Nam Sách: Người dân chuyển hướng chăn nuôi

14/08/2019 09:44

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra tại huyện Nam Sách đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi và các hộ nông dân nơi đây.


Nhiều hộ ở Nam Sách chuyển sang nuôi gà do vốn đầu tư không nhiều, tận dụng được chuồng trại nuôi lợn đang bỏ không

Để bù đắp thiệt hại, nhiều hộ đã chuyển hướng sang nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Đầu tháng 5 vừa qua, gia đình anh Nguyễn Văn Huy ở thôn Mạc Bình, xã Thái Tân phải tiêu hủy 9 con lợn nái và 50 con lợn thịt do mắc bệnh DTLCP. Sau tiêu hủy, gia đình anh để trống chuồng trại. Để có nguồn thu nhập bù đắp thiệt hại do dịch bệnh, gia đình anh chuyển sang nuôi 500 con vịt và 250 con gà. “Vốn đầu tư ban đầu để nuôi gà vịt không nhiều, thời gian nuôi ngắn, nuôi vịt chỉ khoảng 45 ngày và nuôi gà 3 tháng nên sẽ quay vòng vốn nhanh, tăng thêm thu nhập”, anh Huy nói.

Nhiều năm nay, kinh tế gia đình chị Lê Thị Mai ở thôn Lê Hà, xã Thanh Quang chủ yếu phụ thuộc vào chăn nuôi lợn. Với 100 m2 chuồng trại, gia đình chị thường xuyên nuôi 3 con lợn nái và trên 20 con lợn thịt. Từ khi bị dịch, chuồng trại của gia đình chị đều bỏ không và hiện chưa thể tái đàn. Tháng 6 vừa qua, gia đình chị đã cải tạo, vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng tiêu diệt mầm bệnh và chuyển sang nuôi 400 con gà. “Trong khi chờ DTLCP được khống chế hoàn toàn, gia đình tôi chuyển sang nuôi gà vừa không để trống chuồng, vừa có thêm thu nhập”, chị Mai cho biết.

Trong lúc DTLCP chưa chấm dứt, nhiều hộ chăn nuôi ở xã Nam Hưng đã nhanh chóng chuyển hướng mở rộng quy mô nuôi bò và ngựa thương phẩm. Ông Mạc Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nam Hưng cho biết hiện xã có khoảng 300 con trâu, bò, ngựa, tăng khoảng 45%, đàn gia cầm tăng 60% so với trước khi xảy ra DTLCP.

Đến nay, nhiều địa phương của huyện Nam Sách đã công bố hết DTLCP. Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn của huyện khuyến cáo các hộ chăn nuôi lợn chưa nên tái đàn ngay, tiếp tục phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Đối với các hộ chuyển sang chăn nuôi một số loại khác cần giãn đàn, làm tốt vệ sinh phòng bệnh. Các hộ chăn nuôi cần thận trọng, lựa chọn giống nuôi bảo đảm chất lượng, tìm hiểu kỹ thị trường và đầu ra cho sản phẩm, tránh nuôi ồ ạt khi chưa có kinh nghiệm; chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh môi trường.

KIM ÁNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Sách: Người dân chuyển hướng chăn nuôi