Đời sống

Nam giới "ế" vợ ở Trung Quốc ngày càng nhiều

T.H (theo VnExpress) 12/03/2024 16:40

Đòi hỏi về sính lễ, trình độ học vấn và tài sản trước khi kết hôn khiến thanh niên nông thôn Trung Quốc gặp khó khi tìm bạn đời.

Yêu cầu ngày càng cao về sính lễ, tài sản sở hữu và mất cân bằng giới tính khiến nhiều đàn ông độc thân ở nông thôn Trung Quốc không thể lấy vợ. Ảnh minh họa: VCG
Yêu cầu ngày càng cao về sính lễ, tài sản sở hữu và mất cân bằng giới tính khiến nhiều đàn ông độc thân ở nông thôn Trung Quốc không thể lấy vợ

Khảo sát đầu năm 2024 của chính phủ Trung Quốc với gần 1.800 hộ gia đình tại 119 làng ở 26 tỉnh, cho thấy gần 43% cán bộ địa phương và hơn 46% hộ gia đình thừa nhận gặp khó khăn trong việc tìm vợ cho nhóm nam giới trên 30 tuổi. Số lượng đàn ông tại các tỉnh Hà Nam, Hồ Bắc và An Huy chưa thể kết hôn chiếm tỷ lệ cao nhất.

Giáo sư Huang Zhenhua của Viện Nghiên cứu nông thôn Trung Quốc, người dẫn dắt nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy cuộc khủng hoàng hôn nhân với nam giới độc thân trong 10 năm qua ngày càng tăng, chủ yếu là nhóm trên 30 tuổi.

Lu Dewen, giáo sư tại Trường Xã hội học Vũ Hán, chuyên nghiên cứu về quản lý nông thôn, đã thực hiện một khảo sát tương tự vào năm 2023. Hơn 65% người tham gia cho biết số nam giới độc thân trong làng đã vượt quá 10% tổng số dân.

Dữ liệu từ Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy đến cuối năm 2023, nước này có số lượng nam giới nhiều hơn nữ là 30 triệu người.

"Chính sự chênh lệch giới tính khiến đàn ông gặp khó khăn trong việc tìm người kết hôn. Đặc biệt người ở các khu vực chưa phát triển phải đối mặt với áp lực lớn hơn do tình trạng di cư", giáo sư Lu nói.

Thống kê chính thức cho thấy năm 2022, có gần 172 triệu người đã đến các thành phố lớn tìm việc. 30% trong số này là nữ, gần 70% đến từ miền Trung hoặc miền tây Trung Quốc. Xu hướng này tiếp tục gia tăng vào năm 2023 khi số người di cư vượt quá 176 triệu người.

Các chuyên gia cảnh báo rời quê hương đi lập nghiệp không chỉ gây tác động đến thị trường lao động tại địa phương mà còn ảnh hưởng đến thị trường hôn nhân. Chính sự chênh lệch giữa các yếu tố đã khiến đàn ông độc thân từ những vùng chưa phát triển rơi vào hoàn cảnh bất lợi.

"Trong nhóm đàn ông trên 30 tuổi, một phần lớn trong số họ đã bị loại khỏi thị trường hôn nhân, thậm chí suốt đời không thể lập gia đình do không có tài sản tích lũy, tiền thách cưới cao", chuyên gia nói.

Chính phủ Trung Quốc đã đưa hàng loạt các biện pháp để thúc đẩy tỷ lệ kết hôn nhưng chưa đạt hiệu quả. Ảnh minh họa: Zhao Ming/VCG
Chính phủ Trung Quốc đã đưa hàng loạt các biện pháp để thúc đẩy tỷ lệ kết hôn nhưng chưa đạt hiệu quả

Để cải thiện tình trạng trên, từ chính phủ cho đến chính quyền địa phương và đơn vị quản lý cấp làng, xã đã triển khai một loại các chính sách nhằm giảm bớt các thách thức trên thị trường. Một trong số đó là bỏ phong tục cưới đắt đỏ, thúc đẩy văn hóa hôn nhân lành mạnh, nhằm giảm bớt áp lực kinh tế cho nhà trai.

Bên cạnh đó, nhiều chính quyền địa phương cũng giới thiệu các sáng kiến thúc đẩy hôn nhân ở Trung Quốc như tạo ra các nền tảng và sự kiện gặp gỡ, mai mối, cung cấp chi phí nuôi con...

Thừa nhận có hiệu quả nhưng giáo sư Lu cho rằng các biện pháp trên không thể giúp 30 triệu đàn ông đang dư thừa tìm được vợ. Theo chuyên gia, đô thị hóa là chìa khóa để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng như thu hẹp sự chênh lệch giữa các khu vực nông thôn và thành thị, đặc biệt là nâng cao dịch vụ công và chất lượng cuộc sống.

"Khi nền kinh tế phát triển, quá trình đô thị hóa tiên tiến, thanh niên nông thôn sẽ tìm thấy các điều kiện sống tốt hơn ở thành phố, mở ra nhiều cơ hội hơn cho tương lai của họ", Lu nói.

T.H (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam giới "ế" vợ ở Trung Quốc ngày càng nhiều