Bình luận

Mỹ kết hợp sức mạnh quân sự với ngoại giao nhằm định hình lại Trung Đông

06/02/2024 19:26

Chính quyền Mỹ đang tìm cách đẩy lùi ảnh hưởng của Iran, giải quyết xung đột ở Gaza, thúc đẩy bình thường hóa Israel - Saudi Arabia và thành lập một nhà nước Palestine.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv vào tháng 10/2023

Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức lớn khi tăng cường can dự ngoại giao và quân sự ở Trung Đông nhằm tìm cách chấm dứt cuộc chiến tàn khốc ở Gaza và đẩy lùi ảnh hưởng của Iran, theo nhận định của tờ Wall Street Journal ngày 5/2.

Khi Ngoại trưởng Antony Blinken thực hiện chuyến thăm lần thứ 5 tới Trung Đông kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10 năm ngoái, mục tiêu của Mỹ là giảm giao tranh và phóng thích khoảng 130 con tin vẫn còn bị giam giữ ở Gaza, một bước quan trọng để thúc đẩy các mục tiêu tham vọng hơn của mình. Trên mặt quân sự, Mỹ đã tấn công mạnh mẽ các lực lượng dân quân thân Iran ở Iraq, Syria và Yemen vào cuối tuần qua.

Nhưng nỗ lực của Mỹ phải đối mặt với những trở ngại lớn, nhất là những đòi hỏi thỏa hiệp từ tất cả các bên. Điều rõ ràng là Trung Đông, nơi mà Nhà Trắng hy vọng có thểđặt xuống hàng thứ yếu so với những ưu tiên cao hơn liên quan đến Trung Quốc và xung đột ở Ukraine, giờ đây đã nổi lên như một thách thức cấp bách nhất đối với chính sách đối ngoại của Washington.

Martin Indyk, cựu đặc phái viên Mỹ về đàm phán Israel-Palestine và từng là Đại sứ tại Israel, cho biết: “Giao tranh ở Gaza là động lựcđể Mỹ thay đổi cách tiếp cận đối với một cuộc xung đột dai dẳng. Chính quyền Biden hiện nhận ra rằng họ không thể đạt được các mục tiêu chiến lược ở Trung Đông nếu không có cách tiếp cận bền vững hơn để giải quyết xung đột Israel-Palestine”.

Mới mùa xuân năm ngoái, chính quyền Mỹ đã có cách tiếp cận hoàn toàn khác. Chiến lược của họ là khuyến khích Israel và Saudi Arabia xích lại gần nhau dựa trên giả định rằng người Palestine ở Bờ Tây và Gaza do Israel chiếm đóng có đòn bẩy hạn chế và cuối cùng sẽ chấp nhận các thỏa thuận tự quản tiềm năng. Dự đoán sẽ không có thách thức quân sự lớn nào, chính quyền Biden cũng giảm bớt sự hiện diện quân sựcủa Mỹ trong khu vực.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan từng viết trong một bài bình luậntrên Tạp chí Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy): “Mặc dù Trung Đông vẫn bị bao phủbởi những thách thức lâu năm, nhưng khu vực này đã yên tĩnh hơn so với nhiều thập kỷ trước”. Bài báo đó đã được đềxuất xuất bản ngay trước cuộc tấn công hồi tháng 10 năm ngoái của Hamas vào Israel và sau đó đã được điều chỉnh lại.

Các chuyên gia cho biết, với số thương vong ở Gaza đang gây chấn động khu vực, chiến lược của Mỹ hiện kêu gọi giải quyết câu hỏi hóc búa về hòa bình ở Trung Đông bằng cách ưu tiên cho vấn đề Palestine: Thúc đẩy triển vọng của người Palestine về một nhà nước của riêng họ đã trở thành điều kiện tiên quyết để theo đuổi quá trình bình thường hóa Israel - Saudi Arabia và cùng với đó là hy vọng thúc đẩy một liên minhchống Iran rộng rãi trong khu vực.

Frank McKenzie, Tướng Thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu, người từng đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ chỉ huy các lực lượng của nước này tại Trung Đông, nêu quan điểm: “Chiến tranh mang lại cơ hội. Và có cơ hội ở đây, nếu chúng ta có thể nắm bắt được nó”.

Với nền chính trị trong năm bầu cử Mỹđang ở giai đoạn quan trọng, tiến trình hướng tới một nhà nước Palestine và việc chấm dứt giao tranh ở Gaza có thể giúp Nhà Trắng đáp trả những lời chỉ trích thuộc phe cánh tả của Đảng Dân chủ, những người phàn nàn rằng chính quyền Biden đã quá nghiêng về phíaIsrael, không đe dọa cắt giảm hỗ trợ quân sự.

Nhưngsự sụp đổ của nỗ lực ngoại giao có thể ảnh hưởng đến triển vọng tái đắc cử của Tổng thống Biden, đặc biệt là ở Michigan, nơi có đông đảo người Mỹ gốc Arab. Những thách thức đối với một bước đột phá ngoại giao bao gồm việc đảm bảo sự hợp tác của Israel, khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tuyên bố phản đối việc thành lập một nhà nước Palestine. Chính quyền Mỹ cũng phải duy trì sự ủng hộcủa Saudi Arabia, điều này có thể sẽ cần hoàn thành hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Saudi Arabia và đảm bảo được Thượng viện phê chuẩn.

Ngoài ra, Chính quyền Palestine sẽ cần phải cải cách để có thể quản lý Bờ Tây và Gaza với sự ủng hộ của công chúng Palestine. Ngay cả khi điều đó xảy ra, những lo ngại sâu xa ở tất cả các bên sẽ cần phải được khắc phục vì nhiều người Israel vẫn cảnh giác với việc trao quyền cho một nhà nước Palestine sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên sau một vụ không kích tại Mosul, Iraq

Dennis Ross, cựu quan chức cấp cao của Mỹ về Trung Đông, hiện đang làm việc tại Viện Chính sách Cận Đông của Washington cho biết: “Chúng tacần phải dung hòa nỗi lo sợ của Israel rằng một nhà nước Palestine chắc chắn sẽ bị thống trị bởi Hamas hoặc một nhóm giống Hamas. Tất cả các mảnh ghép đều sẵn sàng cho một bước đi chiến lược lớn hơn. Thách thức lớn nhất là làm thế nào để chúng takết hợp những điều đó lại với nhau”.

Chuyến thăm mới nhất của Ngoại trưởng Blinken tới Trung Đôngtập trung vào việc đặt nền móng cho động thái đó bằng cách đảm bảo một thỏa thuận giải thoát con tin, điều sẽ mang lại không gian cho hoạt động ngoại giao đầy tham vọng hơn.

Ông Sullivan cho biết ngày 4/2rằng chính quyền Biden đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận dẫn đến việc thả các con tin, trong đó có người Mỹ, cũng như tạm dừng cuộc giao tranh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển hàng viện trợ đến Gaza. “Đó là ưu tiên hàng đầu đối với chúng tôi", ông Sullivan nói về một thỏa thuận con tin tiềm năng trên chương trình “Face the Nation” của CBS.

Tất cả điều này được thực hiện khi Mỹ và các đồng minh đang tiến hành các cuộc tấn công quân sự chống lại lực lượng thân Iran nhằm ngăn chặn họ tấn công quân đội Mỹ, ngăn chặn thương mại quốc tế ở Biển Đỏ và làm gián đoạn nỗ lực ngoại giao của Washington.

Charles Lister thuộc Viện Trung Đông, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, nhận định cuộc tấn công hôm 2/2 là hành động quân sự lớn nhất mà Mỹ tiến hành nhằm vào các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Syria và Iraq kể từ chiến tranh Iraq. Chuyên giaLister nêu rõ: “Từ quan điểm của các lực lượng ủy nhiệm này, họ đang tham gia vào một cuộc chiến tranh tiêu hao lâu dài chống Mỹ”.

Tóm lại, tính toán của chính quyền Biden là sự kết hợp giữa ngoại giao và sức mạnh quân sự để có thể mang lại cho Washington đòn bẩy trong một khu vực thường tỏ ra chống các sáng kiến của Mỹ. "Kế hoạch đó có hiệu quả không? Đó là một thách thức khá lớn nhưng tôi hoàn toàn ghi nhận nỗ lực của Tổng thống Biden và các cố vấn của ông ấy vì đã tìm cáchnắm bắt cơ hội và tạo ra sự thay đổi mô hình nhằm mang lại kết quả chiến lược. Nó sẽ cần rất nhiều sự hợp tác từ một số nhân tố từng bất hợp khác”, cự Đại sứ Mỹ tại Israel Indyk kết luận.

T.H (theo báo Tin tức)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ kết hợp sức mạnh quân sự với ngoại giao nhằm định hình lại Trung Đông