Với sự vào cuộc của cả người dân và chính quyền, chất lượng cây rừng ở Chí Linh đang dần được cải thiện.
Người nhận trồng rừng ở xã Hoàng Hoa Thám thường xuyên phát cành thừa để cây lên xanh tốt
Khi được giao khoán rừng, nhiều gia đình ở TP Chí Linh đã chủ động tìm tòi, đưa các loại cây có giá trị cao vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, cải tạo đất rừng. Gia đình anh Nguyễn Văn Ngân (ở khu dân cư Cầu Dòng, phường Cộng Hòa) đang chăm sóc, quản lý 45 ha rừng, trong đó có 30 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng của Nhà nước và 15 ha rừng sản xuất. Đối với rừng sản xuất, anh trồng đa dạng các loại cây. Khi mới nhận khoán do đất rừng chất lượng thấp nên anh chọn trồng keo tràm, keo lai trên diện tích 10 ha nhằm cải tạo đất. Sau đó, anh chuyển sang trồng keo tượng Úc do loại cây này có thời gian trồng ngắn, trồng được trên nhiều địa hình và cho chất lượng gỗ cao. Ngoài ra, anh Ngân còn trồng 4 ha vải và 1 ha cây thông cảnh.
"1 ha có thể trồng được 1.000 cây thông cảnh. Cây từ 2-3 năm tuổi có giá bán 2 triệu đồng/cây, còn từ 10 năm trở lên thì có giá vài chục triệu đồng, cao gấp nhiều lần các loại cây khác", anh Ngân cho biết.
Để 5 ha rừng trồng bạch đàn và keo lên xanh tốt, gia đình chị Vũ Thị Thoa (ở thôn Đồng Châu, xã Hoàng Hoa Thám) luôn chú trọng các khâu trồng và chăm sóc. Trên thị trường hiện nay có nhiều giống bạch đàn, song chị Thoa chọn trồng bạch đàn cao sản vì giống này cho năng suất, chất lượng cao hơn các giống đã trồng trước đây. Trước khi trồng, chị thuê máy xúc đào xới toàn bộ đất lên cho tơi xốp. Khi cây còn nhỏ, mỗi cây chị đặt thêm 1 cọc tre và buộc cẩn thận để không bị đổ lúc mưa bão. Cây cao lớn, chị thường xuyên phát tỉa cành thừa để cây phát triển tốt hơn. Cành lá cũng được thu gom sạch sẽ để tránh bị cháy rừng...
Để nâng cao chất lượng cây rừng, việc đầu tiên là phải bảo vệ các cánh rừng không bị cháy. Hằng năm, UBND TP Chí Linh đều xác định các trọng điểm cháy rừng để có biện pháp phòng ngừa phù hợp, trong đó chú trọng các khu vực dãy núi Phượng Hoàng thuộc 2 phường Cộng Hoà và Văn An, di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (phường Cộng Hoà, xã Hưng Đạo), chùa Sùng Nghiêm (phường Phả Lại), chùa Ngũ Đài (phường Hoàng Tiến), khu vực chùa Thanh Mai (xã Hoàng Hoa Thám)…
Theo chị Hoàng Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa Thám, ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, hằng năm, UBND xã đều tổ chức lực lượng phát quang cây rừng, dọn dẹp thực bì, tuần tra, canh gác nên nhiều năm nay ở địa phương không xảy ra cháy rừng. Công an xã, dân quân cũng thường xuyên kiểm tra để phát hiện các vụ phá hoại cây rừng. Năm 2020, xã có 2 vụ người dân chặt cây mai rừng, gỗ quý... và đều đã bị xử lý theo quy định.
Theo anh Ngô Quang Trưởng, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng tỉnh, ngoài trên 2.000 ha rừng tự nhiên, diện tích rừng còn lại ở Chí Linh đều được trồng từ những năm 1997-1998. Tại thời điểm đó, mục tiêu của Chính phủ cũng như các cấp chủ yếu là phủ xanh đất trống đồi núi trọc nên đã lựa chọn các loại cây bạch đàn, keo vì vốn đầu tư ít nhưng giá trị kinh tế thấp. Vì thế, những năm gần đây, tỉnh đang dần thay thế các diện tích này bằng cây thông mã vĩ vì có giá trị kinh tế cao. Năm 2021, UBND tỉnh cũng đã đầu tư trên 1,1 tỷ đồng từ nguồn kinh phí trồng rừng thay thế của các doanh nghiệp để trồng hơn 8 ha rừng ở phường Văn An và xã Hoàng Hoa Thám trên diện tích rừng nghèo kiệt. Ban Quản lý rừng tỉnh đã tổ chức dọn dẹp thực bì, đào hố và đợi thời tiết thích hợp sẽ trồng.
UBND tỉnh cũng vừa phê duyệt chương trình trồng rừng thay thế tỉnh năm 2022 với mục tiêu nâng cao chất lượng rừng, bảo đảm chức năng phòng hộ và bảo vệ cảnh quan môi trường của hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Theo đó, toàn tỉnh sẽ trồng thay thế 66,75 ha rừng phòng hộ, trong đó ở Chí Linh trồng 41,25 ha tại các phường, xã Phả Lại, Lê Lợi, Bắc An, Bến Tắm, diện tích còn lại ở thị xã Kinh Môn. Cây được lựa chọn để trồng cũng là cây thông nhựa thuần loài, kinh phí gần 7,5 tỷ đồng.
THANH HÀ