Gọi đến cuộc thứ năm không thấy anh nghe máy, chị sốt ruột nhắn tin: "Chú Tình đã nhập viện, khoảng 1 tiếng nữa vào phòng mổ.
Anh gọi cho Huấn xem thế nào?". Một lát sau tiếng tít tít vang lên, chị mở máy: "Đang trực nhé".
Đây không phải là lần đầu tiên anh "án binh bất động" khi người thân, bạn bè có bệnh phải nhập viện. Mới hồi giữa năm ngoái, khi mẹ anh phải lên mổ ở Bệnh viện Mắt Trung ương, rõ ràng anh có bạn học làm ở đó, nhưng anh cũng viện cớ này cớ nọ để không nhờ vả gì. Chả hiểu trời xui đất khiến thế nào, sau khi mổ, mẹ anh lại được chuyển về nằm điều trị tại khoa mà bạn anh làm và người bạn đó chính là bác sĩ phụ trách phòng bệnh. Khi tình cờ gặp anh vào thăm mẹ, người bạn đó đã trách anh quá khách sáo, bạn cùng phòng ký túc xá với nhau bao năm mà có mẹ nằm viện họ lại không giúp được gì. Tất nhiên sau đó mọi quy trình thăm khám, cho thuốc vẫn phải theo đúng quy định của bệnh viện, nhưng sự quan tâm ân cần, thường xuyên thăm hỏi của người bạn cũng giúp mẹ anh và những người thân trong gia đình đỡ lo.
Cách đây hai tháng, bác Trần - một người bác họ phải nhập viện cấp cứu vì tai biến mạch máu não, các con của bác gọi liên tục vào số máy của anh để cầu cứu. Nhưng anh cũng viện cớ đang bận trực nên tảng lờ không nghe máy. Mãi đến khi mọi thủ tục nhập viện xong xuôi, bệnh tình của ông bác đã ổn anh mới xuất hiện. Sau lần ấy, các con của bác Trần giận ra mặt.
Mẹ anh, rồi cả chị đã nhiều lần lựa lời nói với anh, rằng nếu không có quan hệ thân quen gì mà có bệnh rồi cũng nhập viện, cũng được điều trị cả thôi. Nhưng chả gì bằng có người thân, người quen làm trong viện. Với chuyên môn của mình, anh có thể tư vấn trực tiếp cho người nhà về bệnh tình giúp họ yên tâm hơn. Nhưng anh lại luôn ngại nhờ vả người này người kia. Bởi anh cũng rất hiếm khi giúp đỡ khi ai đó có lời nhờ. Chị không thể hiểu nổi anh đang nghĩ gì nữa. Người ngoài đã đành, nhưng còn những người ruột thịt mà anh cũng cư xử chẳng khác nào người dưng.
Huấn - con trai ông chú có vẻ cũng chán không buồn gọi cho anh nữa. Nó đang đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, Tết này được ông chủ ưu ái cho về thăm nhà. Ngày mai là bay sang bên đó mà tối nay lại xảy ra chuyện. Ca mổ của chú Tình phải thành công thì Huấn mới yên tâm mà bay được. Từ sáng Huấn đã liên tục gọi cho anh mà không thấy anh nghe máy, cũng không thấy anh gọi lại. Rồi chắc câu chuyện xảy ra với nhà bác họ hôm trước cũng đến tai nó nên chị biết Huấn đã nhìn anh khác đi.
Cũng may ông bác sĩ trưởng khoa lại là chỗ quen biết với đằng nhà chồng của cô Hằng, em gái anh nên Hằng đã nhờ được đích thân vị bác sĩ này mổ cho chú Tình. Lúc chú vào phòng mổ, anh em con cháu tụ tập tới gần hai chục người, nhà nào cũng ít nhất 2-3 người có mặt. Chú Huỳnh, người anh chú Tình từ Thanh Hóa cũng bắt xe ra. Ai cũng bảo dù sự có mặt của họ chẳng giúp được gì nhưng những lúc như thế này sự động viên về mặt tinh thần là vô giá.
Ca mổ của chú Tình thành công. Đúng như chị dự đoán, sau khi sự việc xong xuôi, mấy ngày sau đó anh đều đến thăm nom chú, ra chiều quan tâm lắm. Thậm chí anh còn nhận trực đêm trông chú thay cho thím và các em. Anh bảo: "Cháu là bác sĩ cơ mà, trực quen rồi. Thím và các em cứ nghỉ giữ sức để ban ngày trông". Tất nhiên là cũng chỉ được một đêm rồi anh lại lấy cớ phải đi trực...
Hôm nay, chú Tình đã được ra viện. Cùng thím làm thủ tục cho chú xong xuôi, tiễn chú thím lên xe về quê quay về, mẹ chồng thở dài bảo với chị: "Mẹ cũng không biết phải bao lần muối mặt với mọi người nữa đây. Hồi việc của mẹ nó né tránh như thế, cả bên nội lẫn bên ngoại mẹ không dám hé răng kể với ai một lời. Nhưng đến những việc này thì mọi người cũng biết tính tình nó cả rồi, chả cách nào che chắn được. Hôm vừa rồi ở nhà bác Trần có đám giỗ, bên nhà mình bác ấy triệu tập tất cả các cháu trai, trừ nó. Thế là bị họ hàng tẩy chay rồi còn gì". Chị cũng chả biết an ủi mẹ chồng ra sao...
KIM THANH