Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang xem xét thiết lập một vị trí đặc phái viên thường trực tại Kiev như một phần trong cam kết lâu dài của tổ chức này với Ukraine trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có hồi kết.
Thông tin nêu trên được các quan chức phương Tây và trợ lý Quốc hội Mỹ quen thuộc với vấn đề này tiết lộ với tạp chí Foreign Policy cùng lưu ý rằng kế hoạch này dự kiến sẽ được công bố tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington vào tháng 7 nếu được thông qua, bao gồm việc thành lập một "đại diện dân sự cấp cao" ở Ukraine.
Quan chức này có có vai trò tương tự như đặc phái viên NATO ở Afghanistan trong gần hai thập kỷ hiện diện ở đó, chịu trách nhiệm điều phối sự hỗ trợ của NATO cho Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp viện trợ quân sự từ nhiều quốc gia phương Tây.
Dẫn lại thông tin do tạp chí Foreign Policy đăng tải, tờ The Kyiv Independent ngày 9/6 cho biết thêm vị trí cấp cao này cũng sẽ phát đi một thông điệp chính trị mạnh mẽ tới cả Ukraine và Nga về cam kết của NATO hỗ trợ Kiev khi Ukraine tìm kiếm tư cách thành viên NATO để tăng cường khả năng phòng thủ của nước này.
Động thái được đề xuất này nhằm chống lại các cuộc tranh luận đang diễn ra giữa các nước thành viên NATO về việc có nên triển khai quân đội của họ tới lãnh thổ Ukraine hay không. Mặc dù quyết định liên quan có thể đẩy nhanh quá trình huấn luyện và trang bị cho quân đội Ukraine, nhưng nó cũng có nguy cơ khiến tình hình leo thang thành một cuộc đối đầu rộng hơn giữa phương Tây và Nga, thậm chí có khả năng dẫn đến leo thang hạt nhân.
Tuần trước, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã cảnh báo phương Tây về “những hậu quả nghiêm trọng” sau khi Mỹ và một số cường quốc châu Âu cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp.
Trong một cuộc họp báo hiếm hoi với các hãng tin nước ngoài hôm 5/6 ở St. Peterburg sau khi một số nước phương Tây, trong đó có Mỹ, bật đèn xanh cho Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã chỉ trích việc phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine,
Ông Putin nói: “Chuyển vũ khí tới vùng chiến sự luôn luôn là việc làm tồi tệ. Thậm chí còn hơn thế nếu như những quốc gia chuyển giao vũ khí không chỉ cung cấp vũ khí mà còn kiểm soát chúng. Đây là bước đi rất nghiêm trọng và rất nguy hiểm”.
Để đáp trả, Tổng thống Putin cho biết trước hết Nga sẽ cải thiện hệ thống phòng không của mình để tiêu diệt tên lửa phương Tây, đồng thời úp mở khả năng Nga cung cấp vũ khí tầm xa cho các khu vực trên thế giới, từ đó giáng những đòn nhạy cảm vào các quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Nhà lãnh đạo Nga nói: “Nếu ai đó cho rằng có thể cung cấp vũ khí như vậy cho vùng chiến sự để tấn công lãnh thổ của chúng tôi và gây rắc rối cho chúng tôi, thì tại sao chúng tôi không có quyền cung cấp vũ khí cùng loại cho các khu vực trên thế giới, nơi sẽ xảy ra các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở nhạy cảm của các nước (phương Tây) đó”.
Ông Putin cho rằng nếu những quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine tham gia vào cuộc chiến chống lại Liên bang Nga thì Moskva có quyền hành động theo cách tương tự.