Danh nhân

Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt với quê hương Ninh Giang

02/06/2024 15:00

Nam tước, Đại thần Cơ mật Viện, Thượng thư Bộ Công kiêm Bộ Binh Đoàn Đình Duyệt có nhiều công lao đóng góp với quốc gia, dân tộc, quê hương.

files-library-images-site-1-20200210-web-chuyen-it-biet-ve-doan-dinh-duyet-27-172709-1-.jpg
Nam tước, Đại thần Cơ mật Viện, Thượng thư Bộ Công kiêm Bộ binh Đoàn Đình Duyệt (ảnh tư liệu)

Nhọc nhằn tuổi thơ

Theo Quốc sử quán triều Nguyễn và một số tài liệu lịch sử, Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt (1862-1929) lúc còn nhỏ có tên là Đoàn Đình Nhàn, tên hiệu là Đức Khê, tên thụy là Văn Ý ở xã Đào Lãng, huyện Vĩnh Lại (nay là xã Văn Hội, huyện Ninh Giang, Hải Dương). Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, cha mất sớm, ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ tư chất thông minh, nhanh nhẹn, chăm chỉ sớm tối chăn trâu cắt cỏ phụ giúp gia đình. Năm 11 tuổi, một lần do mải chơi để trâu ăn lúa nên bị đánh đòn, Đoàn Đình Duyệt bỏ nhà vào Bến Trại, xã Hồng Phong (Thanh Miện) rồi lên thuyền đi theo sông Luộc. Sau này ông gặp được người tốt đón về nuôi, cho ăn học đến khi trưởng thành.

Gần 40 năm làm quan, Đoàn Đình Duyệt đã đảm trách nhiều chức vụ khác nhau từ tri huyện, tri phủ, thương biện, đốc biện đường bộ, bố chánh, tuần phủ, tổng đốc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… Trong thời gian tại vị cũng như khi về hưu, Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt đã thể hiện rõ tinh thần yêu nước, thương dân, có nhiều đóng góp cho đất nước và quê hương Hải Dương. Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt là một trong tứ trụ triều đình có vai trò đặc biệt đối với nhà Nguyễn. Ông sống và làm việc dưới 4 đời vua Nguyễn: Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân và Khải Định.

Góp công với quê hương

img_4055(1).jpeg
Cổng tam quan chùa Trông mang lối kiến trúc cung đình Huế độc đáo

Xa quê từ nhỏ, khi lớn lên rồi làm quan, Thượng thư Đoàn Đình Duyệt đã dành nhiều tình cảm về quê hương Hải Dương nói chung, Ninh Giang nói riêng. Tại huyện Ninh Giang, ông cho tiền thuê thợ làm “đường chân tre” để chống úng lụt, cho đặt guồng nước có ngựa kéo để chống hạn trên cánh đồng Ba Tổng. Ông cũng cho xây dựng cống Cổ ngựa tại Văn Giang, xã Văn Hội; xây dựng đình, chùa tại thôn Đào Lạng, xã Văn Hội. Đặc biệt, ông bỏ công sức, tiền của xây dựng và trùng tu lại các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như đền Tranh (xã Đồng Tâm), chùa Trông (xã Hưng Long) thuộc huyện Ninh Giang và Đàn Thiện ở xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện. Cả ba di tích này đã được Nhà nước ta xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ lâu, đã và đang phát huy giá trị rất tích cực trong đời sống văn hóa của nhân dân địa phương. Công lao, đóng góp của ông vẫn được người dân các địa phương ghi nhớ, truyền dạy từ đời này sang đời khác.

Không chỉ quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, Thượng thư Đoàn Đình Duyệt còn công đức, xuất tiền để trùng tu, tôn tạo nhiều di tích lịch sử văn hóa ở huyện Ninh Giang. Theo đại đức Thích Hạnh Viên, trụ trì chùa Trông ở xã Hưng Long (Ninh Giang), chùa được trùng tu, tôn tạo nhiều lần vào thời hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII), đến thời Nguyễn (thế kỷ thứ XIX), chùa được mở rộng theo kiểu nội công ngoại quốc với công trình cổng tam quan, tắc môn, hai nhà giải vũ, hai nhà thờ Mẫu, chùa chính kiểu chữ Đinh 7 gian, nhà đại bái và đền thờ Thánh ở phía sau. Công trình do quan Thượng thư Đoàn Đình Duyệt xây dựng kỷ niệm quê mẹ của ngài. Chùa xưa đã bị thực dân Pháp phá hủy, công trình hiện nay được nhân dân địa phương xây dựng lại trên nền cũ, riêng công trình cổng tam quan còn lại được kiến tạo nguy nga theo lối kiến trúc của cung đình Huế rất độc đáo là di tích chính còn lưu giữ để xếp hạng di tích lịch sử năm 2002.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban Quản lý đền Tranh, khoảng những năm 1887-1888, Thượng thư Đoàn Đình Duyệt đã có công đóng góp công của và tiến cử nhiều thợ giỏi về trùng tu, tôn tạo lại đền Tranh hoành tráng, chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, trong đó có tượng Quan lớn Tuần Tranh, cổng tam quan...

img_8742(1).jpeg
Mộ Thượng thư Đoàn Đình Duyệt ở khu vực Đống Tháp, thôn Đào Lạng, xã Văn Hội (Ninh Giang)

Về hưu, Thượng thư Đoàn Đình Duyệt sống tại thị trấn Ninh Giang và qua đời vào ngày 31/1/1929, hưởng thọ 67 tuổi. Lăng mộ của ông 10 năm đầu đặt tại làng Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm (Ninh Giang), từ năm 1939 được chuyển về Đống Tháp, quê nhà xã Văn Hội cho đến ngày nay.

Năm 2019, UBND tỉnh Hải Dương quyết định đặt tên phố Đoàn Đinh Duyệt tại TP Hải Dương nhân kỷ niệm 90 năm ngày mất của ông. Tuyến phố dài 637 m với điểm đầu tiếp giáp với đường Ngô Quyền, điểm cuối tiếp giáp với đường Điện Biên Phủ. Việc đặt tên phố Đoàn Đình Duyệt thể hiện sự tri ân của chính quyền và nhân dân Hải Dương đối với một vị đại quan trong lịch sử nhà Nguyễn đã có nhiều cống hiến cho đất nước và quê hương Hải Dương cách đây gần 150 năm.

img_8795(1).jpeg
Tuyến phố Đoàn Đình Duyệt ở TP Hải Dương

Ông Nguyễn Thành Vạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang cho biết, đối với quê hương Ninh Giang, Thượng thư Đoàn Đình Duyệt có công tôn tạo, tu bổ 2 di tích lớn là đền Tranh và chùa Trông, được bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đến ngày nay. Dù ở cương vị nào, ông cũng đem hết tài năng, trí tuệ để phụng sự cống hiến cho đất nước, quê hương và nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt với quê hương Ninh Giang
    ss