Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khảo sát đánh giá ngoài 4 chương trình đào tạo đại học của Trường Đại học Hải Dương.
4 chương trình đào tạo đại học được khảo sát đánh giá ngoài của trường, gồm: ngôn ngữ Anh, kỹ thuật điện, kế toán, quản trị kinh doanh.
Đợt khảo sát diễn ra từ ngày 24-29/12. Đoàn chuyên gia sẽ kiểm tra tài liệu, hồ sơ minh chứng; trao đổi, phỏng vấn; dự giờ trên lớp và thực hành; tham quan, quan sát điều kiện cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, nghiên cứu và học tập của nhà trường; thu thập thông tin phản hồi của các bên liên quan… để có đánh giá khách quan, sát thực về chương trình đào tạo được kiểm định, từ đó đưa ra những khuyến nghị cho việc cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.
Việc đánh giá ngoài đối với chương trình đào tạo sẽ giúp Trường Đại học Hải Dương và các khoa nhìn nhận được điểm mạnh cần phát huy và điểm hạn chế cần khắc phục, từ đó có các giải pháp hữu hiệu để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế.
Đây là lần đầu tiên Trường Đại học Hải Dương tổ chức đánh giá ngoài từng chương trình đào tạo cụ thể.
Trước đó, năm 2021, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã công nhận Trường Đại học Hải Dương đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Theo Thông tư số 38/2013/TT-BGDĐT ngày 29/11/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, thì đánh giá ngoài chương trình đào tạo là một trong 4 bước của quy trình kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, gồm: tự đánh giá; đánh giá ngoài, đánh giá lại (nếu có); thẩm định kết quả đánh giá; công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Đánh giá ngoài chương trình đào tạo là quá trình khảo sát, đánh giá của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để xác định mức độ chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.