Trong sáu tháng qua, dù dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội nhưng tình hình an ninh, chính trị vẫn được bảo đảm, tình hình tội phạm giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí, trong 6 tháng qua, cơ quan chức năng khởi tố mới 37.097 vụ án hình sự (giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường giảm nhiều nhất, đã khởi tố 14.365 vụ (giảm 19,7%). Đáng lưu ý là hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý thị trường chứng khoán với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam và hành vi phát hành trái phiếu trái quy định nhằm chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn...
Đáng chú ý là một số nhóm tội phạm có số vụ khởi tố mới tăng như: Tội phạm tham nhũng, chức vụ, đã khởi tố mới 219 vụ (tăng 48,9%) mà chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, đầu tư các dự án với nhiều đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để thực hiện hành vi phạm tội. Nhiều vụ tham nhũng, chức vụ xảy ra trong lĩnh vực y tế, ngoại giao khiến dư luận xã hội quan tâm...
Trong công tác đấu tranh, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết: Toàn ngành Kiểm sát đang tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, các kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đã đề ra nhiều biện pháp nâng cao chất lượng trong công tác đấu tranh, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế, như: Ban hành Hướng dẫn Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ. Tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm về án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan chức vụ bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Tích cực thực hiện các biện pháp tăng cường tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi và thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc áp dụng, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế như kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nhất là các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo...
Cũng theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí, trong sáu tháng đầu năm 2022, ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 353 nguồn tin tội phạm về tham nhũng; thông qua giải quyết 251 tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố 127 vụ án.
Đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 562 vụ/1.165 bị can; Cơ quan điều tra đã giải quyết 268 vụ/594 bị can. Thực hành quyền công tố, kiểm sát trong giai đoạn truy tố 284 vụ/761 bị can, đã giải quyết 241 vụ/652 bị can (đạt tỷ lệ 85%); thụ lý xét xử sơ thẩm 368 vụ/1.067 bị cáo, Tòa án đã xét xử sơ thẩm 187 vụ/470 bị cáo (đạt tỷ lệ 51%). Công tác giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng tiếp tục đạt kết quả tích cực; đã khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thực hiện nghiêm, hiệu quả những nhiệm vụ, yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra trong việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao trong phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn.
Sáu tháng cuối năm 2022, ngành Kiểm sát tiếp tục quán triệt thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong hoạt động điều tra, phát hiện và xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật.
Tập trung giải quyết đúng yêu cầu và tiến độ các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tham gia thực hiện nghiêm túc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các đạo luật về tư pháp, nhất là những vấn đề có nhận thức chưa thống nhất.
Thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác nghiệp vụ của các đơn vị trong ngành. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hoàn thiện việc nghiên cứu Đề án Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng và Đề án Thực trạng kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát và hoạt động điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; nghiên cứu đề xuất, kiến nghị nhằm phục vụ nhiệm vụ cải cách tư pháp của ngành…
Theo báo Tin tức