Kể biểu tượng hàng đầu cho xuân thì Bắc có đào, Nam có mai. Đào đẹp, mai cũng đẹp.
Nhưng nói gì thì nói, con người trời sinh vốn vẫn… nặng tình bản địa, thế nên người Bắc yêu đào hơn và người Nam yêu mai hơn. Cái tình yêu ấy manh nha đâm chồi tận thuở nằm võng đưa nôi, lớn lên cùng thời niên thiếu và định hình bất biến lúc “nửa chừng xuân”, tức quãng giữa đời người. Tới lúc ấy thì nhiều sở thích hoặc nếp nghĩ, nếp nhìn đã trở nên “vào khuôn vào phép”. Không sao, cái ấy sẽ tạo nên phong thái, tính cách vùng miền để dù có đi đâu, sống đâu rồi ta cũng sẽ vẫn mang dấu ấn quê hương, người tinh ý liếc qua là nhận ra ngay không bao giờ lẫn. Như Nguyễn Hiến Lê chẳng hạn, ông sống lâu trên đất phương Nam, viết văn rặt giọng Nam, nhưng cái màu đỏ hoa đào nơi quê hương xứ Bắc vẫn khôn nguôi ám ông mỗi độ vào xuân. Nỗi ám ảnh đã hình thành nên cấu tứ một truyện ngắn mang tên Hoa đào năm trước. Hay như Vũ Bằng. Thương nhớ mười hai đi vào lòng người đọc nhờ đủ hồn đủ vía. Và cái hồn vía ấy có căn nguyên từ tâm thức gắn bó chân thành, thiết tha, máu thịt cùng những thanh sắc quê hương, cái quê hương “rét tháng 3 bà già chết cóng” mà ông bỏ lại sau lưng. Thế nên, chẳng lạ gì khi tôi sinh ra trên đất phương Nam và tôi yêu hoa mai...
Hành trình của loài hoa xuân phương Nam này lạ lắm. Ngoại trừ giống mai “tứ quý” (còn gọi Nhị độ mai) không rụng lá và nở tứ thời bát tiết, còn mai xuân đích thực bao giờ cũng thực hiện cái chu trình tuần hoàn Sinh-Lão-Bệnh-Tử vần xoay, đồng hành cùng thời tiết giống như kiếp người rút ngắn trong cuộc hành trình qua bốn mùa xuân hạ thu đông. Xuân là sinh (cả sinh sản lẫn hồi sinh) với đơm hoa, đậu quả và đâm vô số chồi non mơn mởn biếc xanh. Hạ là thời kì lão, cây đạt độ trưởng thành hoàn hảo với tán lá xanh rì, lấp ló những nụ mẹ chồi ngang thân màu xám. Thu là bệnh, cây bắt đầu chuẩn bị cho giấc ngủ đông với những biểu hiện suy thoái như các nhánh cành ngưng phát triển, lá úa vàng tuần tự. Và đông sang, biểu hiện của mai thật hình ảnh, rõ ràng với tán lá rụng trơ, phơi những nhánh cành xương xẩu in lên nền trời ảm đạm. Cái chết làm nền cho sự sống. Không có những “cành khô” im lìm thiếp ngủ qua đông thì mùa xuân sẽ không có chồi, có lộc. Triết lí nhân sinh sâu thẳm mà hiện ra thật dung dị, giản đơn nơi một cội mai vàng...
… Và khi nắng sơ sinh rụt rè rải nhẹ, lả tả tung theo gió bấc cuối mùa những thông điệp mơ hồ, rạo rực của mùa xuân, cây mai già đương nhiên nghe thấy trước tiên. Nó cựa mình, choàng nhanh khỏi giấc ngủ đông, hối hả đùn ra lớp lớp nụ xanh. Và chín. Và vỡ ra thành vô số mặt trời vàng bé con chi chít, lung linh bám víu những “cành khô” vẫn còn nguyên cái dáng vẻ xù xì, mốc thếch. Trông xa, cái màu vàng dường chảy tan, lịm mật, sáng bừng, ấm ran màu nắng. Nắng đang từ trời rụng xuống. Và bám, và đeo chi chít trên những cành xuân…
Y.N