Mùa Vu lan năm nay đã trở lại với những hoạt động mang đậm nét đẹp văn hoá truyền thống sau 2 năm phải tạm dừng vì dịch Covid-19.
Một tiết mục văn nghệ tại đại lễ Vu lan do chùa Đại Quang (xã Đại Sơn, Tứ Kỳ) tổ chức
Lên chùa cầu siêu
Từ đầu tháng 7 âm lịch đến nay, chùa Đống Cao (xã Tân Hưng, TP Hải Dương) ngày nào cũng mở cửa đón người dân đến dâng hương, làm lễ cầu siêu bày tỏ lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục tổ tiên, ông bà, cha mẹ nhân mùa Vu lan báo hiếu. Trong 2 ngày mùng 6 và 7.7 âm lịch, chùa này đã tổ chức “Đại lễ Vu lan báo hiếu”. Gần 1.000 tăng ni, phật tử và người dân tham dự đã được nghe sư trụ trì thuyết giảng ý nghĩa của lễ Vu lan, tham gia tụng kinh cầu siêu cho anh linh các anh hùng liệt sĩ, tổ tiên, ông bà, cha mẹ…
Lễ Vu lan báo hiếu cũng vừa được chùa Sùng Khánh (xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ) tổ chức trang trọng. Trong không gian linh thiêng, người dân cùng đọc kinh niệm Phật cầu cho cha mẹ còn sống luôn được mạnh khoẻ, trường thọ, sống vui vẻ bên con cháu hoặc cho cha mẹ và người thân đã khuất được siêu thoát. Bà Nguyễn Thị Ly ở xã Ngọc Kỳ cùng con cháu tham dự hoạt động này chia sẻ: “Cứ mỗi lần về dự lễ Vu lan báo hiếu là biết bao nhiêu ký ức tuổi thơ, lớn lên luôn có cha mẹ ở bên chăm sóc, yêu thương lại ùa về. Giờ cha mẹ tôi đã mất cả nên về đây để tưởng nhớ, tri ân. Con cháu tôi đi theo cũng sẽ hiểu được ý nghĩa mà sau này phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp”.
Lên chùa cầu siêu là một trong những việc làm ý nghĩa, thường được người dân thực hiện trong mùa Vu lan. Dịp này, các chùa trong tỉnh đều mở cửa đón tiếp người dân đến thắp hương, cầu nguyện cho người thân của mình. Nhiều chùa tổ chức đa dạng các hoạt động như tụng kinh, cầu siêu cho anh linh các anh hùng liệt sĩ, tổ tiên của các gia đình tại địa phương, liên hoan văn nghệ với chủ đề công cha nghĩa mẹ, tặng quà cho những người khó khăn… Một số ít chùa còn tổ chức nghi thức “Bông hồng cài áo” tri ân các bậc sinh thành.
Việc tổ chức lễ Vu lan báo hiếu đều được tổ chức trang trọng, tiết kiệm. Các nhà chùa không thu tiền mua sớ, lễ mang hình thức dịch vụ tâm linh và các nghi lễ không phù hợp với chính pháp và nghi lễ truyền thống. Người dân tham dự lễ phát tâm công đức trên tinh thần tự nguyện. Hầu hết các chùa đều khuyến cáo người dân không đốt vàng mã…
Một số dòng họ tổ chức đại lễ cầu siêu phả độ gia tiên nhân mùa Vu Lan báo hiếu
Làm việc có ý nghĩa
Thượng tọa Thích Thanh Vân, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết Vu lan bắt nguồn từ sự tích về bậc đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Phật giáo coi lễ Vu lan báo hiếu vào tháng 7 âm lịch hằng năm là một trong những lễ trọng. Trước kia, đại lễ Vu lan báo hiếu thường được tổ chức vào rằm tháng 7 âm lịch, ngày nay có thể tổ chức vào tất cả các ngày trong tháng này. Từ chỗ là một nghi lễ của Phật giáo, ngày lễ Vu lan đã hoà quyện với triết lý, tục thờ cúng ngày rằm tháng 7 âm lịch (xá tội vong nhân) của nhân dân. Vu lan báo hiếu trở thành nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân Việt Nam.
Tháng 7 âm lịch hằng năm, nhiều gia đình dọn dẹp mộ phần cho người đã khuất, làm cơm cúng tổ tiên, ông bà, bố mẹ. Một số dòng họ có điều kiện còn tổ chức đại lễ cầu siêu phả độ gia tiên. Nhiều gia đình có cha mẹ còn sống thì tổ chức gặp mặt liên hoan, tặng quà, đi du lịch. Con cháu sinh sống, làm ăn xa quê dịp này cũng về quê thăm ông bà, bố mẹ… Tuy nhiên, một số gia đình có điều kiện bày vẽ làm cỗ cúng, mua hàng triệu tiền vàng mã để hoá cho tổ tiên. Đây là việc làm không nên vì đốt vàng mã không có trong truyền thống, giáo lý đạo Phật, vừa gây tốn kém cho người dân và ô nhiễm môi trường.
Trước tháng 7 âm lịch, hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra thông bạch về tổ chức lễ Vu lan theo tinh thần Phật giáo truyền thống, tiết kiệm, tránh những hình thức mê tín dị đoan. Khuyến khích người dân không đốt nhiều vàng mã mà nên thực hiện các việc làm có ý nghĩa như tham gia từ thiện cứu giúp người nghèo khổ để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành báo hiếu tổ tiên và cha mẹ…
Đức Phật dạy tri ân, báo ân là con cháu thành kính hướng về tổ tiên, truyền thống tốt đẹp của gia đình để noi theo và thực hiện cho tốt. Không phải cứ làm mâm cao, cỗ đầy, đốt nhiều vàng mã cho tổ tiên trong dịp này mới là tri ân, có hiếu. Các gia đình chỉ cần làm mâm cơm gọn nhẹ cúng tổ tiên để tiết kiệm chi tiêu. Nếu có điều kiện thì hãy mua cá, ốc, chim… để phóng sinh và làm những việc thiện nguyện có ý nghĩa cho xã hội. Với những người có cha mẹ còn sống, hãy biết trân trọng, luôn quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng, đừng để đến khi họ nhắm mắt xuôi tay mới thể hiện đạo hiếu.
BÌNH MINH