Ngày 15.8 rộ lên thông tin Đài Loan đã chính thức ký thỏa thuận mua 66 tiêm kích F-16 thế hệ mới của Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ), một động thái có thể khiến quan hệ Mỹ - Trung vốn đang nóng càng thêm nóng.
Tiêm kích F-16 của Đài Loan có mang tên lửa (trái) trong một lần bay giám sát máy bay ném bom H-6 (phải) của Trung Quốc hồi tháng 2.2020. Ảnh: Cơ quan phòng vệ Đài Loan
Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố trên trang web của họ bản sao của một hợp đồng 10 năm cho thấy nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin được trao 62 tỷ USD để sản xuất 90 tiêm kích F-16 thế hệ mới nhưng không nêu cụ thể bên mua, có thể vì tính nhạy cảm của vấn đề.
Bắc Kinh nổi giận
Hai hãng tin AFP và Bloomberg sau đó dẫn các nguồn thạo tin cho biết Đài Loan sẽ là một trong các bên mua với tổng cộng 66 tiêm kích, còn Morocco sẽ mua 24 chiếc. Theo thông báo của Lầu Năm Góc, việc chế tạo 90 tiêm kích trên sẽ hoàn tất vào tháng 12-2026.
Thương vụ F-16 này, nếu thực sự có khách hàng là Đài Loan, sẽ đánh dấu là thương vụ bán tiêm kích tiên tiến đầu tiên của Mỹ cho đảo Đài Loan kể từ khi tổng thống George H. W. Bush công bố duyệt bán 150 tiêm kích F-16 cho vùng lãnh thổ này năm 1992.
Thật ra, chính quyền Tổng thống Trump đã bắn tín hiệu tán thành kế hoạch trên cách đây khoảng một năm, trong một thông báo gửi tới Quốc hội Mỹ.
Cụ thể, tháng 8.2019, Bộ Ngoại giao Mỹ duyệt hợp đồng bán 66 tiêm kích F-16V cho Đài Loan. Lúc bấy giờ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc "một Trung Quốc".
Sau thông tin Đài Loan chính thức ký thỏa thuận mua 66 tiêm kích F-16 thế hệ mới của Mỹ, ngày 15-8, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của chính quyền Bắc Kinh đã đăng ngay một bài viết gọi đây là động thái khiêu khích.
"Các chuyên gia Trung Quốc nói rằng việc Mỹ công bố thông tin vào thời điểm hiện nay được tin là một động thái khiêu khích nữa của Mỹ và là một bước đi giẫm lên lằn ranh đỏ của vấn đề Đài Loan, làm tăng nguy cơ đối đầu" - Hoàn Cầu Thời Báo viết.
Ông Nghê Phong - giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc - bình luận rằng với việc thông báo đã chốt thỏa thuận F-16, Mỹ đang cho thấy lập trường cứng rắn của mình và động thái này có thể được xem là để phản ứng với các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc gần đảo Đài Loan.
Ai lợi hại hơn?
Các tiêm kích F-16 thế hệ mới trên sẽ được lắp ráp tại các cơ sở của Lockheed Martin ở Greenville (bang South Carolina) và Fort Worth (bang Texas). Đây là phiên bản tiêm kích F-16 hiện đại nhất thế giới, được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến.
Đáng chú ý, những chiếc F-16V mà Đài Loan đặt mua sẽ được trang bị hệ thống rađa kiểm soát hỏa lực APG-83 do Tập đoàn Northrop Grumman chế tạo. Đây là loại rađa vốn được trang bị trên các tiêm kích thế hệ thứ 5 như F-22 và F-35, giúp phạm vi theo dõi và phát hiện mục tiêu đạt tiến bộ vượt bậc.
Khi đó, F-16V sẽ có được những khả năng chiến đấu không đối không và không đối đất của các dòng tiêm kích thế hệ thứ 5.
Nhưng tờ Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc tự tin tuyên bố chỉ cần dòng tiêm kích J-10B và J-10C của Trung Quốc đã có thể đối đầu với F-16V, đồng thời các tiêm kích F-16V "không phải là đối thủ của J-11 (tiêm kích thế hệ thứ tư của Trung Quốc), huống gì là J-20 (máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm) tiên tiến hơn nhiều".
Dù vậy, các chuyên gia của Trung Quốc vẫn phải thừa nhận F-16V "có thể trở thành mối đe dọa cho các lực lượng của quân đội Trung Quốc". Còn Hãng tin CNA của Đài Loan dẫn một nguồn tin quân sự cho rằng với sự hỗ trợ của máy bay cảnh báo sớm E-2K, F-16V có thể kiềm chế được J-20 của Bắc Kinh.
Cùng với kế hoạch nâng cấp phi đội hiện tại gồm hơn 140 tiêm kích F-16A và F-16B lên F-16V, Đài Loan dự kiến sẽ sở hữu tổng cộng khoảng 210 tiêm kích F-16V vào năm 2026, đạt quy mô lớn nhất ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào lúc đó, theo trang Taiwan News.
Mở cả trung tâm bảo dưỡng Cuối năm 2019, Tập đoàn Phát triển công nghiệp hàng không vũ trụ Đài Loan (AIDC) và nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược mở đường xây dựng trung tâm bảo dưỡng tiêm kích F-16 ở Đài Loan vào năm 2023. |
Theo Tuổi trẻ