Y tế - Sức khỏe

Nam thanh niên bệnh đậu mùa khỉ, một người tiếp xúc nghi nhiễm

Theo VnExpress 13/11/2023 14:12

Sở Y tế Bến Tre ghi nhận một thanh niên 31 tuổi mắc đậu mùa khỉ, 12 người tiếp xúc được cách ly trong đó một cô gái đang sốt nghi đã bị lây nhiễm.

Ngày 13/11, ông Nguyễn Văn Oanh, Giám đốc Sở Y tế Bến Tre xác nhận đây là ca đậu mùa khỉ đầu tiên của địa phương. Bệnh nhân thuê trọ tại TP Bến Tre, làm nghề lễ tân nhưng đã nghỉ việc ba tháng nay.

Theo điều tra dịch tễ, 10 hôm trước thanh niên này đau họng, nổi bóng nước ở vùng môi trên, đến một bệnh viện ở TP Bến Tre khám. Quá trình khám, bệnh nhân cùng bác sĩ đều đeo khẩu trang. Năm ngày sau, anh này tiếp tục có dấu hiệu mệt mỏi, mọc mụn nước ở vùng hậu môn, bộ phận sinh dục, mặt, bàn tay, tự mua thuốc uống.

Ngày 9/11, bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu TP HCM khám, kết quả xét nghiệm dương tính với đậu mùa khỉ. Bệnh nhân được cách ly điều trị tại bệnh viện.

Sở Y tế xác định 12 người tiếp xúc với bệnh nhân, cách ly theo dõi tại nhà, sức khỏe bình thường trừ một cô gái 27 tuổi nghi bị nhiễm. "Dự kiến kết quả xét nghiệm đậu mùa khỉ của cô gái này sẽ có trong 1-2 ngày tới", ông Oanh nói.

Trong 11 trường hợp còn lại có hai người ca tiếp xúc gần ở khu nhà trọ, 9 ca tiếp xúc xa tại một đám giỗ. Lực lượng chức năng cho rằng phần lớn thời gian tiếp xúc bệnh nhân có đeo khẩu trang, mặc áo khoác nên "rất khó có khả năng lây nhiễm" cộng đồng.

Tính đến cuối tuần qua, Bộ Y tế đã ghi nhận 56 ca đậu mùa khỉ tại Việt Nam kể từ khi bệnh này xuất hiện trên thế giới, trong đó 63% đang nhiễm HIV, một người tử vong.

Đậu mùa khỉ xuất hiện ở nhiều nước vào năm ngoái, là bệnh mới nổi, đang được nghiên cứu và chưa có vaccine chính thức để phòng ngừa. Ca đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam được ghi nhận vào tháng 10 năm ngoái, bị lây nhiễm từ nước ngoài, về nước cách ly ngay nên không lây nhiễm cộng đồng. Ca đậu mùa khỉ nội địa đầu tiên được ghi nhận vào tháng 9, người này đã lây cho bạn gái ở Bình Dương - là cặp lây nhiễm cộng đồng đầu tiên xác định được nguồn lây. Phần lớn ca đậu mùa khỉ nội địa khác không tìm được nguồn lây nhiễm.

Các chuyên gia cho rằng virus đậu mùa khỉ đã âm thầm xâm nhập Việt Nam và lưu hành trong cộng đồng. Bệnh có đường lây truyền gần giống HIV, chủ yếu qua quan hệ tình dục và tiếp xúc gần. Nhóm nguy cơ cao lây nhiễm là quan hệ tình dục đồng tính và hệ miễn dịch suy yếu (ví dụ người nhiễm HIV).

Triệu chứng nghi ngờ bệnh là phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu khác như sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược...

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nam thanh niên bệnh đậu mùa khỉ, một người tiếp xúc nghi nhiễm