Năm 2019, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tham mưu xây dựng quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2021-2026.
Phát biểu khai mạc Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 sáng 18.1, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết từ sau Đại hội Đảng XII và năm 2018 vừa qua, ngành tổ chức xây dựng Đảng đã quyết tâm đổi mới phương pháp, lề lối, phong cách làm việc.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng dự hội nghị |
Theo rưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, năm qua, ngành đã hoàn thành khối lượng lớn công việc với chất lượng ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước, củng cố niềm tin của người dân.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, hội nghị hôm nay nhằm đánh giá công tác xây dựng Đảng hơn nửa nhiệm kỳ qua cũng như triển khai nhiệm vụ năm tới, tạo tiền đề tiến tới Đại hội Đảng XIII.
Đồng chí đề nghị các đại biểu căn cứ thực tế công tác chia sẻ những vấn đề tâm đắc trong công tác xây dựng Đảng cũng như góp ý năm 2019 ngành xây dựng Đảng cần quan tâm điều chỉnh nội dung gì, có đề xuất kiến nghị gì với Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính |
Giảm 9 tổng cục và tương đương
Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho biết năm qua, ngành tổ chức xây dựng Đảng đã tích cực tham mưu chuẩn bị nội dung trình các hội nghị Trung ương 7, 8, 9; lấy ý kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương và phiếu tín nhiệm đối với Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham mưu kiện toàn nhân sự cấp cao.
Cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, toàn ngành đã hoàn thành 54/58 đề án, nhiệm vụ quan trọng, đạt 93% kế hoạch; tổng kết nhiều chủ trương, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tham mưu ban hành hơn 60 văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng, đặc biệt là 3 nghị quyết, 1 quy định của Ban Chấp hành Trung ương để thực hiện toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ về xây dựng Đảng.
Theo Phó Ban Tổ chức Trung ương, năm qua, thực hiện tốt công tác quản lý, phát triển đảng viên và tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Hiện tổng số đảng viên lên 4,9 triệu người.
Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.
Đến cuối tháng 10.2018, toàn hệ thống chính trị đã giảm 3 ban chỉ đạo, 9 tổng cục và tương đương, 201 cục, vụ và tương đương, 65 ban, sở, ngành cấp tỉnh, 6.954 phòng và tương đương; giảm hơn 50 lãnh đạo cấp tổng cục, trên 300 lãnh đạo cấp cục, vụ; 172 lãnh đạo ban, sở, ngành cấp tỉnh và tương đương, 9.332 lãnh đạo phòng; giảm 60.659 biên chế.
Chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền
Đề cập đến nhiệm vụ năm 2019, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh 8 nhiệm vụ trọng tâm.
Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình |
Trong đó có công tác tham mưu công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Cụ thể là hoàn thành việc tổng kết Chỉ thị 36 để trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Chỉ thị mới về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Tham mưu tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng; thực hiện tốt nhiệm vụ của tiểu ban nhân sự và tiểu ban Điều lệ Đảng.
Thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026. Tham mưu xây dựng quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các nghị quyết Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Trong đó có việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch
Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác được Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình nêu ra là chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền; siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thu hút, trọng dụng nhân tài.
Thực hiện nghiêm cơ chế đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ; cơ chế bồi dưỡng, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Cùng với đó thực hiện trách nhiệm nêu gương…
Theo Vietnamnet