Giáo dục và đào tạo

Nhiều điều mới trong năm học mới 2024-2025

THẾ ANH 04/09/2024 11:00

Năm học 2024-2025 là năm học đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông đòi hỏi cả thầy và trò ở Hải Dương đều phải tiếp tục nỗ lực, quyết tâm đổi mới đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

00:00

b9b215fb-7773-48b9-94d7-033609e9d031-1-.jpeg
Chị Nguyễn Thị Ngọc, giáo viên dạy lớp 5 Trường Tiểu học Tân Bình (TP Hải Dương) có kế hoạch đổi mới kiểm tra, đánh giá, phát huy phẩm chất năng lực học sinh

Tiếp tục đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các trường đều quyết tâm triển khai có hiệu quả trong năm học 2024-2025 là tiếp tục đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Năm học này, Trường Tiểu học Tân Bình (TP Hải Dương) có khoảng 1.300 học sinh. Ngoài chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ, trường cũng đã sớm xây dựng kế hoạch nhiệm vụ năm học với mục tiêu đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhà trường khuyến khích, tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Giáo viên tích cực tham gia tập huấn chuyên môn tại trường và liên trường, từ đó tự tích lũy, đổi mới hình thức đánh giá, cách thức ra đề thi, kiểm tra theo hướng mở, tiếp cận năng lực học sinh.

Cô Nguyễn Thị Ngọc, giáo viên dạy lớp 5 Trường Tiểu học Tân Bình cho biết để đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh thì giáo viên cũng phải đổi mới phương pháp giảng dạy. Chị Ngọc sẽ áp dụng các phương pháp tích cực, hướng dẫn các em phát triển kỹ năng tự đánh giá để tự điều chỉnh cách học thay vì chỉ giáo viên đánh giá học sinh như trước đây. Giáo viên trở thành người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động độc lập hoặc theo nhóm nhỏ để các em tự lĩnh hội kiến thức thay vì dạy và học thụ động, truyền đạt kiến thức một chiều như trước.

“Việc kiểm tra, đánh giá học sinh sẽ được thực hiện xuyên suốt trong cả tiết học, buổi học… Muốn làm được điều này thì tôi phải đổi mới, đưa vào những phương pháp giáo dục tiên tiến, tạo hứng thú cho học sinh, để các em bộc lộ năng lực như phương pháp khăn chải bàn, mảnh ghép. Đó là những phương pháp kết hợp giữa cá nhân, nhóm và liên kết giữa các nhóm. Đổi mới kiểm tra miệng đầu giờ bằng các hình thức nhẹ nhàng, sinh động như trò chơi, bài hát tập thể để bắt đầu tiết học hứng thú", cô Ngọc nói.

Theo một số hiệu trưởng nhà trường, nếu như trước đây, đánh giá kết quả học tập của học sinh thường lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức đã học làm trung tâm, thì nay sẽ chú trọng đánh giá khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống khác nhau. Trong đánh giá thành tích học tập của học sinh sẽ chú ý cả quá trình học, sử dụng các hình thức, phương pháp khác nhau, để các em tự đánh giá bản thân và đánh giá chéo lẫn nhau…

Thi lớp 10 THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới

7e31a741-fae5-4bd2-a909-480951544650(1).jpeg
Một tiết ôn luyện của giáo viên và học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Trãi (Nam Sách)

Năm nay, lần đầu học sinh lớp 9 thi vào lớp 10, học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi cả thầy và trò phải nỗ lực quyết tâm đổi mới. Các trường trong tỉnh đã sớm xây dựng phương án để chuẩn bị hành trang tốt nhất cho học sinh.

Năm học này, Trường THCS Nguyễn Trãi (Nam Sách) có 165 học sinh lớp 9. Cô giáo Lê Thị Thụy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết ngoài việc chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trường đã xây dựng kế hoạch nhiệm vụ năm học, trong đó chú trọng giảng dạy và ôn luyện cho học sinh lớp 9.

Ngay từ trong hè, giáo viên đã được tập huấn chuyên môn, trong đó có nội dung biên soạn câu hỏi đánh giá, xây dựng đề kiểm tra khảo sát định kỳ. Do không còn cộng điểm ưu tiên học sinh giỏi khi thi vào lớp 10 nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Vì vậy để thực hiện mục tiêu “kép”, bảo đảm chất lượng thi học sinh giỏi lớp 9 và thi lớp 10, trong tháng 8, trường đã tổ chức 2 lần gặp gỡ học sinh lớp 9 để động viên các em. Dự kiến vào năm học mới, trường sẽ tiếp tục tổ chức gặp gỡ phụ huynh để cùng phối hợp nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường sẽ chuyển hướng sang giảng dạy và ôn luyện đều các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh, khoa học tự nhiên và lịch sử - địa lý, thay vì chỉ trọng tâm ôn luyện 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh như trước đây. Trường cũng đã tổ chức dạy thực nghiệm từng môn để rút kinh nghiệm xây dựng kế hoạch giáo dục cho năm học mới.

“Trường sẽ khảo sát thường xuyên, thậm chí tăng số lần khảo sát trong mỗi học kỳ theo cấu trúc đề. Sau mỗi lần khảo sát, trường sẽ phân tích chất lượng từng môn, từng lớp, từng đối tượng học sinh để kịp thời có giải pháp điều chỉnh. Sau mỗi lần khảo sát sẽ có phần thưởng động viên, khích lệ giáo viên, học sinh có thành tích tốt để tạo phong trào thi đua. Lãnh đạo nhà trường cũng tích cực dự giờ đột xuất cả các buổi chính khóa và ôn luyện của từng giáo viên”, cô giáo Thụy nói.

Dự kiến thay đổi cách tính điểm trung bình thi lớp 10 THPT

Từ năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương dự kiến sẽ tính điểm trung bình thi lớp 10 THPT để xét thi đua của các địa phương và các trường theo hướng xếp hạng theo tổng điểm/số học sinh tốt nghiệp THCS. Như vậy sẽ không còn tính thi đua theo cách truyền thống là xếp hạng tổng điểm/số thí sinh dự thi.

Thực tế những năm gần đây có trường phân luồng học sinh thái quá dẫn đến nhiều em không thi lớp 10, thiệt thòi cho học sinh. Có em do học lực yếu nên đến học kỳ II đã xác định không thi lớp 10 và chểnh mảng học tập. Một lớp học có em ôn luyện vào lớp 10 nhưng có em không ôn. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục toàn diện và kiến thức ở cấp THCS của học sinh.

Với cách tính tổng điểm/số học sinh tốt nghiệp THCS sẽ tạo công bằng cho các trường và các địa phương. Nếu làm theo cách này, tất cả học sinh sẽ đều được dự thi lớp 10 mà không ảnh hưởng đến công tác phân luồng học sinh sau THCS.

Ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương

Sớm cung ứng thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới

Để đáp ứng điều kiện phát triển năng lực cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, ngoài nội dung chương trình, sách giáo khoa thì đồ dùng, thiết bị dạy học có vai trò quan trọng.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các thông tư về danh mục thiết bị, đồ dùng dạy học tối thiểu đối với từng cấp học, trong đó nêu rõ theo chủ đề dạy học, tên thiết bị, mục đích sử dụng… Căn cứ các thông tư của bộ, các trường sẽ được cấp thiết bị, đồ dùng để dạy học sinh ngay từ đầu năm học một cách phù hợp.

Nhưng đến nay, dù đã bước sang năm cuối cùng thay sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trừ khối lớp 1 thì các khối lớp còn lại vẫn chưa được cấp thiết bị, đồ dùng dạy học. Được biết, tỉnh đã cấp hơn 200 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng hiện gặp không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân khách quan.

Do chưa được cấp theo quy định nên các giáo viên đang phải xoay xở tự làm thiết bị, dùng hình ảnh minh họa trên internet, tận dụng những thiết bị, đồ dùng dạy học của chương trình cũ để dạy học. Điều này đồng nghĩa với việc giáo viên thêm áp lực công việc, học sinh thiệt thòi và chất lượng giáo dục sẽ bị ảnh hưởng.

Vì vậy, đề nghị các cấp, ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ để sớm cung cấp thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới cho các trường.

Cô Mạc Thị Trang, giáo viên Trường THCS Phạm Sư Mạnh (Kinh Môn)

Đẩy mạnh các phương pháp giáo dục tiên tiến trong trường học

Những năm gần đây, một số phương pháp giáo dục tiên tiến như STEM, STEAM… được đưa vào trường học, giúp học sinh hình thành kỹ năng, phát triển phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Có 2 con đang học THCS, phụ huynh chúng tôi nhận thấy sự hào hứng của các con khi được học phương pháp giáo dục STEM, STEAM. Đây là chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và nghệ thuật theo cách tiếp cận liên môn; học sinh có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hằng ngày.

Ví dụ như qua làm việc nhóm, các con tự đưa ra những giải pháp để bảo vệ môi trường, cùng nhau chuẩn bị các nguyên liệu như vỏ hộp sữa, chai nhựa, giấy vụn… rồi lên ý tưởng tái chế, tạo ra những sản phẩm phong phú, đa dạng. Như vậy, học sinh được tham gia vào các hoạt động, được thảo luận, trình bày ý kiến. Qua đó, giá trị của giáo dục STEM mang lại không chỉ nằm ở sản phẩm học sinh tạo ra mà quan trọng hơn là ở quá trình thực hiện của các con. Học sinh được rèn luyện các kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình, giải quyết vấn đề hay xử lý tình huống.

Đây là phương pháp giáo dục tiên tiến, tuy nhiên cũng có trường chưa mạnh dạn ứng dụng mạnh mẽ phương pháp này. Để thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, các trường nên đẩy mạnh và ứng dụng có hiệu quả các phương pháp giáo dục tiên tiến như STEM, STEAM vào giảng dạy.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, phường Bình Hàn (TP Hải Dương)

THẾ ANH
(0) Bình luận
Nhiều điều mới trong năm học mới 2024-2025