Đời sống văn hóa

Mừng tuổi xưa và nay

TIẾN HUY 10/02/2024 16:45

Mừng tuổi vốn là một nét văn hóa truyền thống đẹp đẽ ở Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng vào mỗi đầu năm mới, để con cháu bày tỏ thành kính với các bậc bề trên, cũng là dịp người lớn tỏ lòng yêu con trẻ, gửi gắm lời nhắn nhủ trẻ em chăm ngoan học giỏi...

momo-upload-api-191225093515-637128633154332227-1673861650760668441327.jpg
Mừng tuổi vốn là một nét văn hóa truyền thống đẹp đẽ vào mỗi đầu năm mới và đã song hành cùng Tết cổ truyền của Việt Nam từ xưa đến nay (ảnh minh họa)

Tục mừng tuổi đầu xuân được cho là khởi nguồn từ Trung Quốc, nhưng đã đã song hành cùng với Tết cổ truyền của Việt Nam từ xưa đến nay. Kể từ thời khắc giao thừa, sau khi mâm cúng được dâng lên, hương thơm bắt đầu được thắp trên bàn thờ gia tiên thì ông bà, cha mẹ bắt đầu mừng tuổi cho con cháu. Đầu thế kỷ XX, nhà văn, nhà báo Phan Kế Bính viết trong sách Việt Nam phong tục: "Cúng gia tiên xong thì con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy hai lạy".

Cũng như cả nước, ngày nay tục mừng tuổi ở Hải Dương đã giảm nhiêu khê, con cháu không còn lạy ông bà, cha mẹ, song ý nghĩa tốt đẹp mà tục mừng tuổi muốn gửi gắm vẫn còn nguyên vẹn. Cả gia đình nhiều thế hệ quây quần trong căn phòng ấm áp của ngày đầu năm mới, con cháu lễ phép khoanh tay nhận những phong bao đỏ thắm như màu hoa đào, kèm theo lời chúc chăm ngoan học giỏi, đỗ đạt, kính già, yêu trẻ. Người lớn tuổi cũng nhận lại từ con cháu những phong bao đã được chuẩn bị từ trước Tết với lời chúc trường thọ, mẫn tiệp để làm chỗ dựa cho đại gia đình...

Phong bao mừng tuổi khi trước ít mẫu mã, số lượng không nhiều và đều mang màu đỏ. Trong hội họa, màu đỏ là gam màu nóng, còn là màu sắc biểu trưng cho sự hưng thịnh, may mắn, phù hợp xuất hiện vào đầu năm mới. Ngày nay, phong bao được in hàng loạt với nhiều màu sắc, mẫu mã và tính chất của việc mừng tuổi đầu xuân cũng có nhiều thay đổi so với trước, nhất là số tiền mừng tuổi.

"Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu, mỗi đứa một vài xu hoặc một vài hào, gọi là tiền mừng tuổi. Khách tới chơi chúc Tết cũng được chủ nhà mừng tuổi hoặc ngược lại", nhà văn, nhà báo Phan Kế Bính viết tiếp trong sách Việt Nam phong tục. Như vậy, nét đẹp, ý nghĩa của tục mừng tuổi không nằm ở số tiền bên trong phong bao, mà ở những hàm ý sâu xa khác, đó là ước vọng cho nhau có sức khỏe đủ đầy, làm ăn hanh thông, mùa màng tươi tốt, bệnh tật tiêu trừ...

hanoimoi.com.vn-uploads-images-thuhang-2023-01-22-_le-bich.jpg
Ngày nay, dù tục mừng tuổi đầu xuân không giữ được nếp truyền thống song vẫn mang những ý nghĩa tốt đẹp vào mỗi dịp đầu năm mới (ảnh minh họa)

Anh bạn tôi vốn định cư cùng gia đình ở châu Âu từ nhỏ. Khoảng chục năm nay, anh đều rất thích về quê đón Tết cổ truyền, và mừng tuổi là một trong những lệ tục anh rất thích thú, nhất là sau khi nghe tôi giải thích cặn kẽ. Thế nhưng, Tết năm ngoái, anh kể về nỗi e ngại khi anh mừng tuổi. Ấy là khi vừa vào một gia đình chúc Tết, người mẹ đã cười to, nói với đám trẻ:

- Bọn này ăn to rồi nhé, được Việt kiều mừng tuổi thì tha hồ mua đồ chơi!

Bạn tôi mừng tuổi đám trẻ xong thì chị chủ nhà lại hồn nhiên:

- Ơ thế chị không được mừng tuổi à? Ha ha!

Khi đám trẻ nhà chị đứng ngay trước mặt người lớn bóc phong bao thì có đứa nói ngay:

- Hai mươi nghìn thôi, cứ tưởng thế nào!

Câu chuyện trong ngày Tết giữa người bạn tôi và gia chủ chợt chùng lại ngượng ngùng.

Hay chuyện nhiều người lớn bây giờ sau mỗi ngày thu lại tiền mừng tuổi của con, ngồi đếm trước mặt đám trẻ, khiến chúng tự hình dung mình giống như một "công cụ", việc nhận phong bao mừng tuổi giống như việc đi "làm kinh tế" cho mẹ. Rồi câu chuyện nhiều đứa trẻ hồn hiên hỏi nhau "hôm nay được bao nhiêu tiền mừng tuổi", cũng cho thấy nhiều trẻ em bây giờ không được chỉ bảo cặn kẽ về ý nhân văn tốt đẹp của tục mừng tuổi đầu xuân mà chú trọng nhiều hơn đến số tiền mừng tuổi.

Chưa hết, lệ tục đẹp mừng tuổi đầu xuân ngày nay đối với một số người còn giống như một dịp để "trả ơn" hay thể hiện mình. Ví như có anh kinh tế không khá giả gì, nhưng Tết đến cầm xấp tiền chẵn mừng tuổi "đại trà", trong khi có thể vợ con nheo nhóc ở nhà. Ý nghĩa đẹp đẽ của tục mừng tuổi đầu xuân mới cứ thế trôi đi qua từng cái Tết...

Tục mừng tuổi vốn không mang giá trị về vật chất. Theo những người lớn tuổi, trước kia cứ có mừng tuổi là tốt lắm rồi, trẻ nhỏ cũng không đòi hỏi, người lớn càng không, nhất là không quan trọng số tiền được mừng tuổi. Sau Tết, trẻ nhỏ mới mở phong bao mừng tuổi đút vào con lợn đất làm tiền tiết kiệm hoặc mua đồ chơi sau khi được sự đồng ý của cha mẹ. Như thế, tục mừng tuổi càng nhân lên ý nghĩa trong đầu xuân, năm mới!

TIẾN HUY
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mừng tuổi xưa và nay