Hải quân Nga sẽ được bổ sung hai tàu ngầm hạt nhân mới vào cuối năm nay.
Ông Alexei Rakhmanov, người đứng đầu Tập đoàn đóng tàu thống nhất có trụ sở tại Saint Petersburg, đã đưa ra thông báo trên tại cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn RIA Novosti hôm 26/2.
Ông cho biết Sevmash - tập đoàn đóng tàu lớn nhất của Nga và là nhà sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân duy nhất của nước này - sẽ cung cấp cho Hải quân Nga tàu ngầm chiến lược Alexander III và tàu ngầm đa năng Krasnoyarsk.
Tàu Alexander III đầu tiên đã được hạ thủy vào ngày 29.12.2022, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Vladimir Putin. Theo hãng thông tấn nhà nước TASS, tàu ngầm lớp Borei này có khả năng mang theo 16 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava.
Giám đốc điều hành của Sevmash từng tiết lộ với TASS vào cuối năm ngoái rằng tàu Krasnoyarsk đang trong quá trình thử nghiệm trên biển.
Trang Business Insider đưa tin, phản ứng về vấn đề trên, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với hoạt động của hạm đội tàu ngầm Nga, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Liên minh quân sự này lo ngại rằng các tàu ngầm tấn công, tên lửa đạn đạo và tàu lặn chuyên dụng của Moskva có thể làm hồi sinh mối răn đe từ thời Chiến tranh Lạnh, cũng như được sử dụng để đe dọa hoặc tấn công cơ sở hạ tầng kinh tế và quân sự của họ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là nhà lãnh đạo NATO gần đây nhất lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa trên thông qua bài phát biểu nêu rõ tầm quan trọng của an ninh dưới nước trước quân đội Pháp hôm 20/1. Lấy lý do quân sự, ông Macron đã bày tỏ mong muốn Paris đạt được tiềm lực “kiểm soát đáy biển" ở độ sâu 6km để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng dưới nước, song không đề cập rõ đến Nga.
Việc sở hữu nhiều lãnh thổ hải ngoại đã mang lại cho Paris vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) lớn thứ hai thế giới. Ông Macron cho rằng điều này tạo ra "lợi ích to lớn" nhưng cũng là "trách nhiệm to lớn" để bảo vệ cơ sở hạ tầng và lãnh thổ.
Đầu tháng 2, NATO thông báo rằng họ sẽ thành lập một đơn vị điều phối để giúp quân đội và các ngành công nghiệp liên quan để hợp tác cùng nhau và tăng cường an ninh cho cơ sở hạ tầng dưới biển của các nước thành viên.
Theo các chuyên gia quân sự, những hoạt động gần đây của các tàu ngầm Nga cho thấy khả năng chúng đi vào Đại Tây Dương và đến gần Bờ Đông của nước Mỹ ngày càng tăng lên.
Năm 2019, 10 tàu ngầm của Nga - 8 trong số đó chạy bằng năng lượng hạt nhân - đã bất ngờ được điều động từ các căn cứ ở Bắc Cực đến Bắc Đại Tây Dương với mục đích rõ ràng là đi càng xa càng tốt mà không bị NATO phát hiện.
Nga đã và đang nỗ lực cải thiện hạm đội tàu ngầm của mình kể từ khi Liên Xô tan rã. Tổng thống Putin cho biết nước này sẽ chế tạo thêm nhiều tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để đảm bảo an ninh của Nga trong nhiều thập kỷ tới.
Theo ông Alexei Rakhmanov, tập đoàn đóng tàu Sevmash đã bắt kịp nhịp độ nên có thể bàn giao một hoặc hai tàu ngầm hạt nhân mỗi năm. Vào tháng 7 tới, Hải quân Nga sẽ nhận được thêm bốn tàu chiến mới.
Tháng 4.2022, Nga bị mất soái hạm của Hạm đội Biển Đen, tàu tuần dương tên lửa Moskva. Nó bị chìm vài giờ sau khi Ukraine tuyên bố tấn công tên lửa gây thiệt hại đáng kể cho con tàu này. Nga phủ nhận tuyên bố trên, thay vào đó cho biết tàu Moskva bị hỏa hoạn.
Trước đó, phía Nga cũng đã nêu rõ quan điểm về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trong cuộc họp báo hồi tháng 12.2022, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo rằng bất kỳ cuộc xung đột nào giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, ngay cả khi bắt đầu bằng vũ khí thông thường, đều có khả năng leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện.
Theo Báo Tin tức