Đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghệ tiên tiến, tích hợp khả năng quan trắc tự động là yếu tố cốt lõi để thu hút đầu tư bền vững vào các khu công nghiệp ở Hải Dương.
Cam kết an toàn
Với định hướng trở thành tỉnh công nghiệp, Hải Dương đang tập trung thu hút nhiều dự án vào các khu công nghiệp, do đó áp lực về môi trường cũng ngày càng gia tăng. Để bảo đảm phát triển công nghiệp bền vững, việc đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải không chỉ là một yêu cầu pháp lý mà còn là một cam kết “cứng” của chủ đầu tư các khu công nghiệp ở Hải Dương đối với các nhà đầu tư thứ cấp và cộng đồng.
Trong 12 khu công nghiệp đang đầu tư hạ tầng, khai thác kinh doanh thì khu công nghiệp Đại An, Đại An mở rộng được chủ đầu tư quan tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải rất bài bản theo công nghệ hiện đại.
Khu công nghiệp Đại An thành lập năm 2003, ngay từ đầu chủ đầu tư đã thiết kế trạm xử lý nước thải với công suất 2.000 m3/ngày đêm, đến nay mới chỉ sử dụng hết 1.200 m3/ngày, đêm. Sau đó không lâu, năm 2007, khu công nghiệp Đại An mở rộng (cùng chủ đầu tư hạ tầng) được thành lập, trạm xử lý nước thải cũng được thiết kế với công suất 2.500 m3/ngày đêm, nhưng thực tế nay mới sử dụng 1.600 m3/ngày đêm. Cả 2 khu công nghiệp đang thu hút 76 nhà đầu tư thứ cấp, trong đó có 4 nhà đầu tư thuộc khu công nghiệp Đại An mở rộng đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý.
Việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải cũng được chủ đầu tư khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng (Bình Giang) quan tâm. Theo thiết kế, khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng sẽ có trạm xử lý nước thải tập trung công suất 8.000 m3/ngày đêm. Giai đoạn 1 đang thi công dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải của khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng trị giá hơn 100 tỷ đồng, với công suất 4.000 m3, dự kiến trong quý I/2025 đưa vào hoạt động. Hiện tại khu công nghiệp này đã thu hút 25 nhà đầu tư thứ cấp đang đầu tư xây dựng hạ tầng.
Đáp ứng nhu cầu của khách hàng lớn
Vừa qua, Tập đoàn Deli (Trung Quốc) đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất văn phòng phẩm tại khu công nghiệp Đại An mở rộng. Theo thiết kế, nhà máy xả thải 2.100 m3/ngày đêm, nhưng giai đoạn đầu chỉ sử dụng 300 m3. Vì thế trạm xử lý nước thải của khu công nghiệp vẫn bảo đảm tốt nhu cầu sử dụng, xử lý nước thải của các doanh nghiệp trong khu.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu trong tương lai của các nhà đầu tư thứ cấp, năm 2025 chủ đầu tư tiếp tục xây dựng trạm xử lý nước thải tại khu công nghiệp Đại An mở rộng với công suất 2.500 m3/ngày đêm. Chủ đầu tư chi hơn 100 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho cả 2 khu công nghiệp.
Ở khu công nghiệp Cộng Hòa (Chí Linh), hiện tại chủ đầu tư khu công nghiệp đang vận hành trạm xử lý nước thải đã xây dựng theo thiết kế 2.000 m3/ngày đêm và lắp thêm hệ thống xử lý nước thải để bảo đảm cho các doanh nghiệp trong khu yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng căn cứ vào nhu cầu của doanh nghiệp thứ cấp để đi trước đón đầu về xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống xử lý nước thải.
Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời Boviet Hải Dương thuê 20 ha đất tại khu công nghiệp Cộng Hoà để xây dựng nhà máy sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời. Dự kiến mỗi năm doanh nghiệp này sản xuất 3 GW tấm tế bào quang điện và tấm modul chuyển hóa năng lượng mặt trời. Tổng vốn đầu tư dự án 2.820 tỷ đồng (tương đương 120 triệu USD).
Tuy dự án chưa đi vào hoạt động nhưng theo thiết kế, doanh nghiệp sẽ xả thải 9.000 m3/ngày đêm. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Cộng Hòa đã đầu tư 120 tỷ đồng xây dựng nhà máy xử lý nước thải với công suất 12.000 m3/ngày đêm.
Hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp giúp cho doanh nghiệp thứ cấp sản xuất an toàn, không tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ nguồn nước và hệ sinh thái xung quanh. Điều này không chỉ cải thiện chất lượng sống cho cộng đồng mà còn xây dựng hình ảnh tích cực cho khu công nghiệp, từ đó thu hút thêm các nhà đầu tư.
Quan trắc tự động
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, các khu công nghiệp đang khai thác đều đã triển khai đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản theo quy hoạch, bảo đảm tính kết nối đồng bộ của các công trình kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và hoạt động của doanh nghiệp trong khu công nghiệp gồm: hệ thống hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước, hệ thống thu gom nước mặt, thu gom nước thải. 100% số trạm xử lý nước thải tập trung trong khu công nghiệp được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để truyền dữ liệu 24/7 giờ tới Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) quan sát, theo dõi.
Quan trắc môi trường tự động là hệ thống thiết bị và phần mềm được thiết kế để theo dõi liên tục các yếu tố môi trường như nước, không khí, đất đai, tiếng ồn... mà không cần sự can thiệp thường xuyên của con người. Việc áp dụng hệ thống quan trắc môi trường tự động rất thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước giám sát chất lượng môi trường của khu công nghiệp, tác động ảnh hưởng xung quanh để kịp thời “tuýt còi” nếu phát hiện các chỉ số quá ngưỡng cho phép.
Hệ thống này cho phép thu thập và phân tích dữ liệu môi trường một cách tự động, giúp cảnh báo kịp thời các vấn đề ô nhiễm hoặc các yếu tố bất thường trong môi trường. Các trạm quan trắc tự động được chủ đầu tư lắp đặt nhiều cảm biến, thiết bị đo để quan trắc song song nhiều thông số. Các dữ liệu được truyền về trung tâm điều khiển của Sở Tài nguyên và Môi trường thông qua kết nối internet. Dữ liệu luôn được cập nhật, lưu trữ và sẵn sàng phục vụ cho việc phân tích.
Cán bộ môi trường của Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam (khu công nghiệp Đại An) cho biết mỗi ngày doanh nghiệp xả 160 m3 nước thải. Trước khi thải đến hệ thống xử lý tập trung của khu thì doanh nghiệp đã xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn B, sau đó mới chuyển giao vào hệ thống thu gom nước thải chung của khu công nghiệp để tiếp tục xử lý đạt loại A theo đúng tiêu chuẩn về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT trước khi xả ra lưu vực tiếp nhận.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp phải tuân thủ nghiêm việc phân tách nước thải, nước mặt theo quy định. 100% số doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã thực hiện đấu nối, chuyển giao nước thải vào hệ thống thu gom nước thải chung của khu công nghiệp.
Theo định hướng của tỉnh, các khu công nghiệp ở Hải Dương tập trung thu hút sản xuất công nghệ hiện đại, công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường, giảm công nghiệp sản xuất gây nguy hại đến môi trường, đặc biệt là nguồn nước ngầm như: dệt nhuộm, hóa chất, luyện kim…
Các khu công nghiệp của tỉnh đang đi đúng hướng khi đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải. Việc làm này không chỉ thể hiện trách nhiệm với cộng đồng mà còn là yếu tố chiến lược giúp tăng cường sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Việc các khu công nghiệp ở Hải Dương không ngại chi hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhà máy xử lý nước thải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, áp dụng công nghệ hiện đại đang cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ trong việc xây dựng một nền kinh tế công nghiệp phát triển bền vững, gắn liền với bảo vệ môi trường. Các hệ thống xử lý nước thải công nghệ cao tại các khu công nghiệp dần giải quyết vấn đề ô nhiễm và tạo nền tảng cho sự phát triển dài hạn của tỉnh.
MINH NGUYÊN