng 0,2% trong năm 2023 nhờ lực đẩy của được dòng kiều hối và du lịch. Tuy nhiên, tình hình năm nay đã thay đổi đáng kể.
Đồng nội tệ của Liban đã mất 95% giá trị so với USD kể từ khi nền kinh tế nước này sụp đổ vào năm 2019, với hơn 80% dân số hiện sống dưới mức nghèo khổ.
Nhà kinh tế người Liban Jassem Ajaka cảnh báo cuộc xung đột cường độ thấp ở miền Nam Liban đang làm xói mòn nền kinh tế, đồng thời cho rằng thiệt hại đối với ngành du lịch có thể vượt trên 2 tỷ USD, cùng với sự gián đoạn trong hoạt động nhập khẩu và giao dịch ngân hàng.
Theo ông Ajaka, trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột toàn diện liên quan đến các cuộc tấn công của Israel vào cơ sở hạ tầng yếu kém của Liban, thiệt hại có thể là rất thảm khốc.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Liban có thể thiệt hại tới 24-25%, trong khi các doanh nghiệp và bệnh viện sẽ bị ảnh hưởng và Liban có thể đối mặt tình trạng thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu như lúa mỳ và nhiên liệu.
Tất cả các thị trấn ở miền Nam Liban đã bị xóa sổ bởi các cuộc không kích trả đũa của quân đội Israel, khiến hàng chục nghìn gia đình phải di dời.
Chính phủ Liban hiện có rất ít lựa chọn để tránh thảm họa. Một nhà phân tích người Liban cho rằng điều tốt nhất mà Chính phủ Liban có thể làm được vào thời điểm này là dùng đến kênh ngoại giao với Israel.
Tình hình hiện nay rất khác so với cuộc chiến tranh Israel-Hezbollah năm 2006, có ít tuyến đường an toàn hơn cho những người sơ tán.
Nhiều người dân Liban coi những khu vực có đa số là người theo đạo Thiên chúa, cộng đồng người Druze hoặc người Hồi giáo dòng Sunni là nơi tương đối an toàn, trong khi những khu vực có đa số người Hồi giáo theo dòng Shiite có mối liên hệ chặt chẽ với Hezbollah là nơi không an toàn.
Cảm giác lo sợ ở thủ đô Beirut đang gia tăng, đặc biệt là Dahiyeh, một vùng ngoại ô phía Nam Beirut. Liban hiện đang phải đối mặt với tương lai đầy bất ổn. Cuộc khủng hoảng kinh tế, kết hợp với nguy cơ chiến tranh, khiến nhiều người cảm thấy lo sợ và bất lực.
Ngày 12/8, Thủ tướng Liban, ông Najib Mikati cho biết các cuộc tiếp xúc ngoại giao đang được triển khai theo nhiều hướng, để đảm bảo an ninh lâu dài cho miền Nam nước này.
Theo tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Liban, ông Mikati khẳng định đang tập trung tất cả các cuộc họp và tiếp xúc ngoại giao của mình vào việc thực hiện Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, coi đây là nền tảng để đảm bảo sự ổn định và an ninh ở miền Nam Liban.
Ông nhấn mạnh tất cả các bộ và ban ngành của Liban, đang hợp tác với các tổ chức quốc tế và các tổ chức xã hội có liên quan, sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp và bước đi cần thiết trong khuôn khổ kế hoạch khẩn cấp của Chính phủ, để đối phó với những hoàn cảnh khó khăn và mọi kịch bản có thể xảy ra.
Theo Thủ tướng Mikati, Chính phủ Liban đã ban hành một văn bản từ hai ngày trước, trong đó quy định việc giảm leo thang và dừng các hành động khiêu khích để tránh xung đột toàn diện, thực hiện Nghị quyết 1701, đồng thời nhấn mạnh hợp tác với cộng đồng quốc tế để tăng cường năng lực cho quân đội Liban và hỗ trợ các nhiệm vụ của Lực lượng Liên hợp quốc tại miền Nam nhằm bảo đảm an ninh và ổn định.
TB (theo TTXVN)