Nâng cao hơn nữa hiệu quả bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam

07/10/2019 19:01

Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trong những nước có tính đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới.

Giải cứu và thả về lại rừng tự nhiên các cá thể kỳ đà hoa. Ảnh: Báo Công an TP Đà Nẵng

Tuy nhiên, đa dạng sinh học tại Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa, đặc biệt là tình trạng săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép các loài động vật hoang dã, đẩy nhiều loài đến bờ vực của sự tuyệt chủng ở tốc độ nhanh hơn bao giờ hết trong thập kỷ gần đây.

Buôn bán động vật hoang dã - vấn nạn nhức nhối

Việc khai thác, buôn bán và tiêu thụ trái pháp luật các loài động vật hoang dã đang trở thành vấn nạn nhức nhối của nhiều quốc gia, nhiều khu vực. Các loài bị buôn bán phổ biến nhất là voi, tê tê, tê giác và rùa biển. Đáng chú ý, loại hình tội phạm này thường gắn liền với các loại tội phạm khác như buôn lậu, buôn bán vũ khí trái phép hay buôn bán ma túy, tham nhũng.

Những năm gần đây, các đối tượng phạm tội đã thực hiện những hành vi buôn bán động vật hoang dã trái phép trên mạng internet, khiến cho việc giao dịch các loài động vật hoang dã, các sản phẩm từ động vật hoang dã ngày càng trở nên rộng rãi. Tại Hội thảo “Bảo tồn các loài hoang dã: Làm thế nào để chống lại nạn buôn bán động thực vật hoang dã” (ngày 2.10.2019), bà Nguyễn Hương, Giám đốc truyền thông của Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã (WCS)-chương trình Việt Nam cho biết tội phạm mua bán động vật hoang dã vẫn tăng lên từng ngày từng giờ. Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết là các nhóm tội phạm tận dụng tối đa xu thế hội nhập, toàn cầu hóa và phát triển công nghệ. Chúng có thể đăng tải hình ảnh mua bán hoặc sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã trên mạng xã hội như Facebook, Instagram.

Thế nhưng, nhiều quốc gia lại chưa thực sự đặt nặng quan tâm và có những chính sách phù hợp để ngăn chặn các hoạt động này. Đến thời điểm hiện tại thì tội phạm liên quan đến động vật hoang dã được coi là loại tội phạm có tính rủi ro thấp nhất vì đa phần không có nạn nhân trực tiếp là con người, do vậy nhiều quốc gia vẫn có mức phạt khá nhẹ. Trong khi đó, lợi nhuận do hoạt động mua bán này mang lại vô cùng lớn. Theo ước tính của Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), lợi nhuận do mua bán động vật hoang dã xuyên quốc gia mang lại lên đến 23 tỷ USD hàng năm.

Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, tại Việt Nam, tê giác đã tuyệt chủng; hổ chỉ còn không quá 5 cá thể; voi còn dưới 100 cá thể trong tự nhiên; 16/25 loài linh trưởng đang trong tình trạng nguy cấp. Hàng trăm cá thể gấu đang bị nuôi nhốt lấy mật và còn rất nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm khác cũng đang bị đe dọa bởi nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép. Động vật hoang dã, các bộ phận và các sản phẩm động vật hoang dã bị buôn bán để chế biến làm món ăn trong các nhà hàng, làm thuốc Đông y, làm thú cảnh hoặc để chế tác thành đồ thủ công mỹ nghệ, đồ trang trí.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đang trở thành điểm nóng về trung chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã trên thế giới. Số liệu thống kê cho thấy các loài hoang dã bị buôn bán trái phép không chỉ có nguồn gốc trong nước. Nhiều loài động vật và sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài như tê giác châu Phi, voi châu Phi, hay rắn và kỳ đà từ các quốc gia châu Á khác. Theo Viện kiểm soát nhân dân tối cao, trong giai đoạn 5 năm (2013-2017), cơ quan chức năng đã xử lý hơn 1.500 các vụ vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, đưa ra xét xử 432 bị cáo, thu giữ 41.328 kg cá thể và các sản phẩm từ động vật hoang dã. Tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 34 vụ việc và thu giữ 872 cá thể hoang dã.

Những chính sách và hành động cụ thể của Việt Nam

Cùng với cộng đồng quốc tế, những năm qua các cơ quan chức năng Việt Nam đã và đang tăng cường đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm liên quan động vật với những chính sách và hành động cụ thể, phù hợp tình hình thực tế.

Năm 1994, Việt Nam đã tham gia Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Công ước về Đa dạng sinh học (CBD). Đây là những cam kết quốc tế quan trọng đầu tiên về bảo vệ các loài hoang dã và đa dạng sinh học mà Việt Nam tham gia.

Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm, đầu tư đáng kể cả về nhân lực và tài chính để thực thi các cam kết. Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 đã sửa đổi các hành vi buôn bán, quảng cáo, tàng trữ động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã có thể bị xử phạt mức cao nhất lên tới 15 năm tù giam. Và đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã giao các bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công thương chỉ đạo các lực lượng trực thuộc tiếp tục tăng cường kiểm soát, điều tra, bắt giữ, xử lý triệt để đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 17.9.2016 về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã triệt phá nhiều mạng lưới mua bán động vật hoang dã lớn, bắt giữ nhiều đối tượng cầm đầu. Từ tháng 1.2010 đến 30.9.2019, đã có 57 vụ mua bán sừng tê giác bị phát hiện và xử lý, thu giữ hơn 753.000 kg sừng tê giác.

Bên cạnh những công cụ mang tính chất ràng buộc và pháp lý quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam còn thúc đẩy các mối quan hệ với các đối tác để huy động sự hợp tác, phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế trong việc phòng chống buôn bán, tiêu thụ trái phép và bảo vệ các loài hoang dã; xây dựng các trung tâm bảo tồn gấu và các loài động vật hoang dã khác.

Cùng với đó, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã để cập nhật các vi phạm về lĩnh vực này. Đây là cơ sở lưu giữ hồ sơ của tất cả các vụ việc được trung tâm ghi nhận với đầy đủ các hoạt động được thực hiện để xử lý từng vụ việc bao gồm kết quả xử lý từ các cơ quan chức năng và quá trình giám sát độc lập của trung tâm.

Trung tâm Giáo dục thiên nhiên cũng đã xây dựng, thực hiện chương trình đánh giá mức độ phổ biến của các vi phạm về động vật hoang dã trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn, đánh giá hiệu quả xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng.

Trung tâm Giáo dục thiên nhiên cho rằng phản hồi kịp thời của các cơ quan chức năng là yếu tố quan trọng nhằm thiết lập cơ chế hợp tác có hiệu quả giữa người dân và các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống vi phạm về động vật hoang dã. Riêng năm 2018, với sự hỗ trợ của trung tâm, các cơ quan chức năng đã tịch thu 454 cá thể động vật hoang dã còn sống. Cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Kiên Giang cũng đã phát hiện và tịch thu 119 tiêu bản rùa biển, chủ yếu là vích tại các cơ sở thủ công mỹ nghệ…

Thông qua đường dây nóng miễn phí 1800-1522, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên hy vọng sẽ tiếp tục trở thành cầu nối giữa người dân và cơ quan chức năng để tiếp nhận thông tin về các vụ vi phạm cũng như các cá thể động vật hoang dã được tự nguyện chuyển giao.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao hơn nữa hiệu quả bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam