Sự đối đầu giữa Nga và EU đã gián tiếp giúp Mỹ thu hái được "nhiều thành quả". Từ sự "thu hái" này, Mỹ đang tính toán đến một chiến lược là đánh bật Nga ra khỏi thị trường năng lượng EU...
Mỹ áp trừng phạt nhằm mục đích thống trị thị trường dầu mỏ thế giới. Ảnh: AP
Sức ép từ các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã và đang gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế của Nga. Với Mỹ không chỉ dừng ở các đòn trừng phạt được thể chế bằng các điều luật cụ thể mà còn muốn đi xa hơn đó là từng bước loại Nga ra khỏi thị trường năng lượng của EU. Vậy liệu Mỹ có thành công từ kế hoạch này không?
Toan tính của Mỹ
Sự đối đầu giữa Nga và EU đã gián tiếp giúp Mỹ thu hái được "nhiều thành quả". Từ sự "thu hái" này, Mỹ đang tính toán đến một chiến lược là đánh bật Nga ra khỏi thị trường năng lượng EU bằng việc gia tăng xuất khẩu mặt hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào EU. Khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đã theo đuổi tham vọng đưa nước Mỹ thành nước xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới và thị trường mà ông Donald Trump hướng đến chính là EU với mục đích cả chính trị và kinh tế, còn trong lòng EU cũng từ tính toán chính trị nhiều nước EU đã quyết định nhập LNG từ Mỹ nhằm từng bước thoát khỏi sự phụ thuộc vào dòng khí tự nhiên của Nga. Hiện Nga đang cung cấp 35% nhu cầu khí đốt cho EU và là nhà cung cấp lớn nhất về dầu mỏ cho EU. Có 13 nước thành viên EU phụ thuộc tới 75% nhu cầu khí đốt từ Nga. Do đó, việc tạo ra một đối trọng thông qua việc chiếm lĩnh thị phần năng lượng với mặt hàng chiến lược như LNG sẽ giúp Mỹ tạo thêm ảnh hưởng đối với đồng minh châu Âu. Để phục vụ cho chiến lược chiếm lĩnh thị phần năng lượng của EU, Mỹ tập trung xây dựng hạ tầng đấu nối và hậu cần tại biển Baltic cho phép Ba Lan và một số nước khác thuộc vùng Baltic nhập 7,5 tỷ mét khối LNG của Mỹ, đây là bước đi cụ thể của Mỹ - Ba Lan tiến tới việc "cắt đứt" nguồn khí đốt của Nga vào khu vực Baltic. Như vậy, có thể thấy rõ những toan tính của Mỹ về việc thay Nga trở thành nhà cung cấp năng lượng chính cho EU, vấn đề này sẽ dẫn đến kết quả rõ ràng là:
Với Mỹ, đây là bước đi để thực hiện lời hứa của Mỹ với châu Âu từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc đó là Mỹ sẽ bảo đảman ninh chung cho châu Âu, nay Mỹ cũng sẽ là người bảo đảmcả an ninh năng lượng cho châu Âu. Và với vũ khí năng lượng, Mỹ có thêm công cụ để đối đầu với Nga không chỉ về địa chính trị mà còn cả địa kinh tế.
Với EU, hiện châu Âu đang phụ thuộc Mỹ về vấn đề quân sự trong khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Mỹ đang bảo đảm tới 71% chi phí và EU hoàn toàn bị Mỹ chi phối về mặt quân sự. Do đó nếu Mỹ thành công trong việc chiếm lĩnh thị trường năng lượng tại EU thì đồng nghĩa với việc Mỹ cũng sẽ hoàn toàn chi phối các chính sách của khối này.
Dự báo "khủng khiếp" từ Mỹ và đồng minh
Mỹ và Saudi Arabia vừa đưa ra những nhận định về "bí mật khủng khiếp" của Nga rằng Nga sẽ sớm rút khỏi thị trường năng lượng thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà hai cường quốc năng lượng thế giới lại đưa ra nhận định gây sốc cho thế giới như vậy.
Thái tửSaudi ArabiaAl-saud Salman dự đoán rằng Nga sắp rút khỏi thị trường dầu mỏ vì Nga bắt đầu giai đoạn sẽ không bao giờ tìm thấy dầu mỏ ở bất cứ nơi nào, trữ lượng dầu mỏ của Nga sẽ không thăm dò và xác thực. Nga sẽ mãi mãi ở mức công nghệ sản xuất hiện tại và sẽ cạn kiệt dầu trong tương lai gần. Nước này cũng sẽ bị các đối thủ dầu mỏ khác sớm thay thế trong thị trường năng lượng toàn cầu.
Cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Larry Kudlov cho rằng ngành dầu mỏ của Nga sẽ suy yếu hoặc chết trong thời gian tới và sẽ mất vị trí siêu cường năng lượng. Ông Kudlov nói rằng: "Cách tốt nhất để đối đầu với Nga" là Mỹ phải trở thành cường quốc năng lượng mạnh nhất và loại Nga ra khỏi thị trường năng lượng châu Âu. Ông Kudlow có trùng nhận xét với thái tử Saudi Arabia về việc Nga sẽ cạn kiệt nguồn dầu mỏ và sớm bị loại ra khỏi thị trường này.
Trước các nhận định của Mỹ và Saudi Arabia về "triển vọng" dầu khí của Nga, giới phân tích địa chính trị cho rằng những quốc gia thù địch của Nga đang mong muốn chính quyền của ông Putin sụp đổ sẽ hài lòng với dự báo của Mỹ và Saudi Arabia, nhưng với Nga điều đó sẽ không xảy ra.
Việc Mỹ tuyên bố sẽ cạnh tranh và "đánh bật" Nga ra khỏi thị trường năng lượng EU, song song với đó Mỹ sẽ trừng phạt ngành dầu mỏ của Iran vào ngày 4.11 sẽ đẩy giá dầu tăng cao nhất kể từ năm 2014. Giá dầu hiện ở mức cao không phải do nhu cầu thực của nền kinh tế thế giới mà do những bất ổn về chính trị tạo ra. Khi giá dầu tăng cao các nền kinh tế mới nổi sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất. Còn riêng với Nga, một cường quốc nhiên liệu lại không hề hấn gì bởi Nga tự chủ được nguồn cung. Nhiều chuyên gia cho rằng Nga không mặn mà với việc giá dầu tăng. Phát biểu tại một diễn đàn dành cho năng lượng Nga hôm 3.10 vừa qua, Tổng thống Nga Putin nói rằng: "Chúng tôi hoàn toàn hài lòng với các mức giá 65 - 70 - 75 USD/thùng dầu. Các mức giá này đủ để bảođảm hoạt động hiệu quả của các công ty năng lượng và cho quá trình đầu tư".
Đặt ra một chiến lược là từng bước loại Nga ra khỏi thị trường năng lượng của EU dựa trên cơ sở mối quan hệ "chưa hòa hợp" giữa Nga và EU nhưng Mỹ có làm được điều này hay không là câu chuyện hoàn toàn khác bởi mặt hàng LNG không chỉ riêng mình Mỹ có, mặt khác bản thân EU cũng đang muốn đa dạng hóa nguồn cung năng lượng cho mình nhưng chắc chắn rằng EU không thể bỏ qua được nguồn cung của Nga.
HẢI HÀ