Vài năm gần đây, được sự giúp sức của cơ quan chuyên môn, nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Nam Hưng (Nam Sách) đang dần khôi phục.
Gia đình ông Mạc Văn Thống ở thôn Trần Xá, xã Nam Hưng trồng 2 mẫu dâu liên kết với doanh nghiệp để nuôi tằm bán kén
Bám trụ với nghề
Dải đất bãi được phù sa sông Kinh Thầy bồi đắp là điều kiện thuận lợi để nhiều hộ dân thôn Trần Xá, xã Nam Hưng gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm. Nhưng theo thời gian, do yếu tố thời tiết, thay đổi tập quán sản xuất và biến động của thị trường, nghề này dần mai một. Những ruộng dâu xanh ngắt một màu ngày càng thưa thớt, thay vào đó là cây trồng mới như hành, mủa, lạc, rau...
Gia đình ông Mạc Văn Thống là một trong số ít hộ ở địa phương bền bỉ gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm. Trong khi nhiều nhà chuyển sang mô hình sản xuất khác thì ông Thống lại mở rộng diện tích trồng dâu. Gia đình ông đang trồng 2 mẫu dâu liên kết với doanh nghiệp ở Hà Nội để nuôi tằm bán kén lấy nhộng và tơ. Ông Thống cho biết: "Nuôi tằm chỉ mất công, không mất nhiều vốn nên phù hợp với lao động lớn tuổi. Với giá bán 90.000 đồng/kg kén, lợi nhuận thu về cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với cây lúa".
Những người bỏ nghề trồng dâu nuôi tằm lý giải chủ yếu do nguyên nhân khách quan. Tuy đã chuyển sang làm kinh tế trang trại song bà Nguyễn Thị Na ở thôn Trần Xá vẫn duy trì trồng 4 sào dâu bởi với nhà bà đây là nghề truyền thống, không dễ bỏ. Theo bà Na, trồng dâu nuôi tằm ngày một khó khăn vì bãi sông không còn trồng độc canh cây dâu. Người dân dùng thuốc trừ sâu cho các cây trồng khác làm ảnh hưởng tới cây dâu. Trong khi con tằm rất nhạy cảm, dễ nhiễm bệnh, chết nhiều. Vì nuôi tằm không năng suất nên nhiều hộ chán nản, bỏ nghề. Nếu tháo gỡ được vướng mắc này thì các hộ sẽ lại gắn bó với nghề.
Định hướng phù hợp
Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Nam Hưng không còn phát triển như thời kỳ thịnh vượng nhưng đang có dấu hiệu phục hồi. Từ năm 2014, Trung tâm Nghiên cứu giống tơ tằm Trung ương đưa giống dâu lai mới về địa phương nên người dân càng thêm hy vọng vực dậy nghề truyền thống. Chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Trần Xá phấn khởi nói: "Tuy trồng giống dâu mới được 2 năm nhưng tôi đã thấy hiệu quả rõ rệt. Lá dâu to, bản dày nên năng suất kén cũng cao hơn. 2 sào dâu sẽ đủ nuôi 2 vòng tằm và thu về 30kg kén. Mỗi vòng tằm kéo dài từ 2025ngày, tuy vất vả, bỏ nhiều công nhưng nếu nắm vững kỹ thuật thì sẽ có lãi".
5 năm nay, bà Nguyễn Thị Lê đã bỏ việc quay tơ mà chỉ nuôi tằm bán kén. Theo bà Lê, vì máy móc thủ công tơ không bảo đảm chất lượng nên người dân bán kén chứ không làm thêm công đoạn quay tơ. Mong muốn của bà là được các cấp, các ngành quan tâm, tiếp tục chuyển giao kỹ thuật giúp người dân thu được lợi nhuận cao nhất. "Xã hội ngày càng phát triển thì xu hướng trở lại dùng các sản phẩm từ tự nhiên sẽ tăng. Dù không thể cạnh tranh với dệt may công nghiệp nhưng sản phẩm từ tơ tằm sẽ hướng tới bộ phận khách hàng chú trọng đến chất lượng. Tôi mong muốn nghề trồng dâu nuôi tằm của xã nhanh chóng phục hồi, đi vào sản xuất tập trung, bài bản để đáp ứng yêu cầu của thị trường", bà Lê chia sẻ.
Theo HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Nam Hưng, toàn xã hiện còn 84 hộ theo nghề với hơn 10 ha trồng dâu. Xã khuyến khích các hộ tiếp tục phát triển nghề theo hướng liên kết sản xuất để tránh những bất lợi về đầu ra cho sản phẩm. Nghề trồng dâu nuôi tằm có thể phát triển để trở thành nghề sản xuất đặc thù của xã. Ông Võ Hồng Nam, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đánh giá việc khôi phục nghề truyền thống có ý nghĩa quan trọng, nhất là khi huyện đang triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm. Trồng dâu nuôi tằm là nghề đặc trưng của xã Nam Hưng nói riêng và huyện Nam Sách nói chung nhưng phải có định hướng phù hợp để nghề phát triển ổn định.
NGUYỄN MƠ