Nấm ăn trên thị trường có an toàn?

02/11/2017 09:05

Nấm là thực phẩm giàu dưỡng chất, được nhiều người lựa chọn để chế biến món ăn. Nhưng hiện nay, các loại nấm được bán trên thị trường có nguồn gốc không rõ ràng và điều kiện bảo quản chưa tốt khiến người tiêu dùng lo lắng.


Nguồn gốc xuất xứ của nấm tươi không rõ ràng khiến nhiều người dùng lo lắng

Nhập nhèm

Các loại nấm ăn tươi và khô được bày bán phổ biến ở các chợ dân sinh. Tiểu thương thường nhập nấm về bán kèm với các loại rau, củ, quả. Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của nấm kim châm đang được bán tại một cửa hàng rau ở cổng chợ Đông Ngô Quyền (TP Hải Dương), chị chủ cửa hàng này một mực khẳng định là của Việt Nam. Nhưng khi kiểm tra gói nấm chúng tôi lại thấy bao bì đề nhập khẩu bởi Công ty TNHH Hưng Phát ở Đồng Nai, còn sản xuất tại đâu thì không rõ. “Tôi thường lấy các loại nấm từ một cơ sở chuyên bán buôn tại chợ Hội Đô (TP Hải Dương). Chỉ cần nấm còn tươi, ngon và giá rẻ là chúng tôi lấy về bán”, chủ quán này cho biết.

Loại nấm kim châm vừa nêu còn được đóng gói, bao bì và đề tên doanh nghiệp nhập khẩu đàng hoàng. Bên cạnh đó còn có không ít các loại nấm đùi gà, nấm hương tươi chỉ được đóng trong túi nilon sơ sài và trên bao bì không có bất cứ một thông tin nào về nguồn gốc, xuất xứ, hướng dẫn cách dùng cũng như hạn sử dụng sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Ngát, chủ một trang trại nấm ở xã Tân Hồng (Bình Giang) cho biết muốn bán nấm ăn ra thị trường phải ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng, thậm chí cả điều kiện bảo quản. Thông thường, để nấm giữ được chất lượng, người dùng phải bảo quản lạnh ở nhiệt độ từ 1-5 độ C. Theo chị Ngát thì hầu hết các cơ sở kinh doanh nấm hiện nay đều bảo quản không tốt. Nhiều khi nấm tươi còn bị phơi nắng dưới nhiệt độ cao. “Bảo quản như vậy khiến chất lượng nấm bị suy giảm, một số loại nấm còn sinh ra một số chất không tốt cho sức khỏe”, chị Ngát nói.

Việc bảo quản nấm khô còn bất cẩn hơn. Tại các cửa hàng tạp hóa, nấm hương khô chỉ được bọc trong một lần túi nilon. Thậm chí nấm hương đã mốc cũng được "phù phép" để bán. Một tiểu thương ở chợ Phú Yên (TP Hải Dương) tiết lộ: Mùa nồm ẩm nếu bảo quản không cẩn thận nấm khô thường bị mốc. Vì tiếc rẻ, nhiều chủ cửa hàng không hủy số nấm đó mà đem rửa sạch và phơi khô để bán lại. Để qua mặt người mua, người bán trộn với nấm hương loại không mốc, còn hương thơm với tỷ lệ 3-7 (tức là 3 lạng nấm mốc và 7 lạng nấm không mốc) để bán. Nhiều tiểu thương còn “cao tay hơn”, trộn nấm với tỷ lệ 50-50 (một nửa là nấm bị mốc) nhưng bí quyết là vẩy thêm một ít tinh dầu nấm để dậy mùi hơn. Loại nấm này thường được các cửa hàng chia nhỏ và gắn chặt để tránh bay mất mùi tinh dầu.

Người dùng không để ý

Theo bác sĩ Hoàng Thị Thu Nga, Khoa Khám bệnh dịch vụ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, rất ít người để ý đến tác hại của nấm khô khi bị mốc hoặc nấm tươi không được bảo quản tốt. Vì vậy không ít trường hợp bị ngộ độc thực phẩm do ăn nấm. Nếu bảo quản nấm không tốt, nhất là sử dụng nấm mốc để chế biến thì cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe.
Trong khi người tiêu dùng rất quan tâm đến chất lượng các loại rau, củ, quả hay thực phẩm khác thì nấm ăn lại dễ bị bỏ qua. Tại một cửa hàng chuyên bán rau xanh trên phố Mạc Thị Bưởi, chúng tôi thấy gói nấm kim châm không còn tươi, ngon, chân của nấm đã ngả vàng nhưng vẫn có người mua. Anh Nguyễn Văn Quang ở phố Cao Bá Quát (TP Hải Dương) vừa mua nấm kim châm tại cửa hàng này cho rằng chỉ cần cắt phần chân nấm đi là dùng được, miễn là giá rẻ. Hỏi ra mới biết anh Quang là chủ một quán lẩu trên đường Tuệ Tĩnh kéo dài.

Nấm ăn là thực phẩm tươi sống, có nhiều dưỡng chất, nhưng thời gian sử dụng thường rất ngắn, khoảng 1-2 tuần, trong điều kiện bảo quản lạnh. Nếu nấm để lâu và điều kiện bảo quản không tốt sẽ phát sinh nhiều loại vi khuẩn gây hại đến sức khỏe. Theo đại diện lực lượng quản lý thị trường tỉnh thì nấm ăn cũng là một trong những loại thực phẩm cần được kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận việc kiểm soát thị trường nấm ăn kể cả loại tươi và khô thời gian qua chưa thường xuyên. Bắt đầu vào mùa lạnh, nhu cầu sử dụng nấm ăn để chế biến tăng mạnh. Lực lượng quản lý thị trường cũng đã lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này. “Trước hết, chúng tôi sẽ cho kiểm tra việc kinh doanh mặt hàng này tại các chợ đầu mối và dân sinh. Nếu phát hiện cửa hàng nào kinh doanh nấm ăn nhập khẩu vi phạm các quy định về nhãn mác sẽ thu giữ. Đối với các loại nấm ăn khô nếu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cũng sẽ thu giữ và xử lý nghiêm người bán”, đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết.

HẢI MINH

Theo khoản 1 điều 31, Nghị định 91/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, các hành vi không lưu giữ hoặc lưu giữ không đầy đủ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các tài liệu khác về quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Phạt từ 5-10 triệu đồng nếu có hành vi sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm. Như vậy, người bán nấm ăn không rõ nguồn gốc hoặc không rõ hạn sử dụng sẽ bị phạt nặng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nấm ăn trên thị trường có an toàn?