Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) dự khiến phóng một vệ tinh đóng vai trò ngôi sao nhân tạo lên quỹ đạo Trái Đất.
NASA gần đây đã phê duyệt sứ mệnh Landolt Space với tổng chi phí 19,5 triệu USD để phóng vệ tinh mini - ngôi sao nhân tạo này vào quỹ đạo Trái Đất. Các nhà thiên văn học có thể quan sát vệ tinh này từ mặt đất, giúp họ đo độ sáng của một vật thể trong không gian chính xác hơn và hiểu rõ hơn một số bí ẩn lớn nhất trong vũ trụ của chúng ta, như năng lượng tối. Năng lượng tối khiến vũ trụ giãn nở với tốc độ ngày càng nhanh và khoảng 68,3 - 70% vũ trụ là năng lượng tối.
Vệ tinh mini này có tên CubeSat, được thiết kế để quay quanh Trái Đất từ khoảng cách 35.785 km. Ở khoảng cách đó, tốc độ của CubeSat sẽ khớp với vòng quay của Trái Đất, do vậy nó sẽ xuất hiện cố định trên bầu trời đêm. Kính viễn vọng cũng dễ dàng theo dõi CubeSat.
Sẽ không thể nhìn thấy CubeSat bằng mắt thường. Nhưng đối với kính viễn vọng, nó sẽ giống như một ngôi sao. CubeSat dự kiến sẽ được phóng vào năm 2029.
Điều khiến "ngôi sao nhân tạo" này tối ưu hơn ngôi sao thật là các nhà thiên văn học sẽ biết chính xác lượng ánh sáng mà nó phát ra. CubeSat sẽ phóng tia laser với một số lượng photon cụ thể. Photon là những lượng tử ánh sáng. Như vậy, các nhà thiên văn học có thể hiệu chỉnh kính thiên văn của họ để đo ánh sáng.
Điều này giúp loại bỏ rất nhiều phỏng đoán khi nhà thiên văn học sử dụng các ngôi sao để hiệu chuẩn thiết bị của họ. Vấn đề là không có cách nào để biết chính xác lượng ánh sáng mà các ngôi sao phát ra. Hơn nữa, bầu khí quyển của Trái Đất hấp thụ rất nhiều ánh sáng từ không gian, điều này cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu chuẩn của các nhà thiên văn học.
Nhà nghiên cứu Tyler Richey-Yowell tại Đài thiên văn Lowell (Mỹ) phân tích: “Toàn bộ ngành thiên văn học của chúng ta dựa trên ánh sáng, vì vậy cần biết lượng ánh sáng mà chúng ta thực sự nhận được”. Có thể rút ra được nhiều điều từ một tia sáng, như nhiệt độ của ngôi sao, khối lượng của nó, các hành tinh quay quanh nó và liệu chúng có thể chứa sự sống hay không.